Năm 2020, Hà Giang đặt chỉ tiêu đón 1,6 triệu lượt khách du lịch, nhưng do tác động của dịch Covid – 19, tính đến tháng 5/2020, lượng khách chỉ đạt hơn 246 nghìn lượt, giảm 56,1% so với năm 2019; công suất buồng phòng bình quân của khối lưu trú chỉ đạt 50%; riêng với hoạt động lữ hành, lượng khách phục vụ chỉ đạt 50%; các điểm tham quan du lịch giảm mạnh, có nơi giảm đến 50%; kinh doanh dịch vụ du lịch giảm 50% so với cùng kỳ.
Tiếp tục giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh |
Thông tin từ UBND tỉnh Hà Giang, hiện nay, dù dịch đã được khống chế tại Việt Nam, song Hà Giang vẫn còn nhiều khó khăn: Do dịch bùng phát vào thời gian cao điểm đón khách quốc tế, làm suy giảm tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực du lịch; dịch diễn biến trên toàn cầu nên các kịch bản ứng phó, chỉ tiêu dự báo không phù hợp với thực tế, khiến định hướng kịch bản tăng trưởng trong ngắn hạn, trung hạn gặp nhiều thách thức. Mặt khác, tình trạng hủy tour, dịch vụ diễn ra ồ ạt, khiến doanh nghiệp (DN) du lịch thiệt hại nặng; nhiều DN tạm dừng hoặc chấm dứt hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, sự phát triển của du lịch phụ thuộc và tăng trưởng trong kinh doanh của DN, song tại Hà Giang phần lớn DN là vừa và nhỏ nên dễ bị tổn thương do dịch bệnh.
Dựa trên tình hình thực tế cũng như đặc thù của địa phương, chính quyền Hà Giang đang chỉ đạo ngành du lịch tập trung thực hiện nhiệm vụ kép, vừa chống dịch vừa xúc tiến du lịch, phát triển sản phẩm mới thu hút khách du lịch, nhất là khách quốc tế ngay sau khi dịch được khống chế. Theo đó, mục tiêu Hà Giang đề ra là thực hiện kịch bản tăng trưởng ngắn hạn và dài hạn đến năm 2021. Về ngắn hạn, tỉnh tập trung khai thác thị trường khách nội địa như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng. Về dài hạn, ngoài thị trường trong nước, sẽ đa dạng hóa thị trường quốc tế như Tây Âu, Trung Đông, ASEAN.
Để sớm phục hồi du lịch, lãnh đạo tỉnh Hà Giang cho rằng, DN được coi là trụ cột của ngành, vì vậy, tỉnh cam kết sẽ có các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, trong đó sẽ kịp thời triển khai thực hiện các giải pháp chính sách hỗ trợ DN, hợp tác xã sản xuất hàng lưu niệm gặp khó khăn, như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với các khoản nợ phát sinh; xem xét cho vay mới. Ngoài ra, tỉnh sẽ bảo vệ quyền lợi, an toàn cho du khách trước các rủi ro của việc hủy bỏ dịch vụ hoặc liên quan về an ninh, sức khỏe du lịch tại địa phương.
Đối với công tác xúc tiến quảng bá, sẽ tập trung thực hiện giới thiệu điểm đến AMAZING Hà Giang kỳ vĩ gắn với đẩy mạnh tuyên truyền môi trường an ninh y tế đến các thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế qua nhiều hình thức. Tập trung khai thác các mạng xã hội để du khách biết về điểm đến và tham gia các chương trình du lịch tại Hà Giang. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để lan tỏa hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh du lịch địa phương.
Để tăng thêm sức hút cho cao nguyên đá, Hà Giang triển khai quyết liệt kế hoạch nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm; tiếp tục triển khai giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh đạt tiêu chuẩn OCOP tại các điểm dừng chân, khu, điểm du lịch và các cửa hàng giới thiệu sản phẩm địa phương phục vụ du khách; tổ chức các chương trình kích cầu du lịch, trong đó kêu gọi DN giảm giá dịch vụ, miễn phí vé tham quan 100% trong vòng 4 tháng từ tháng 6 - 9/2020; giảm vé tham quan 50% từ tháng 10 - 12/2020 đối với điểm du lịch Thác Tiên – Đèo Gió, Cột Cờ Lũng Cú, Khu di tích danh thắng nhà Vương…
Với các giải pháp quyết liệt đề ra, Hà Giang phấn đấu hết năm 2020 sẽ đón 1,3 triệu lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt 1.900 tỷ đồng. |