Hà Nội: Tập trung phát triển Kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2020 – 2021
Hoàn thành mục tiêu xây dựng mô hình liên doanh, liên kết HTX
Có thể nói, hình thức tổ chức sản xuất là tiêu chí quan trọng trong bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Nắm bắt được tiêu chí đó, thời gian qua, Thành phố luôn quan tâm chỉ đạo triển khai đồng bộ các nội dung hỗ trợ của Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015-2020 tại Quyết định 2261/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chủ động nghiên cứu ban hành, triển khai các cơ chế hỗ trợ phù hợp với điều kiện của địa phương. Các sở, ngành, quận, huyện, thị xã trên địa bàn đã cụ thể hóa chỉ đạo của Trung ương, Thành phố, tích cực tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ HTX theo lĩnh vực, địa bàn quản lý. Qua đó, góp phần khuyến khích, tạo điều kiện cho các HTX trên địa bàn phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Mô hình liên doanh, liên kết HTX được xây dựng và phát triển. Các hình thức, nội dung liên kết, hợp tác đa dạng hơn như: Cung ứng vật tư, nguyên liệu cho sản xuất, giống cây trồng vật nuôi, sản phẩm hàng hóa, tạo vùng nguyên liệu tập trung cho các nhà máy của các HTX nông nghiệp; liên kết ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất; liên kết tiêu thụ sản phẩm, nông sản cho các hộ thành viên. Nhiều HTX trên địa bàn các huyện đã chủ động phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp giống, vật tư nông nghiệp của Trung ương và tại các tỉnh, thành phố trong nước để cung cấp giống, vật tư nông nghiệp cho các hộ nông dân; liên kết với các doanh nghiệp sản xuất sữa, chè trong việc tiêu thụ và chế biến sản phẩm của thành viên HTX. Các HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở làng nghề đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp trong việc cung cấp nguyên liệu, vật tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ở trong nước và xuất khẩu.
Mô hình HTX rau quả sạch tại Chúc Sơn - Chương Mỹ - Hà Nội |
Thời gian qua, các HTX trên địa bàn TP.Hà Nội cũng đã tập trung củng cố lại tổ chức bộ máy quản lý; thành viên tham gia HTX theo nguyên tắc tự nguyện, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ khi tham gia HTX, góp vốn điều lệ, trực tiếp tham gia và thường xuyên sử dụng dịch vụ của HTX. Năng lực, trình độ cán bộ HTX được nâng lên một bước; trình độ, tay nghề của người lao động trong HTX được cải thiện, dần đáp ứng được các yêu cầu phát triển của HTX. Các HTX đã tự hạch toán và chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất kinh doanh. Các HTX hiện nay đang từng bước trở thành nhân tố mới, tích cực tham gia và có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, đặc biệt trong quá trình xây dựng NTM.
Theo đánh giá của UBND TP. Hà Nội, nhiều HTX đã tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, VietGAP sử dụng công nghệ sản xuất chế biến thân thiện với môi trường; đăng ký được nhãn hiệu sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng và xây dựng, phát triển các mô hình đem lại giá trị kinh tế cao, không những đóng góp vào GRDP mà còn giúp tăng thu nhập cho thành viên, người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững và ổn định chính trị, an sinh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Định hướng phát triển giai đoạn 2021 - 2025
Phát huy thành tựu đã đạt được trong giai đoạn 2015 - 2020, mới đây, các sở, ngành vừa tham mưu UBND TP.Hà Nội xây dựng chương trình hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố với mục tiêu tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội; tiếp tục củng cố, đổi mới, phát triển kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế Thủ đô. Phấn đấu kinh tế tập thể, HTX có đóng góp tỷ trọng ngày càng cao trong nền kinh tế, góp phần tích cực vào việc tái cơ cấu các ngành kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Thành phố cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: Tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ thành lập mới khoảng 250-300 HTX, trong đó, có 170-200 HTX nông nghiệp, 80-100 HTX công nghiệp, thương mại dịch vụ. Đáng chú ý, Thành phố phấn đấu đến năm 2025, tổng số HTX trên địa bàn là 2.052 HTX; tổng số thành viên HTX là 595.000 thành viên; tổng số lao động làm việc trong HTX là 51.300 lao động; doanh thu bình quân của HTX 1.200 triệu đồng; thu nhập bình quân của lao động trong HTX từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng.
UBND TP.Hà Nội cũng đưa ra các phương án hỗ trợ để các HTX có thể phát triển đa dạng với nhiều hình thức phù hợp, dựa trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý, sản xuất kinh doanh theo hướng phát triển các sản phẩm dịch vụ có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chủ lực truyền thống gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa có hiệu quả ngày càng cao. Thông qua phát triển kinh tế tập thể, HTX để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thành viên HTX, nhân dân; góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định chính trị - xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô.
Để hoàn thành mục tiêu trên, UBND thành phố Hà Nội đã kiến nghị Trung ương tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX. Trọng tâm là: Bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học công nghệ mới; tiếp cận nguồn vốn; thành lập mới và tổ chức lại hoạt động của các HTX.