Thứ sáu 08/11/2024 17:30

Hà Giang: Thu hút đầu tư hạ tầng để phát triển thương mại - dịch vụ

Với mục tiêu phát triển thương mại – dịch vụ nhanh, bền vững, Hà Giang đang đẩy mạnh thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại với nhiều chính sách ưu đãi.

Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới nằm trong số 6 tỉnh nghèo nhất cả nước. Xác định thương mại - dịch vụ giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương, những năm qua Hà Giang dành nhiều quan tâm cho lĩnh vực này. Tính đến năm 2020, tỷ trọng thương mại - dịch vụ chiếm 44,2% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Hà Giang. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ bình quân tăng 11,8%/năm.

Đến nay, Hà Giang đã có 170 chợ, trong đó có 20 chợ thành thị, 143 chợ nông thôn, 7 chợ gia súc, 1 chợ đêm và 1 tuyến phố phục vụ du lịch; 14.500 cơ sở bán buôn, bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, 68 cửa hàng xăng dầu và 265 cửa hàng khí dầu mỏ hóa lỏng. Cùng với đó là 1 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu quốc gia, 2 cửa khẩu phụ và 11 lối mở.

Để phát triển thương mại – dịch vụ, Hà Giang đang thu hút đầu tư xây dựng 1 trung tâm logistics tại Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy

Nỗ lực là thế, song thực tế, hạ tầng thương mại của Hà Giang vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ, tính kết nối chưa cao. Thị trường hàng hóa và số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã, thương nhân kinh doanh buôn bán, dịch vụ đã tăng hàng năm nhưng quy mô nhỏ, trao đổi mua bán qua nhiều khâu trung gian làm tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh trên thị trường.

Thực hiện Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo Quyết định 1163/QĐ-TTg, UBND tỉnh Hà Giang xác định, phát triển thương mại - dịch vụ theo hướng hiện đại, văn minh, phù hợp với quy mô, đặc điểm của địa phương.

Trong đó, cơ cấu lại thương mại theo hướng đổi mới, sáng tạo, chú trọng tới số hóa, công nghệ hóa; tập trung hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp; phát triển thương hiệu hàng hóa đặc trưng của tỉnh, tạo cầu nối vững chắc giữa sản xuất với tiêu dùng. Đặc biệt, quan tâm hơn nữa tới đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại, phát triển đầy đủ hạ tầng thiết yếu khu vực nông thôn, phục vụ hiệu quả cho hoạt động kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Giám đốc Sở Công Thương Hà Giang - ông Nguyễn Khắc Quyền cho biết: Sở Công Thương đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho tỉnh các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện. Trong đó, đặc biệt chú trọng giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, rà soát, đề xuất cắt giảm các điều kiện và thời gian thực hiện thủ tục liên qua đến hoạt động thương mại; phát triển doanh nghiệp phân phối, gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm hàng hóa…

Thực tế, mấy năm trở lại đây, tỉnh Hà Giang rất tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, với nhiều chính sách ưu đãi như: Ưu tiên quỹ đất, ưu đãi về thuế, tín dụng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp trong triển khai thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng... Bên cạnh các ưu đãi chung theo Luật Đầu tư, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang còn ban hành các nghị quyết riêng về thu hút và ưu đãi đầu tư.

Năm 2021, Ban thường vụ tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU về phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, xác định mục tiêu: Đến năm 2025, thu hút đầu tư xây dựng 1 trung tâm hội chợ triển lãm và 1 trung tâm thương mại tại thành phố Hà Giang; 1 trung tâm logistics tại Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy; chuỗi cửa hàng tiện lợi hoặc siêu thị hạng 3 tại trung tâm một số huyện. Phát triển 1 chợ đầu mối hoa quả, 2 chợ gia súc, xây mới 5 chợ, cải tạo nâng cấp 8 chợ, nâng tổng số chợ trên địa bàn tỉnh lên 176 chợ. Phấn đấu có 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể có hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử…

Hà Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây mới thêm 5 chợ. Hình ảnh chợ phiên huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang

Triển khai Nghị quyết số 12-NQ/TU, Hà Giang đã và đang triển khai xây dựng quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển hạ tầng thương mại đảm bảo hài hòa, cân đối giữa các vùng trong tỉnh. Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn. Cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông tại các xã biên giới để thúc đẩy phát triển thương mại biên giới.

Song song với đó, đẩy mạnh triển khai ứng dụng thương mại điện tử, đưa các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh lên sàn giao dịch thương mại điện tử như: Postmart, Voso, Sendo… Tăng cường kết nối doanh nghiệp thương mại điện tử với các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, phân phối để từng bước thay đổi thói quen mua sắm, hành vi tiêu dùng của người dân theo hướng văn minh, hiện đại.

Có thể nói, việc phát triển đồng bộ hạ tầng thương mại với nhiều chính sách ưu đãi, kịp thời từ Trung ương đến địa phương được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng Hà Giang thành điểm giao thương năng động trong vùng và khu vực, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của địa phương này.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu: "Xây dựng Hà Giang là tỉnh phát triển về thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp; đến năm 2030 là tỉnh khá trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh trung bình khá của cả nước".
Hoàng Mai

Tin cùng chuyên mục

Bắc Giang: Sản xuất công nghiệp 10 tháng tăng 28,1% so với cùng kỳ

Vĩnh Long: Chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng tăng 13%, ngành chế biến, chế tạo dẫn dắt

Sơn La xây dựng thương hiệu, mở rộng đầu ra cho nông sản

Sơn La hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử

Sóc Trăng: Đa dạng hóa sản phẩm OCOP, thúc đẩy kinh tế nông thôn

Sơn La bảo tồn và phát triển các bản du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống

Huyện Bắc Yên - Sơn La dành nguồn vốn lớn đầu tư hạ tầng thiết yếu cho bà con dân tộc

Sơn La xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ măng cho đồng bào dân tộc thiểu số

Bình Phước: Tháng 10, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 20% với cùng kỳ

Hải Phòng: Đẩy nhanh tốc độ thành lập các khu, cụm công nghiệp mới

Bà Rịa – Vũng Tàu: Nhiều điểm sáng về kinh tế, thương mại, dịch vụ 10 tháng năm 2024

Phương tiện giao thông tăng nhanh, gây áp lực hạ tầng giao thông tại Đắk Lắk

Ngành Công Thương Hà Nội: Kết nối, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP

Cần Thơ: Số lượng lao động trong các khu công nghiệp tăng mạnh

Trà Vinh: Tháng 10, thu gần 5.300 tỷ đồng từ bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng

Bình Dương: Nhiều giải pháp phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Quảng Ninh đặt mục tiêu chuyển đổi số mạnh mẽ, hướng tới nền kinh tế số

Quảng Ninh: Đồng hành cùng doanh nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ bền vững

Đồng Nai: Đẩy mạnh phát triển hạ tầng logistic trên địa bàn tỉnh

Thừa Thiên Huế: Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đạt hơn 1 tỷ USD