Dự án triển khai thí điểm cho 15 đơn vị
Dự án Hỗ trợ tư vấn nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu vừa được Sở Công Thương Hà Nội tổ chức nghiệm thu.
Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá kết quả Dự án Hỗ trợ tư vấn nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020.
10 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ được Hà Nội tư vấn nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ (Ảnh minh họa) |
Dự án đã thực hiện đánh giá thực trạng ứng dụng công nghệ sản xuất cho 15 doanh nghiệp; và thuê chuyên gia tư vấn trực tiếp để cải tiến ứng dụng công nghệ sản xuất thuộc nội dung nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu cho 10 doanh nghiệp.
Theo Hội đồng nghiệm thu, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thời gian thực hiện dự án không dài, song dự án đã làm được một khối lượng công việc khá lớn.
Dự án đã thực hiện đánh giá hiện trạng về công nghệ sản xuất và yêu cầu kỹ thuật sản phẩm của 15 doanh nghiệp; Nghiên cứu, xây dựng tài liệu đổi mới quy trình công nghệ sản xuất phù hợp với từng doanh nghiệp; Xây dựng tiêu chí đánh giá về ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp; Đánh giá thực trạng ứng dụng công nghệ sản xuất tại 10 doanh nghiệp; và Tư vấn trực tiếp cho 10 doanh nghiệp.
Nhằm đánh giá về yêu cầu kỹ thuật sản phẩm của doanh nghiệp, Dự án đã xây dựng 4 nhóm và 9 tiêu chí đánh giá, gồm: Tiêu chí về chủng loại sản phẩm; Nhóm tiêu chí về chất lượng sản phẩm; Nhóm tiêu chí về công nghệ chế tạo sản phẩm; và Nhóm tiêu chí về tiêu chuẩn sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp hoàn thiện, đổi mới
Dự án đã mời các chuyên gia đến đánh giá thực trạng của doanh nghiệp, từ đó, định hướng một số biện pháp cải tiến, đổi mới quy trình công nghệ sản xuất với doanh nghiệp. Các chuyên gia đã nghiên cứu, xây dựng tài liệu đổi mới quy trình công nghệ sản xuất phù hợp với từng doanh nghiệp. Và chuyển kết quả nghiên cứu, thống nhất với doanh nghiệp về phương án cải tiến, xây dựng bản tài liệu cuối cùng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn yếu về năng lực tổ chức quản lý. Mặc dù đã có nền tảng về các hệ thống quản lý chất lượng như: ISO, 5S, Kaizen, nhưng thực hiện chưa nghiêm túc, thường xuyên. Về nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, do doanh nghiệp CNHT chủ yếu sản xuất theo đơn hàng, hoạt động nghiên cứu phát triển (RD) chủ yếu là phát triển sản xuất từ bản vẽ của khách, có cải tiến đổi mới nhưng chưa trở thành ý thức của người lao động- Kaizen yếu; hiệu quả khai thác công nghệ trung bình, quản lý máy móc thiết bị và hiệu suất sử dụng thấp.
Đối với 10 doanh nghiệp được Dự án tư vấn trực tiếp, Dự án đã Chuyên gia đến đánh giá và định hướng một số biện pháp cải tiến, đổi mới quy trình công nghệ sản xuất với doanh nghiệp; Chuyên gia xây dựng kế hoạch hỗ trợ, tài liệu đào tạo và kế hoạch thực hiện dự án cải tiến; Thành lập tổ/ban cải tiến tại doanh nghiệp. Hướng dẫn ban cải tiến thực hiện các dự án cải tiến.
Chẳng hạn, với Công ty cổ phần Airtech Thế Long, các chuyên gia đã yêu cầu tăng cường tự động hóa ở dây chuyền sản xuất bộ lọc; đồng thời Dự án tiến hành đào tạo và triển khai áp dụng bảo trì năng suất tổng thể TPM; thành lập đội Kaizen. Phân tích chi phí và xây dựng hệ thống cải tiến; cùng với đó, nghiên cứu, đề xuất phương án cải tiến ở các công đoạn, cập nhật thao tác chuẩn và quản lý trực quan.
Còn tại Công ty cổ phần đầu tư Thương mại Công nghiệp Hà Nội, Dự án đã hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ; Nghiên cứu đề xuất giải pháp cân bằng chuyền, tăng cường tự động hóa ở khâu gá đặt gia công chi tiết cơ khí; Triển khai dự án 5S tại xưởng cơ khí và nhựa; đồng thời đào tạo về quản lý trực quan và rà soát cải tiến hiện trường các xưởng.
Tại Công ty cổ phần cơ khí chính xác Việt Nhật, Dự án đã đề xuất phương án cải tiến dòng chảy sản phẩm, layout khu vực sản xuất; Đào tạo, hướng dẫn bảo trì năng suất tổng thể TPM; Yêu cầu tăng cường áp dụng 7 công cụ quản lý chất lượng cơ bản tại doanh nghiệp. Xây dựng bảng thông tin kết quả sản xuất, cập nhật tình trạng năng suất, chất lượng của toàn line hàng ngày, thông tin kịp thời với công nhân và điều chỉnh ngay cho ngày hôm sau. Đặc biệt chú trọng khâu quản lý sản phẩm: hướng dẫn xây dựng cấu trúc sản phẩm, xây dựng BOM, BOR cho từng sản phẩm theo nguyên tắc Flowchart, Kanban…
Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khác cũng được Dự án cùng các chuyên gia chỉ ra cụ thể những vấn đề cần nghiên cứu, cải tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết giảm chí phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu.