Hà Nội ngày đầu hạn chế ra đường: Nguồn cung hàng hóa dồi dào, sức mua ổn định
Chợ truyền thống sức mua ổn định
Tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) trưa ngày 19/7, các quầy hàng tiêu dùng không thiết yếu được các tiểu thương đóng cửa và thực hiện nghiêm theo Công điện 15 của UBND TP Hà Nội ngày 18/9. Còn tại các quầy hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống, nguồn cung dồi dào. Không có cảnh người dân đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ.
Mật độ mua bán bình thường. Giá rau củ, thịt tươi sống không biến động, chỉ có bí xanh, khoai tây, trứng tăng giá nhẹ. Cụ thể, giá bí xanh tăng từ 18.000 đồng/kg lên 23.000 đồng/kg, khoai tây từ 15.000 đồng/kg lên 18.000 đồng/kg, giá trứng gà và trứng vịt ở mức 4.000 đồng/quả; giá thịt lợn ở mức 110.000 đồng/kg đến 150.000 đồng/kg.
Là người tiêu dùng mua hàng tại chợ Nghĩa Tân, anh Hoàng Đình Cảnh (Cầu Giấy, Hà Nội)- cho biết: “Tôi chỉ mua lượng vừa đủ dùng trong ngày và ngày mai lại mua thực phẩm tươi sống mới. Tin tưởng vào sự chỉ đạo của nhà nước, sự vào của các bộ ngành, doanh nghiệp nên tôi không sợ thiếu nguồn cung. Là người dân, nên chúng tôi tuân thủ và chấp hành đúng quy định của nhà nước đề ra và hi vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi”.
Còn theo anh Nguyễn Bá Thuận- tiểu thương chợ Nghĩa Tân, nguồn cung đầu vào sáng nay có lên một chút khoảng 1- 2 giá, hàng hóa chủ yếu tăng ở nhóm hàng rau củ quả, lượng khách mua hàng vẫn như những ngày thường, không có gì thay đổi.
Tại chợ truyền thống rau xanh dồi dào |
Tương tự chị Nguyễn Thu Hạnh- tiểu thương chợ Nghĩa Tân cũng cho biết, nguồn cung đầu vào từ các nơi về khá nhiều, không lo thiếu rau xanh. Lượng mua cũng ổn định.
Trước đó, sáng ngày 19/7, ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương tại một số chợ dân sinh như Trung Văn (Nam Từ Liêm), chợ Ngô Sỹ Liên (Đống Đa), chợ Phú Lương (Hà Đông), hàng hóa phong phú…. Tuy nhiên, giá trứng tại các chợ này đã tăng nhẹ so với trước đó, lên mức 35.000 đồng/10 quả trứng gà, trước đó giá bán chỉ 32.000-33.000 đồng/chục. Các hàng rau, hàng thịt- cá vắng khách hơn nửa so với ngày thường. Thịt ba chỉ, nạc mông, nạc vai 150.000 đồng/kg; sườn thăn 160.000 đồng/kg; thịt bò mông 230.000 đồng/kg. Trứng gà, trứng chim cút tại chợ khá nhiều. Rau cải ngọt, cải mơ non 13.000 đồng/mớ; rau muống 7.000 đồng/mớ; rau dền 5.000 đồng/mớ. Chị Liên (tiểu thương tại chợ Trung Văn) cho biết: “Rau tại chợ đầu mối vẫn rất dồi dào, không có gì thay đổi. Chỉ có bí xanh, bí đỏ tăng giá khá mạnh do họ vận chuyển vào miền Nam, loại này lâu thối hỏng. Bí xanh trước đó chỉ có 12.000 đồng/kg thì nay đã tăng thêm 8.000 đồng/kg”.
Nguồn cung thực phẩm dồi dào, người tiêu dùng không cần tích trữ |
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Công Thương, bên cạnh việc người dân tại một số khu vực có ghi nhận ca dương tính với Covid-19 tăng mua hàng do lo ngại cơ quan chức năng thiết lập vùng cách ly thì có một bộ phận khá đông người dân mua thực phẩm dùng trong 5-7 ngày để tránh tới nơi đông người nên sức mua tăng. Chỉ có một bộ phận nhỏ người dân lo ngại hàng hóa khan hiếm nên mua số lượng nhiều hơn thường ngày.
Siêu thị đầy ắp rau xanh, thực phẩm
Ngay từ đầu giờ sáng 19/7, ghi nhận tại một số siêu thị, cửa hàng tiện ích lượng người mua có tăng lên. Như tại siêu thị BigC Long Biên, VinMart Khu đô thị Royal City (quận Thanh Xuân), Aeon Long Biên, Bác Tôm Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng)… sáng nay lượng người tới mua sắm có tăng hơn. Khá nhiều người mua số lượng hàng tăng hơn thường ngày để giảm số lần đi chợ, nhưng không có hiện tượng mua tích trữ. Nhìn chung, hàng hóa tại các siêu thị đầy ắp, nhân viên liên tục bổ sung hàng mới. Giá rau củ vẫn giữ ổn định, như bí xanh 14.300 đồng/kg, cải thảo 14.000 đồng/kg, cải bắp trắng 12.500 đồng/kg, thanh long đỏ 32.000 đồng/kg, xoài cát chu 45.900 đồng/kg… Một số mặt hàng như sữa tươi, nước mắm, gạo... đang được một số siêu thị giảm giá.
Quầy rau xanh tại siêu thị Vinmart Thăng Long |
Tại siêu thị Big C Thăng Long, tất cả khách hàng đến siêu thị phải khai báo y tế, đo thân nhiệt và xịt khuẩn tay trước khi vào. Ở tầng 1 của Big C Thăng Long, các gian hàng thời trang cao cấp: quần áo, giày dép, đồng hồ, mỹ phẩm, đồ chơi, khu vực vui chơi cho trẻ em đều căng phủ bạt kín, không hoạt động do đây không phải là những mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, phải đóng cửa để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Quầy hàng rau xanh, trái cây và thực phẩm tươi sống đông đúc nhất. Tuy nhiên, rau xanh rất dồi dào. Bí xanh chỉ 14.300 đồng/kg; rau ăn lá tươi ngon, được bổ sung liên tục. Tại quầy hàng thực phẩm tươi sống, cá hồi đang được khuyến mại rất sâu khi fille cá chỉ bán với giá hơn 400.000 đồng/kg; tôm, thịt gà CP, thịt lợn đều có giá ổn định. Thịt nạc xay 129.500 đồng/kg, không tăng so với trước đó.
Sáng ngày 19/7, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức đoàn kiểm tra công tác phòng dịch Covid-19 cũng như việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa tại các chợ Nghĩa Tân. Nguồn cung thực phẩm tại chợ Nghĩa Tân dồi dào. |
Khu vực thực phẩm khô, thực phẩm chế biến sẵn cũng khá đông khách, nhưng không có hiện tượng người dân mua gom hàng tích trữ. Tại Big C Thăng Long, duy nhất có khu vực bán trứng gia cầm là thiếu hàng. Theo đó, các kệ hàng trứng gần như trống trơn, chỉ còn 3 vỉ trứng gà vỏ xanh Dabaco, giá bán 74.000/vỉ 12 quả.
Ông Lê Mạnh Phong- Giám đốc Big C khu vực miền Bắc cho biết: “Chúng tôi đã liên hệ với nhà cung cấp để bổ sung nguồn hàng trứng gia cầm và thực tế họ đã tăng số lượng cho Big C nhưng vẫn không đủ nhu cầu của người dân. Nguồn cung trứng cũng hạn chế do số lượng lớn được chuyển vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh xvà các tỉnh phía Nam. Đây là tình huống bất khả kháng nên thiếu hàng cục bộ, siêu thị không bổ sung ngay được”. Trong sáng nay, khách đến siêu thị này đã tăng khoảng 30% so với ngày thứ hai thông thường.
Tại BRG mart Thành Công, khách hàng mua khá thưa thớt. Các mặt hàng khô hay rau củ quả tươi, lương thực thực phẩm đều đầy đủ, giá cả giữ nguyên so với trước đó. Với mặt hàng trứng gia cầm, BRG mart có hàng nhưng không nhiều. Giá bán trứng gà ta nhỏ 47.000 đồng/10 quả; trứng gà ri nhỏ 45.900 đồng/10 quả; trứng gà so Tiên Viên 6 giá 17.800 đồng/10 quả.
Sáng ngày 19/7, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức đoàn kiểm tra công tác phòng dịch Covid-19 cũng như việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa tại các chợ và siêu thị. |
Theo đại diện của Vinmart, sáng nay, các siêu thị Vinmart và Vinmart+ trên toàn hệ thống đã bổ sung đầy đủ hàng hóa, không còn tình trạng kệ hàng “sạch bách” như tối hôm qua (18/7). Các mặt hàng được bổ sung nhiều là rau xanh, thịt lợn, thủy hải sản… Giá cả ổn định. Siêu thị đón lượng khách đến mua hàng tăng nhẹ so với ngày thường.
Tại siêu thị Vinmart Trần Đăng Ninh, hệ thống loa phát thanh của siêu thị thường xuyên phát đi khuyến cáo người dân chỉ mua vừa đủ lượng hàng thiết yếu, không tích trữ. Đồng thời, siêu thị áp dụng các hình thức mua hàng online, giao hàng tận nhà để khách hàng lựa chọn.
Quầy thanh toán tại Siêu thị Vinmart Thăng Long |
Ông Mai Trí Thức- Giám đốc Siêu thị Vinmart Thăng Long- cho biết, trong chiều hôm qua, sau khi có Công điện 15 của UBND TP. Hà Nội, sức mua cũng tăng đột biến nhưng không nhiều. Người tiêu dùng đã quen với công tác phòng chống dịch nên không còn tâm lý tích trữ nhiều. Tuy nhiên, phía siêu thị đã ngay lập tức bổ sung nguồn hàng trong tối qua và sáng nay để bà con mua sắm. “Siêu thị chuẩn bị nguồn hàng tăng từ 200% đến 300%, đồng thời làm việc với nhà cung ứng để có thể chuẩn bị nguồn hàng nhanh nhất và sớm nhất đảm bảo cung cấp cho người dân trong mọi tình huống xảy ra”, ông Mai Trí Thức nói.
Ghi nhận tại các chợ và siêu thị, người bán và người mua đều đeo khẩu trang phòng dịch. Tuy các siêu thị, cửa hàng tiện ích nhắc nhở người mua giãn cách nhưng người mua vẫn chưa giữ đúng khoảng cách theo quy định, nhất là tại khu vực thanh toán.
Sáng ngày 19/7, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức đoàn kiểm tra công tác phòng dịch Covid-19 cũng như việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa tại các chợ và siêu thị. Bà Trần Thị Phương Lan- Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội- cho biết, thực hiện Công điện 15 của UBND TP Hà Nội, ngành Công Thương đã tích cực và triển khai ngay việc chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu của người dân. Qua công tác kiểm tra tại chợ dân sinh và siêu thị, sức mua của người dân tại chợ truyền thống tăng từ 10% - 15%, còn tại các siêu thị sức mua có tăng 20 – 30% trong ngày hôm qua và trong sáng nay thì sức mua diễn ra bình thường. Quan trọng nhất đó là Hà Nội đã chuẩn bị nguồn cung từ các doanh nghiệp phân phối trong nhiều tháng qua do đó khi có biến động thì Hà Nội vẫn đáp ứng đủ. Hàng hóa hiện đang rất dồi dào, các hệ thống phân phối đều tăng nguồn hàng, tăng cường nguồn nhân lực để phục vụ người tiêu dùng. Người dân cũng rất bình tĩnh, không có tình trạng đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ. Hiện Hà Nội cũng chưa có tình trạng găm hàng, giữ giá đối với những mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, TP. Hà Nội vẫn chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cùng với Sở Công Thương và các lực lượng chức năng trên địa bàn thường xuyên túc trực kiểm tra, nhắc nhở các tiểu thương thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch cũng như chương trình bình ổn giá đăng ký với TP. Hà Nội đáp ứng nhu cầu người dân. Không găm hàng, tăng giá, trục lợi trong bối cảnh dịch bệnh. Bên cạnh việc xây dựng phương án 3 cấp độ để đảm bảo nguồn cung hàng bình thường như 6 tháng đầu năm 2021 với số lượng dự trữ tăng 3 lần bình thường, hiện Sở cũng đề nghị hệ thống phân phối tăng thêm nguồn hàng. Hà Nội cũng huy động tổng lực, sẵn sàng xe vận chuyển xuyên đêm để đưa hàng vào TP, cũng như tăng giờ bán. TP cũng sẵn sàng kích hoạt gần 2.000 điểm bán hàng lưu động để các đơn vị phân phối và hộ kinh doanh trong chợ có thể bán hàng lưu động phục vụ nhân dân. TP cũng chỉ đạo các lực lượng như công an, quân đội, đoàn thanh niên sẵn sàng chi viện lực lượng cho các hệ thống phân phối để đảm bảo vừa giãn cách chống dịch khi mua sắm, vừa đảm bảo cung ứng hàng hóa đến người dân, đặc biệt khu vực bị cách ly phong tỏa. |