Thứ năm 15/05/2025 14:52

Hà Nội ‘tuyên chiến’ với rác: Vì môi trường sống văn minh!

Hà Nội "tuyên chiến" với rác thải, quyết tâm thay đổi để xứng tầm thủ đô văn minh. Chiến dịch này hứa hẹn mang lại những thay đổi tích cực cho môi trường.

Siết chặt kỷ cương đô thị

Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã giao 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng lắp camera nhằm phát hiện, xử lý nghiêm hành vi đổ trộm rác thải, bỏ rác không đúng nơi quy định, chậm thu gom, vận chuyển rác theo hợp đồng.

Theo đó, từ 1/3/2025, UBND TP Hà Nội sẽ triển khai thực hiện các biện pháp thí điểm nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường tại 4 quận nội đô, bao gồm sử dụng phương tiện vệ sinh môi trường xanh, phương pháp thu gom phù hợp.

Đồng thời, các quận này cũng cần triển khai nhiều biện pháp đảm bảo trật tự đô thị, vỉa hè, lòng đường thông thoáng, đủ điều kiện cho các phương tiện vệ sinh môi trường tiên tiến, hiện đại hoạt động hiệu quả.

Việc lắp đặt camera giúp phát hiện và xử lý nghiêm, triệt để các hành vi vi phạm, như: đổ trộm rác thải, bỏ rác thải không đúng giờ, không đúng nơi quy định, chậm thu gom, vận chuyển rác theo hợp đồng. Ảnh: Thanh Tuấn

UBND TP. Hà Nội cho biết, việc này nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm, triệt để các hành vi vi phạm như đổ trộm rác thải, bỏ rác thải không đúng giờ, không đúng nơi quy định, chậm thu gom, vận chuyển rác theo hợp đồng...

Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ lắp thêm khoảng 40.200 camera, gồm hơn 12.000 camera PTZ (có thể quay, quét, phóng to, thu nhỏ) và hơn 28.200 camera cố định. Trong số này có hơn 23.700 camera phục vụ giám sát đảm bảo an ninh, trật tự và xử lý vi phạm; gần 300 camera phục vụ quốc phòng và hơn 16.200 camera phục vụ giám sát quản lý Nhà nước về an toàn giao thông, hạ tầng giao thông, môi trường, trật tự đô thị.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, chị Trà Mi (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, biện pháp của UBND TP. Hà Nội là cần thiết để nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung, tạo thói quen tốt cho cộng đồng. Đồng thời, việc xử phạt sẽ giúp giảm thiểu tình trạng vứt rác bừa bãi, góp phần làm sạch đẹp đường phố và không gian sống.

Theo tôi, thông tin lắp camera xử phạt hành vi đổ rác không đúng nơi quy định khi ban hành sẽ được hầu hết người dân đều đồng tình. Camera giúp ghi lại hành vi vi phạm một cách khách quan, đảm bảo tính công bằng trong xử phạt. Và việc bị phạt tiền sẽ là một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ đối với những người có thói quen vứt rác không đúng nơi quy định”, chị Trà Mi nói.

Có thể thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị do các bãi rác tự phát tồn tại nhiều năm trên địa bàn thành phố là một vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh Thủ đô. Nguyên nhân chính xuất phát từ ý thức kém của một bộ phận người dân, sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương và đặc biệt là chế tài xử phạt hành vi vứt rác không đúng quy định còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Giải pháp tiềm năng trong lĩnh vực môi trường

Việc áp dụng camera giám sát để phát hiện, xử lý và ngăn ngừa các hành vi gây hại môi trường là một giải pháp tiềm năng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để nhân rộng mô hình phạt nguội trong lĩnh vực môi trường trên phạm vi cả nước, đặc biệt khi tình trạng xả rác bừa bãi, ô nhiễm không khí, sông hồ vẫn còn nhức nhối ở nhiều nơi.

Nghị định 45/2022/NĐ-CP đã cho phép sử dụng dữ liệu từ các thiết bị kỹ thuật, bao gồm cả của người dân, để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Điều này mở ra cơ hội để người dân chung tay phát hiện và tố giác các hành vi gây ô nhiễm nơi công cộng.

Mặc dù vậy, việc triển khai phạt nguội trong lĩnh vực môi trường trên thực tế còn nhiều thách thức. Khác với lĩnh vực giao thông, hiện chưa có chế tài hiệu quả để xử lý những trường hợp vi phạm không nộp phạt khi gây hại cho môi trường. Hơn nữa, để hình thức này phát huy tối đa hiệu quả, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, cùng với sự tham gia tích cực của người dân và doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin và tố giác vi phạm.

Như vậy, để thay đổi hành vi, cần những biện pháp mạnh mẽ chứ không thể chỉ dựa vào tuyên truyền. Kinh nghiệm từ việc xử phạt vi phạm giao thông, thể hiện trong Nghị định 168-2024/NĐ-CP, cho thấy tính quyết liệt và hiệu quả trong việc thay đổi thói quen. Việc áp dụng camera phạt nguội trong lĩnh vực môi trường là một bước đi đúng hướng, mang “tinh thần Nghị định 168” vào công tác bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm xả rác thải, các cơ quan chức năng cũng cần tổng hợp những bất cập, hạn chế trong các quy định hiện hành. Từ đó, đề xuất với các cơ quan nhà nước để sửa đổi các nghị định liên quan, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và phù hợp với tình hình thực tế.

Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi thu gom, thải rác thải trái quy định về bảo vệ môi trường bị xử phạt:

Phạt tiền 100.000 - 150.000 đồng hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

Phạt tiền 150.000 - 250.000 đồng hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

Phạt tiền 500.000 - 1.000.000 đồng hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

Phạt tiền 1.000.000 - 2.000.000 đồng hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển.

Thanh Bình
Bài viết cùng chủ đề: rác thải sinh hoạt

Tin cùng chuyên mục

Tin Công Thương 13/5: Đề xuất giảm 2% thuế VAT với xăng

Giọt hồng Công Thương 2025: Hiến máu cứu người, chung tay vì sự sống cộng đồng

Tin Công Thương 12/5: Hàng Việt bứt tốc nhờ làn sóng mở chuỗi bán lẻ hiện đại

Bộ Công Thương tổ chức chương trình hiến máu tình nguyện năm 2025

Đề xuất kiểm soát khí thải phương tiện lưu hành: Người dân kỳ vọng gì?

Cần đột phá thể chế để phát triển kinh tế tư nhân

Nghị quyết 68: Mở không gian mới cho doanh nghiệp tư nhân

Thúc đẩy hợp tác năng lượng Việt Nam - Azerbaijan

Biến quỹ đất Vành đai 4 thành động lực phát triển mới

Vấn nạn 'chặt chém' làm xấu xí bức tranh du lịch

Tổng Giám đốc ACB: Nghị quyết 68 chạm đúng 'điểm nghẽn' của doanh nghiệp

Tin Công Thương 9/5: Phê duyệt khung giá nhập khẩu điện

Thanh niên Công Thương với sứ mệnh xung kích trong kỷ nguyên số

'Hậu trường' xây dựng Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân

Cục trưởng Lưu Đình Phúc: Báo chí cần làm gì để sớm đưa nghị quyết 68 vào cuộc sống?

Chủ quán Lòng Chát trả giá cho thói 'bon mồm' trên mạng xã hội

Người tiêu dùng nói gì về 'lòng xe điếu'

Nghị quyết 68: Những điểm mới đột phá để kinh tế tư nhân vươn mình

Ngành hóa chất: Hướng tới vai trò ngành công nghiệp nền tảng

Thanh niên ngành Công Thương: 74 năm phát triển và định hướng tương lai