Hai điều kiện để thu hút nhà đầu tư chất lượng cao đến từ Nhật Bản
Việt Nam là điểm đến đầu tư được ưa thích thứ 2 của Nhật Bản
Tại Hội nghị Gặp gỡ Đà Nẵng – Nhật Bản do UBND TP. Đà Nẵng tổ chức ngày 5/7, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki cho biết, nhiều nước đang quan tâm đến Việt Nam với thành tích duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội trong bối cảnh có sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo khảo sát của JETRO đối với các công ty mẹ của các doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam là quốc gia được các doanh nghiệp Nhật Bản ưa thích thứ hai trên thế giới sau Hoa Kỳ.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki cho biết Việt Nam là quốc gia được các doanh nghiệp Nhật Bản ưa thích thứ hai trên thế giới sau Hoa Kỳ |
Bổ sung thêm thông tin này, ông Takeo Nakajima, Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản JETRO tại Hà Nội cho biết, theo khảo sát cho thấy phần lớn các doanh nghiệp Nhật Bản hài lòng và cho biết sẽ có định hướng mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.
Theo Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Đông Bắc Á (Bộ Ngoại giao) – bà Lâm Thị Thanh Phương, Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam khi là nước viện trợ ODA lớn nhất, chiếm đến hơn 30% tổng số viện trợ ODA của quốc tế dành cho Việt Nam, là đối tác lớn thứ hai về hợp tác lao động, thứ 3 về đầu tư và du lịch, thứ 4 về thương mại. Lũy kế đến ngày 20/5/2024, Nhật Bản có 5.352 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 76,031 tỷ USD (chiếm 15,8% tổng FDI vào Việt Nam), đứng thứ 3/146 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO), 64% doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam có ý định tiếp tục và mở rộng hoạt động tại Việt Nam – đứng đầu khu vực châu Á và châu Đại Dương.
Nhiều dự án hợp tác của Nhật Bản đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam như: Cầu Nhật Tân ở Hà Nội, Nhà khách quốc tế Sân bay quốc tế Nội Bài, cầu Bãi Cháy ở Hạ Long, và công trình hầm đường bộ Hải Vân, một trong 30 đường hầm lớn, hiện đại nhất thế giới tại Đà Nẵng.
Hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực như giáo dục, văn hóa, du lịch, giao lưu địa phương, giao lưu nhân dân, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… được thúc đẩy mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tích cực.
Ông Takeo Nakajima, Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản JETRO tại Hà Nội cho biết, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có ý định mở rộng kinh doanh tại Việt Nam |
Việt Nam cần tăng chất lượng nguồn nhân lực và đơn giản thủ tục hành chính
Theo Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư mới vào lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ thông tin.
Đại sứ Ito Naoki dẫn chứng nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản mới có hoạt động đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số vào TP. Đà Nẵng như Tập đoàn Pasona đã thành lập “Pasona DX Hub Đà Nẵng” (trung tâm chuyển đổi số của Pasona tại Đà Nẵng) với mục đích đào tạo kỹ sư trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như AI; hay công ty Lhotse (doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất robot sử dụng cho thiết bị sản xuất chất bán dẫn) đang đầu tư 15 tỷ yên vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng.
“Để tăng tốc đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ thông tin, tôi cho rằng sự có mặt của nguồn nhân lực Việt Nam có kỹ năng cao và ý chí mạnh mẽ là rất quan trọng. Gần đây, nhiều lao động được coi là “nhân lực chất lượng cao” tập trung ở lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ thông tin đang được đào tạo ở Việt Nam, và hiện nay nguồn nhân lực của Việt Nam đang thu hút sự chú ý không chỉ từ các công ty Nhật Bản mà còn từ các công ty trên thế giới”, Đại sứ Ito Naoki nói.
Các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng các thủ tục hành chính tại Việt Nam nói chung còn phức tạp và mất nhiều thời gian |
Trao đổi với phóng viên báo Công Thương, Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản JETRO tại Hà Nội cho biết, những ngành cụ thể của công nghệ thông tin và công nghiệp công nghệ cao mà doanh nghiệp Nhật Bản đang quan tâm đầu tư gồm: chuyển đổi số, vi mạch bán dẫn, tự động hóa, công nghiệp xanh.
Ông Takeo Nakajima đồng thời cho hay, bên cạnh việc cần phải có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao thì để thu hút đầu tư tốt hơn, các địa phương của Việt Nam cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc rút ngắn thời gian cũng như đơn giản hóa, cụ thể hóa hơn việc thực hiện các thủ tục hành chính. “Có 62,4% doanh nghiệp Nhật Bản có công ty tại Việt Nam cho rằng việc thực hiện thủ tục hành chính của Việt Nam rất phức tạp. Đặc biệt là cấp giấy phép đầu tư. Từ khi làm đăng kí đến khi nhận giấy chứng nhận đầu tư rất lâu”, ông Takeo Nakajima nói và mong muốn việc này sẽ được cải thiện.