Hà Tĩnh: Ngành bán lẻ tăng tốc dịp cuối năm
Nhiều chương trình để kích cầu mua sắm
Đại diện một số nhà bán lẻ ở Hà Tĩnh như Co.opmart, Vinmart, Điện máy Hồng Hà, Thế giới di động, Điện máy Xanh... đều cho rằng, thói quen và cách thức của người tiêu dùng có nhiều thay đổi sau giãn cách. Do đó, các nhà bán lẻ cũng tập trung thay đổi như chuyển đổi số, chuyển đổi cách bán hàng giao nhận hàng hoá, cũng như phương thức thanh toán...
Với người tiêu dùng, thời điểm này cũng là giai đoạn phù hợp để mua sắm những hàng hóa thiết yếu cho gia đình chuẩn bị dịp lễ, Tết cuối năm chứ không chỉ tập trung vào những nhóm ngành hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm. Đặc biệt, với những mặt hàng có thể dự phòng hoặc sử dụng trong thời gian lâu dài như hàng điện tử - điện máy, đồ trang trí nội thất, thời trang may mặc, hóa mỹ phẩm... thì người tiêu dùng có thể tận dụng cơ hội khuyến mãi, giảm giá từ đa dạng nhãn hàng, thương hiệu.
Các siêu thị bán lẻ đều chuẩn bị nguồn hàng rất lớn để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng |
Vừa qua, thực hiện Quyết định số 2649 của Bộ Công Thương về việc tổ chức “Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2021”, Sở Công Thương Hà Tĩnh đề nghị các doanh nghiệp (DN), doanh nhân chủ động tổ chức các hoạt động khuyến mãi, tham gia chương trình “Ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday 2021”. Các DN đã đăng ký tham gia chương trình mã giảm giá chung muasamvn và muasamvietnam tại địa chỉ http://muasamvietnam.onlinefriday.vn. Hạn mức tối đa giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại và mức giảm tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại là 100%.
So với những đợt giảm giá trước, dịp này nhiều DN bán lẻ đã có nhiều chương trình để đón đầu nhu cầu mua sắm, tiêu dùng, hầu hết trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng trên địa bàn đã phối hợp cùng các nhãn hàng, thương hiệu trong và ngoài nước triển khai chương trình khuyến mãi, giảm giá lên đến 70%. Những đơn vị này còn thực hiện phong phú hình thức kích cầu tiêu dùng như mua 1 tặng 1, mua 2 tặng 1; tặng phiếu giảm giá cho hóa đơn kế tiếp, phiếu mua hàng mệnh giá mặc định; bán hàng theo combo gồm sản phẩm chính kèm quà tặng...
Chị Hồng Ngọc - nhân viên cửa hàng thời trang tại TP. Hà Tĩnh - cho hay, hệ thống chúng tôi nắm bắt cơ hội của Black Friday để chạy chương trình truyền thông nhằm “kích cầu” mua sắm. Với mức chiết khấu dao động từ 30 - 50% trong khoảng thời gian từ nay đến hết tháng 11, hy vọng doanh thu của cửa hàng sẽ tăng từ 20 - 30%.
Hay ở lĩnh vực gia dụng, đồ điện tử, điện máy, các cửa hàng, siêu thị cũng đã được trang hoàng bắt mắt, sôi động để hưởng ứng ngày Black Friday. Dọc các tuyến đường, những biển hiệu khổ lớn với mức giảm giá 15 - 50% gây ấn tượng mạnh với người tiêu dùng. Đại diện siêu thị Điện máy Xanh ở TP. Hà Tĩnh cho hay, đợt này siêu thị đã áp dụng giảm giá lên đến 50% đối với các sản phẩm điện máy, điện tử, gia dụng… và giảm thêm 15% khi mua sản phẩm thứ hai. Đối với kênh bán hàng online, cửa hàng ưu đãi cho khách hàng săn được mã giảm giá từ 3-15%. Dự đoán lượng khách đợt này sẽ tăng mạnh gấp 4 - 5 lần so với trước đây…
Sau khoảng thời gian dài phải chịu sự bức bối, kìm nén do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xu hướng chi tiêu mạnh tay của người tiêu dùng dự báo bùng lên mạnh mẽ từ nay đến cuối năm. Có thể thấy rõ điều này từ số liệu được Sở Công Thương Hà Tĩnh công bố, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 11/2021 dự tính đạt 3.482,1 tỷ đồng, tăng 2,41% so với tháng 10/2021. Còn tại hệ thống bán lẻ ở các trung tâm thương mại, siêu thị đạt 15 tỷ đồng, tăng 23,7% so với tháng trước. Tính chung, doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng đầu năm 2021, dự ước tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước.
Trong thời gian dài giãn cách, mua sắm online đã trở thành thói quen, do thấy được sự tiện lợi nhanh chóng. Chính thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của khách hàng hậu Covid-19 đã cho thấy những tín hiệu tích cực, để ngành bán lẻ phục hồi, tăng tốc và bứt phá trong những tháng cuối năm.
Kỳ vọng hồi phục những tháng cuối năm
Về kỳ vọng phục hồi thị trường bán lẻ trong hơn 2 tháng cuối năm, ông Võ Tá Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh cho rằng, đây là thời điểm trùng với nhiều lễ hội vì vậy sẽ làm gia tăng nhu cầu mua của người dân nói chung. Với điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn thì việc tiêu dùng, chi tiêu của người dân cũng sẽ bắt đầu quay trở lại, để bù lại nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén trong suốt thời gian giãn cách vừa qua. Quý 4 được kỳ vọng là thời điểm mà mức tiêu dùng bùng nổ mạnh mẽ, từ đó sẽ giúp cho các ngành bán lẻ có các dấu hiệu tích cực hơn.
Quý 4/2021 được kỳ vọng là thời điểm mức tiêu dùng bùng nổ mạnh mẽ, từ đó sẽ giúp cho các ngành bán lẻ có các dấu hiệu tích cực hơn |
Những tháng cuối năm, Sở Công Thương Hà Tĩnh tiếp tục nắm bắt tình hình cung cầu thị trường, giá cả hàng hóa trước tình hình diễn biến mới của dịch Covid-19, cập nhật, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Công Thương, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của tỉnh. Cùng với đó tiếp tục phối hợp triển khai Kế hoạch số 381 về việc tổ chức các hoạt động quảng bá, hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản và sản phẩm OCOP. Phối hợp với các sở, ngành liên quan soát xét, thẩm định nội dung Đề cương nhiệm vụ xây dựng 10 mô hình điểm liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP gắn với chuyển đổi số. Quy hoạch phát triển hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia...
Bên cạnh đó, không phải DN, nhà bán lẻ, đơn vị sản xuất kinh doanh nào cũng có cơ hội đối với thị trường sau giãn cách xã hội, mà điều kiện thuận lợi chỉ dành cho một số nhóm ngành hàng nhất định và nhu cầu thị trường đang tăng cao. Có tận dụng được cơ hội sản xuất kinh doanh trên thị trường hay không, còn phụ thuộc vào chiến lược kích cầu tiêu dùng và kế hoạch sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp, từng nhóm ngành hàng. Nắm bắt xu thế, các DN bán lẻ đang từng bước thay đổi phương thức giao hàng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân trong mua sắm trực tuyến. Ngoài ra, DN bán lẻ triển khai nhiều giải pháp phòng dịch, thích ứng với tình hình, đẩy mạnh tiêm vaccine phòng Covid-19 cho cán bộ, nhân viên trên toàn hệ thống để người dân an tâm tới mua sắm...
Sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng là một cơ hội lớn, đồng thời đòi hỏi các DN bán lẻ cũng cần phải chuyển dịch nhanh chóng trong chiến lược kinh doanh. Thứ nhất, từ kinh doanh online đến offline là một xu thế tất yếu. Bên cạnh việc phát triển thương mại điện tử, trực tuyến, các kênh thương mại truyền thống vẫn tiếp tục được người tiêu dùng ưu tiên nhờ sự gần gũi và tiện lợi mang lại cho người tiêu dùng.
Ông Võ Tá Nghĩa cho biết thêm, những tháng cuối năm, các chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn được các DN đồng loạt triển khai, cùng với đó là nhu cầu mua sắm trong dân sẽ tăng dịp cuối năm hứa hẹn sức mua tăng lên. Nhằm chuẩn bị cho kế hoạch cung - cầu cuối năm, Sở đã lên kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị nguồn hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng theo dõi, nắm bắt tình hình cung - cầu, giá cả các loại hàng hóa để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp. Trong bối cảnh cuộc sống đang dần trở lại bình thường mới, lợi thế lớn nhất là các DN phải biết nắm cơ hội, để thực sự tạo ra những trải nghiệm khác biệt cho khách hàng.