Thứ bảy 26/04/2025 02:18

Hà Nội với ‘bài toán’ an toàn giao thông cho học sinh

Trước thực trạng học sinh vi phạm giao thông ngày càng tăng, tìm ra các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông lứa tuổi học đường trở thành yêu cầu cấp thiết.

Hàng nghìn trường hợp vi phạm bị xử lý

Tháng 10/2024, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh và chỉ đạo của Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã triển khai tháng cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh.

Kết quả trong chưa đầy một tháng, chỉ tính riêng TP. Hà Nội, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý gần 8.000 trường hợp học sinh vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tạm giữ gần 3.500 phương tiện các loại.

Nhằm nâng cao nhận thức về an toàn giao thông cho học sinh, thời gian qua, TP. Hà Nội đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, văn hóa giao thông cho học sinh.

Học sinh Tiểu học Phan Đình Giót tại buổi tuyên truyền về an toàn giao thông. Ảnh: NTCC

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, đơn vị đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã, các nhà trường hằng năm phải hoàn thành các chỉ tiêu: 100% cán bộ, giáo viên và học sinh trong các trường học được tham gia các hoạt động giáo dục pháp luật về an toàn giao thông; 100% các trường học xây dựng nội dung giáo dục an toàn giao thông lồng ghép vào các môn học trong chương trình chính khóa; 100% các đơn vị, trường học tổ chức cho học sinh, cha mẹ học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông.

Cùng với đó là phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đoàn, hội, đội trong việc giữ gìn trật tự, an toàn giao thông, xây dựng và nhân rộng mô hình "Cổng trường an toàn giao thông", "Xếp hàng đón con" tại khu vực cổng trường trong các giờ cao điểm, tạo thói quen chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông tại cổng trường cho học sinh...

Phải có sự chung tay của toàn xã hội

Một trong những buổi tuyên truyền thiết thực về an toàn giao thông được các ngành chức năng TP. Hà Nội phối hợp tổ chức vừa qua, là tại Trường Tiểu học Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân).

Cụ thể, ngày 21/4, Công an phường Thượng Đình đã phối hợp với Phòng cảnh sát Giao thông, Công an TP. Hà Nội tổ chức buổi tuyên truyền về an toàn giao thông cho toàn thể cán bộ, nhân viên và học sinh của trường Tiểu học Phan Đình Giót.

Tại đây, toàn thể cán bộ, nhân viên và các em học sinh được giới thiệu về hệ thống các biển báo hiệu đường bộ thường gặp và ý nghĩa của việc tuân thủ báo hiệu đường bộ, các quy tắc khi tham gia giao thông; kỹ năng tham gia giao thông an toàn, đúng pháp luật.

Hay tại Trường THCS – THPT Lương Thế Vinh và nhiều cơ sở giáo dục khác ngay từ đầu năm học, nhà trường yêu cầu cha mẹ học sinh ký cam kết về việc thực hiện an toàn giao thông.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, thực tế hiện nay vẫn có một số cha mẹ học sinh nuông chiều, giao phương tiện cho con khi chưa đủ điều kiện để sử dụng, thậm chí có những cha mẹ đưa con đến trường không đội mũ bảo hiểm...

Ông Nguyễn Quốc Bình nhận định, đây chính là một trong những nguyên nhân gây tai nạn. "Vấn đề đặt ra chính là làm thế nào để tăng cường ý thức tham gia giao thông cho các em, tăng cường nhận thức an toàn giao thông cho các bậc phụ huynh?", ông Nguyễn Quốc Bình nói.

Bàn về giải pháp, ông Bình cho rằng, phải có sự chung tay của toàn xã hội, trong đó duy trì liên tục và có chế tài phù hợp, răn đe đủ mạnh mới có thể giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm ở lứa tuổi học sinh.

Học sinh Trường Lương Thế Vinh thiết kế mũ bảo hiểm. Ảnh: NTCC

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Lê Thị Loan - nguyên Phó khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) cho biết, cần thiết phải áp dụng hình thức đình chỉ học hoặc hình thức tương đương đối với học sinh vi phạm giao thông nhiều lần. Tuy nhiên, đi kèm sau đó phải là định hướng cho các em để tránh việc đẩy học sinh vào môi trường tiêu cực hơn.

Ngoài ra có thể yêu cầu học sinh lao động công ích hoặc tham gia hoạt động cộng đồng liên quan đến giao thông để các em thay đổi nhận thức, cũng là cách để phụ huynh nhìn nhận lại vấn đề và tham gia tích cực vào việc giáo dục con em về an toàn giao thông.

Trong chưa đầy một tháng, chỉ tính riêng TP. Hà Nội, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý gần 8.000 trường hợp học sinh vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tạm giữ gần 3.500 phương tiện các loại.
Hoàng Thanh
Bài viết cùng chủ đề: Thành phố Hà Nội

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội sắp xếp hệ thống khám chữa bệnh theo 3 cấp

Hà Nội thành lập Cụm công nghiệp làng nghề Thạch Xá

Ứng dụng dữ liệu dân cư vào quy hoạch nông thôn mới

EVNSPC hỗ trợ 900 triệu đồng xóa nhà tạm, nhà dột nát

Dịch vụ Luật sư uy tín tại Công ty Luật Tín Minh

Sớm hoàn thiện thể chế, chính sách giao khoán đất lâm nghiệp

Thụy Điển trao tặng phim tài liệu về 30/4/1975 cho Việt Nam

Tỷ suất sinh giảm, mất cân bằng giới tính kéo dài

Hoàn thành hồ sơ sắp xếp đơn vị hành chính trước 1/5

Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh nhận tài trợ phần mềm từ AVEVA

Doanh nghiệp săn ‘kỹ sư tương lai’ tại Đại học Điện lực

Bộ Nội vụ phản hồi về phụ cấp tinh giản biên chế

Thời tiết hôm nay 25/4: Bắc Bộ có mưa rào và dông

Thời tiết biển hôm nay 25/4/2025: Gió chuyển hướng Đông Bắc

“Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ” – Khúc tráng ca thiêng liêng, xúc động tại Đại học Công nghiệp Hà Nội

Sự thật giật mình về nước chanh 'chữa bách bệnh' và khuyến cáo của bác sĩ

Thông tin về tiền lương cán bộ cấp tỉnh sau sắp xếp

Thủ tướng bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương

Khánh thành Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, quy mô 1.000 giường

Boeing dự báo Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về tăng trưởng hàng không đến 2043