Hà Nội xử lý tài sản là đất công, trụ sở làm việc thế nào?
Xử lý nghiêm trách nhiệm tổ chức, cá nhân vi phạm
Ngày 23/4, UBND TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch số 113/KH-UBND về xử lý và tổ chức xử lý tài sản công là nhà, đất trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả hoặc sử dụng không đúng mục đích thuộc phạm vi quản lý của Thành phố Hà Nội.
Thực hiện Công điện số 125/CĐ-TTg ngày 01/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Công văn số 2950/BTC-QLCS ngày 11/3/2025 của Bộ Tài chính liên quan đến việc rà soát, xử lý các trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp công lập sử dụng không hiệu quả hoặc sai mục đích, UBND TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai với ba nội dung trọng tâm.
UBND TP Hà Nội xử lý và tổ chức xử lý tài sản công là nhà, đất (trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp) không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả hoặc sử dụng không đúng mục đích thuộc phạm vi quản lý. Ảnh minh hoạ |
Trước hết, các sở, ban, ngành, tổ chức, đơn vị cùng UBND các cấp cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan báo chí để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Trung ương và Thành phố trong việc sắp xếp lại và xử lý tài sản công là trụ sở làm việc và cơ sở sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý.
Tiếp đến, toàn bộ các cơ quan, đơn vị phải tổ chức rà soát tất cả trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp mà mình đang quản lý, đánh giá tình hình triển khai các phương án xử lý đã được phê duyệt (nếu có).
Đối với những cơ sở nhà, đất thuộc diện thu hồi, UBND Thành phố sẽ giao Nông nghiệp và Môi trường chủ trì tham mưu ban hành quyết định thu hồi theo quy định pháp luật về đất đai, thay vì xử lý theo quy định về tài sản công. Trường hợp các trụ sở, cơ sở sự nghiệp đã có quyết định xử lý, các đơn vị có trách nhiệm tổ chức thực hiện hoặc tiếp nhận, lập và phê duyệt phương án xử lý theo đúng thời hạn quy định. Riêng các trường hợp đã được tổng hợp trong Văn bản số 4268/UBND-KTTH ngày 18/12/2024, yêu cầu hoàn thành xử lý theo quyết định của cấp có thẩm quyền chậm nhất trong tháng 5/2025.
Với những trụ sở làm việc và cơ sở sự nghiệp chưa có quyết định xử lý, các đơn vị phải khẩn trương rà soát, đồng thời xây dựng phương án xử lý, ưu tiên đối với các trường hợp dôi dư, không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả hoặc sai mục đích. Việc báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử lý phải được hoàn tất trong vòng một tháng, hoặc tối đa hai tháng nếu cơ sở nhà, đất có nguồn gốc, quá trình sử dụng phức tạp, tính từ thời điểm kế hoạch được ban hành hoặc cập nhật. Đối với các cơ sở đã được đề cập trong Văn bản số 4268, thời hạn xử lý vẫn là trong tháng 5/2025.
Cuối cùng, các sở, ban, ngành, tổ chức, đơn vị, UBND các cấp thường xuyên kiểm tra, rà soát trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp và các tài sản công khác để kịp thời phát hiện tài sản công không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích để đưa vào xử lý, khai thác theo quy định của pháp luật. Đồng thời, kịp thời xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm trong việc xử lý nhà, đất.
Xác định rõ tiến độ, phân định cụ thể trách nhiệm
UBND TP. Hà Nội yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức, đơn vị và Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm xây dựng và ban hành kế hoạch xử lý, đồng thời tổ chức triển khai việc xử lý tài sản công là nhà, đất không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả hoặc không đúng mục đích trong phạm vi quản lý của mình. Kế hoạch cần xác định rõ tiến độ thực hiện từng bước và phân định cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân có liên quan.
Đồng thời, các cơ quan, đơn vị phải nghiêm túc thực hiện theo đúng nội dung đã đề ra trong kế hoạch cũng như phân công tại Công văn của UBND Thành phố nhằm triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công.
Trước ngày 20 của tháng cuối mỗi quý, các sở, ban, ngành, tổ chức, đơn vị và UBND các cấp có trách nhiệm lập báo cáo tiến độ và kết quả xử lý các trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không sử dụng, sử dụng không hiệu quả hoặc sai mục đích, thuộc phạm vi quản lý. Báo cáo cần thực hiện theo đúng đề cương và các phụ lục kèm theo kế hoạch, gửi về Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố và Bộ Tài chính.
Về phía Sở Tài chính, cơ quan này được giao nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho UBND thành phố trong việc theo dõi, đôn đốc các đơn vị, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch đã đề ra.
Trước đó, ngày 22/4, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký ban hành công điện về tăng cường công tác quản lý, xử lý tình trạng lấn chiếm đất đai, ao hồ, đồng ruộng trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính, gây ảnh hưởng đến hiệu lực quản lý nhà nước và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tranh chấp, khiếu kiện phức tạp. |