Quảng Ninh: Cá heo bất ngờ xuất hiện tại vịnh Hạ Long TP. Hạ Long tổ chức lễ hội xe hơi đầu tiên ở Việt Nam Quảng Ninh: Đề xuất bổ sung nguồn thu phí, phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long |
Doanh nghiệp đặt tượng không đúng vị trí
Những ngày qua, dư luận tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh xôn xao câu chuyện bức tượng mang tên “Nữ thần San hô” xuất hiện trên vùng nước của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Đáng nói là, bức tượng này được Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Quảng Ninh cấp phép triển lãm không vì mục đích thương mại nhưng có ý kiến phản ánh rằng đơn vị kinh doanh có tổ chức thu phí đối với du khách vào check in.
Ngày 27/7, trao đổi với Báo Công Thương liên quan đến sự việc một bức tượng lạ mang tên “Nữ thần San hô” xuất hiện trên vùng nước của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, gây dư luận trái chiều trong mấy ngày qua, ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long khẳng định, Ban Quản lý vịnh Hạ Long hoàn toàn không có thông tin về cuộc trưng bày, triển lãm tượng “Nữ thần San hô” trên vịnh Hạ Long.
“Việc cấp phép của Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Quảng Ninh, Ban Quản lý vịnh Hạ Long không nắm được và cũng không được trao đổi giữa 2 bên. Thẩm quyền cấp phép là của Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Quảng Ninh theo Nghị định 23 của Chính phủ, Ban Quản lý vịnh không có thẩm quyền việc này. Việc doanh nghiệp đặt tượng không đúng vị trí, thu phí dịch vụ là trách nhiệm của doanh nghiệp không thực hiện đúng nội dung đề nghị và được phép”, ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho hay.
Bức tượng “lạ” mang tên “Nữ thần San hô” xuất hiện trên vùng nước của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long gây tranh cãi trên nhiều diễn đàn mạng những ngày qua. Ảnh: N.Sơn. |
Theo tìm hiểu, bức tượng “Nữ thần San hô” được Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp giấy đăng ký quyền tác giả vào ngày 27/6/2024. Ông Nguyễn Tăng Hoàng ở Quảng Trị là tác giả của bức tượng này, đồng thời cũng là chủ sở hữu hộ kinh doanh Đồi Mặt Trời tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Ông Ngô Thanh Tùng, đại diện hộ kinh doanh Đồi Mặt Trời cho biết, bức tượng được ông cùng một số người mua tại tỉnh Quảng Trị hồi đầu năm 2024 để đưa về điểm du lịch Ngọn Hải Đăng phục vụ nhu cầu chụp ảnh của du khách và đặt tên là “Nữ thần San hô”.
Theo đó, điểm du lịch Ngọn Hải Đăng đi vào hoạt động ngày 15/6/2024, hộ kinh doanh Đồi Mặt Trời có thu phí với mức từ 55.000 đồng/du khách (không dùng đồ uống) và 90.000 - 170.000 đồng/du khách (có dùng đồ uống).
Phản hồi thông tin về việc thu phí tham quan triển lãm bức tượng “Nữ thần San hô” trong khi đây là triển lãm không vì mục đích thương mại, ông Ngô Thanh Tùng khẳng định, đơn vị được phép thu phí tại điểm du lịch Ngọn Hải Đăng vì bức tượng đặt trong điểm du lịch này nên mọi người hiểu nhầm.
“Bức tượng được đặt trên bãi cát, nhưng khi thủy triều lên cao thì tượng bị ngập một phần nên nhiều người chỉ nhìn ảnh sẽ nghĩ tượng được đặt trên vịnh Hạ Long”, ông Ngô Thanh Tùng cho hay.
Ông Ngô Thanh Tùng cho biết, ngay sau khi có ý kiến của UBND TP. Hạ Long, đơn vị tiếp thu ý kiến chỉ đạo của tỉnh và đã cho di dời tượng “Nữ thần San hô” đến vị trí khác trong ngày 25/7 và tạm dừng việc thu phí vào tham quan điểm du lịch Ngọn Hải Đăng.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) cũng xác nhận, hộ kinh doanh Đồi Mặt trời đã di dời bức tượng trên ra khỏi vùng nước của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Phản hồi “đá nhau” về trách nhiệm bức tượng lạ “mọc” trên vịnh Hạ Long
Liên quan đến sự việc này, nhiều ý kiến băn khoăn rằng, trách nhiệm thuộc về ai? Trả lời trên báo giới trước đó, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Quảng Ninh cho rằng: "Việc đặt tượng lạ trên vịnh Hạ Long trách nhiệm thuộc về Ban Quản lý vịnh Hạ Long".
Song, đáp lại thông tin này, ông Vũ Kiên Cường khẳng định, đến thời điểm hiện tại, Ban Quản lý không có bất kỳ văn bản nào chấp thuận việc tổ chức triển lãm về bức tượng “Nữ thần San hô” trên vịnh Hạ Long.
Bức tượng “Nữ thần San hô” đã được di dời lên bờ. Ảnh: N.Sơn. |
Ông Vũ Kiên Cường cũng cho rằng, mọi hoạt động kinh tế - xã hội trên vịnh Hạ Long cũng như khu vực ven bờ vịnh cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về bảo vệ, gìn giữ, tôn tạo và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt và tuân thủ các khuyến nghị của UNESCO về quản lý di sản.
“Đối với các công trình, hiện vật văn hóa cần xem xét hết sức kỹ lưỡng, thận trọng về các yếu tố thẩm mỹ, phù hợp bản sắc phong tục, hài hòa với cảnh quan bên bờ di sản. Trong trường hợp xét thấy có nhiều yếu tố nhạy cảm thì cơ quan quản lý, cấp phép nên trao đổi, tham khảo ý kiến với các cơ quan có liên quan để tránh xảy ra sự việc đáng tiếc. Ngay cả khi đã cho phép hoạt động thì cũng phải tiến hành kiểm tra việc thực hiện của doanh nghiệp có tuân thủ đúng nội dung được cấp phép và nội dung đã cam kết hay không”, ông Vũ Kiên Cường trao đổi thêm.
Ông Cường đề nghị, Sở Văn hóa - Thể thao Quảng Ninh xem xét lại việc cấp phép tổ chức triển lãm bức tượng theo đúng quy định của pháp luật.
Về phía doanh nghiệp được giao đất, mặt nước khu vực Ngọn Hải đăng Bãi Cháy cũng khẳng định, đơn vị không có bất kỳ văn bản nào chấp thuận việc tổ chức triển lãm, trưng bày bức tượng. Việc tổ chức triển lãm, trưng bày bức tượng “Nữ thần San hô” là do đối tác thuê lại mặt bằng thực hiện.
Phía doanh nghiệp cho biết cũng bất ngờ với nội dung cấp phép trưng bày triển lãm bức tượng “Nữ thần San hô” khá chung chung, không rõ địa điểm, nơi trưng bày cụ thể.
UNESCO công nhận vịnh Hạ Long và Quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới. |
Như vậy, phản hồi giữa hai đơn vị là Sở Văn hóa - Thể thao Quảng Ninh và Ban Quản lý vịnh Hạ Long về tượng “Nữ thần San hô” đang có sự “vênh nhau” về trách nhiệm quản lý, khiến dư luận tiếp tục đặt câu hỏi. Việc một bức tượng lạ bỗng dưng “mọc” trên đất di sản vịnh Hạ Long và doanh nghiệp làm ngược với đề xuất ban đầu là phi thương mại thì trách nhiệm thuộc đơn vị nào?
Bên cạnh đó, nhiều người cũng ý kiến rằng, trước việc một bức tượng không rõ nguồn gốc, ý nghĩa, mục đích ngang nhiên tồn tại ở một địa điểm du lịch quốc gia là rất phản cảm. Do đó, các cơ quan chức năng cần cân nhắc, thậm chí loại bỏ vĩnh viễn bức tượng. Bởi, việc tồn tại một thứ văn hóa “lai căng”, sùng ngoại dễ dãi, thiếu cân nhắc, suy tính giữa một quần thể di tích danh thắng của quốc gia là không thể chấp nhận.