Hà Nội sẽ tạo điều kiện tối đa cho lưu thông hàng hoá
Không có nhiều xáo trộn lớn, hàng hóa dồi dào
Ghi nhận của phóng viên tại các hệ thống siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP. Hà Nội chiều ngày 18/7 cho thấy, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, không có tình trạng găm hàng, tăng giá trục lợi. Các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đẩy mạnh bán hàng qua kênh thương mại điện tử, hotline… giao hàng tại nhà nhằm tạo thuận lợi cho việc mua sắm của người dân.
Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Hapro Thành Công chiều 18/7 |
Tuy nhiên, vào tối 18/7, trước thời điểm thực hiện Công điện 15 của UBND TP. Hà Nội về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, tại một số siêu thị như Big C, Co.opmart, Vincom Phạm Ngọc Thạch,… có tình trạng lượng người dân đi mua hàng tăng khoảng 40% so với ngày thường. Hàng hóa cũng được phía doanh nghiệp phân phối liên tục bổ sung lượng hàng hóa từ kho ra đáp ứng nhu cầu lớn của người dân. Trong khi đó, tại siêu thị Hapro Thành Công lượng khách hàng đến mua sắm thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu không đông. Tại các cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống sức mua không biến động, hàng hóa khá dồi dào.
Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Hapro Thành Công ( ối 18/7) |
Tối 18/7, quầy rau xanh tại TTTM Vincom Phạm Ngọc Thạch |
Trước lo lắng của người tiêu dùng về việc cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô trong thời gian giãn cách xã hội, bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu hàng tiêu dùng thiết yếu, các doanh nghiệp bán lẻ đã dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu trong tháng dịch tăng gấp 3 lần so với tháng thường và cam kết không tăng giá trong thời điểm này. Cụ thể, ngành Công Thương Hà Nội dự trữ 836.000 tấn gạo, 167.346 tấn thịt lợn, thịt trâu bò 48.150 tấn, 55.782 tấn thịt gia cầm, trên 1 triệu quả trứng gia cầm…
Quầy thịt tươi tại TTTM Vincom Phạm Ngọc Thạch tối 18/7 |
Bên cạnh đó, thành phố đã tổ chức hoạt động liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP. Hà Nội với các tỉnh, thành phố, hỗ trợ kết nối tiêu thụ gần 200.000 tấn nông sản, trái cây, thủy hải sản, gia súc, gia cầm cho các tỉnh, thành phố như: Hải Dương, Sơn La, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Kạn và một số tỉnh phía Nam. Thành phố cũng chỉ đạo các quận nội thành thống nhất, lựa chọn 24 điểm để giới thiệu các tỉnh, thành phố tổ chức Điểm bán nông sản mùa vụ các tỉnh, thành phố tại Hà Nội.
Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, ngoài 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, thành phố đã rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện để bố trí làm kho dự trữ hàng, các điểm bán lưu động khi cần thiết.
Tại TTTM Vincom Phạm Ngọc Thạch, người dân ùn ùn tới mua hàng khiến các quầy rau xanh, thịt, giò nhanh chóng hết hàng |
Mặc dù các hệ thống phân phối đang phải đối mặt với một số khó khăn về nguồn nhân lực, vận chuyển hàng hóa qua địa phận các tỉnh, một số mặt hàng thiết yếu đang phải cung cấp cho các tỉnh phía Nam, song Sở Công Thương yêu cầu các hệ thống phân phối trong bất kỳ tình huống nào cũng phải bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân, kể cả khi mua sắm tăng cao, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng; phân bổ lượng hàng hóa đầy đủ trong hệ thống, đổi mới nhiều phương thức phục vụ, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng online… để hạn chế tập trung đông người tại hệ thống phân phối.
"Sở Công Thương cũng khuyến cáo người dân yên tâm không dự trữ hàng hóa, hạn chế tập trung đến các hệ thống phân phối tránh lây nhiễm dịch bệnh, thành phố bảo đảm đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân", bà Trần Thị Phương Lan nói.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi trong cung ứng, lưu thông hàng hóa
Trước những khó khăn của doanh nghiệp bán lẻ trong quá trình vận chuyển hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, trao đổi với báo chí, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở Công Thương đã đề xuất UBND TP. Hà Nội chấp thuận cho phép 132 xe ô tô, xe sitec của 20 doanh nghiệp được hoạt động 24/7 cung ứng hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu nhân dân, bình ổn thị trường và công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tiếp tục trình thành phố cho phép thống nhất phương án chấp thuận cho xe các tỉnh, thành phố và xe của doanh nghiệp lưu thông 24/7 ngày phục vụ vận chuyển hàng hóa phòng chống dịch.
Đồng thời, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Công an TP. Hà Nội tạo điều kiện cho xe ô tô chở hàng hóa, nông sản, nguyên vật liệu từ các địa phương (đã bảo đảm các quy định phòng chống dịch về người, phương tiện, hàng hóa) được phép lưu thông trên địa bàn Hà Nội, qua các chốt, trạm kiểm dịch theo quy định để kịp thời cung cấp hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Đối với việc lưu thông liên tỉnh, Bộ Giao thông Vận tải đã có giấy phép luồng xanh, những doanh nghiệp nào cần cấp luồng xanh gửi ngay về Sở để Sở gửi Bộ Giao thông Vận tải để cấp luồng xanh cho hệ thông phân phối đi liên tỉnh nhanh nhất.
Sở Công Thương sẽ tiếp tục cung cấp cho các hệ thống phân phối các doanh nghiệp có nguồn cung thiết yếu của các tỉnh, thành phố và Hà Nội để các doanh nghiệp chủ động kết nối nguồn cung, tăng lượng hàng phục vụ nhân dân. Sẵn sàng 236 xe trưng dụng tại các quận, huyện cùng với nhà cung cấp đưa hàng kịp thời đến các điểm bán. Sở cũng đề nghị Tổng công ty Vận tải Hà Nội hỗ trợ cho các doanh nghiệp đưa hàng từ các tỉnh về Hà Nội và từ các kho tới các điểm bán trên toàn thành phố. Chủ động phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Y tế hướng dẫn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp khi tham gia vận chuyển hàng hóa bảo đảm lưu thông thuận tiện nhất, giảm chi phí về logistics; phối hợp với Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa không để xảy ra hiện tượng đầu cơ găm hàng, tăng giá…
Sở Công Thương đã đề nghị các hệ thống phân phối chủ động hơn nữa trong việc nắm sát tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến trên địa bàn, có phương án chi tiết thu mua hàng hóa, bảo đảm nguồn cung, điều phối hàng hóa từ các kho hàng: kho từ các tỉnh đến kho trong địa bàn thành phố, từ kho của thành phố đến các điểm bán hàng, đặc biệt quan tâm bố trí nhân lực sắp xếp hàng hóa trên các kệ phục vụ nhu cầu của nhân dân, không được thiếu hàng cục bộ, kiểm soát chất lượng hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo đảm hàng hóa lưu thông thông suốt. |