Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang, hiện trên địa bàn Công viên đá Đồng Văn (gồm 4 huyện) có 150 doanh nghiệp, HTX ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất các mặt hàng nông sản đặc trưng của vùng, với các sản phẩm nổi tiếng. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Cùng với đó, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm nông sản trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh hỗ trợ người dân quảng bá, tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử. Qua thực tế triển khai cho thấy, đây là hướng đi phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân, doanh nghiệp, HTX.
Doanh nghiệp, HTX sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hà Giang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ |
Như việc dán tem truy xuất nguồn gốc và đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử là xu thế tất yếu trong tiêu thụ nông sản thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, giúp người tiêu dùng có đầy đủ thông tin về nguồn gốc hàng hóa, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng, mạo danh thương hiệu, đồng thời thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Hà Giang được thiên nhiên ưu đãi về đất đai và nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, từ đó hình thành nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hàng hóa, tiêu biểu như: Cam sành, chè Shan tuyết, mật ong bạc hà, thịt bò vàng vùng cao, gạo Già dui Xín Mần, hồng không hạt Quản Bạ và các loại dược liệu quý…
Đến nay, toàn tỉnh Hà Giang có 193 sản phẩm được phân hạng và công nhận đạt sao OCOP của 87 chủ thể, trong đó có 38 sản phẩm đạt 4 sao, 153 sản phẩm đạt 3 sao, 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia. Tất cả các sản phẩm OCOP được cấp mã QR code, tem điện tử truy xuất nguồn gốc, cho phép người dùng quét mã ngay trên điện thoại thông minh hoặc nhập mã tra cứu trên phần mềm để truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Trong năm 2021, Hà Giang đã hỗ trợ 12 doanh nghiệp, HTX in và sử dụng 4,5 triệu tem thông minh truy xuất nguồn gốc sản phẩm trước khi đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị, điểm bán hàng…
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Giang, việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm là rất cần thiết để người tiêu dùng yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng được đảm bảo; sản phẩm hàng hóa được bảo vệ thương hiệu, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại...
Khách hàng truy xuất nguồn gốc nông sản tại gian hàng đặc sản Hà Giang |
Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến các kênh bán hàng truyền thống bị ngưng trệ, ảnh hưởng thì việc sử dụng các sàn giao dịch thương mại điện tử để tiêu thụ nông sản cho người dân là lựa chọn đúng hướng và bắt kịp xu thế. Trong Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, tỉnh Hà Giang chú trọng các giải pháp đẩy mạnh thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ số để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây là giải pháp cụ thể hóa mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh, bắt kịp xu thế phát triển trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay.
Cụ thể hóa các giải pháp trong đề án, Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đề xuất với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tham gia phân phối, tiêu thụ sản phẩm qua “Gian hàng Việt trực tuyến” và trên các sàn thương mại điện tử; triển khai gian hàng trực tuyến gắn với “Tuần văn hóa du lịch qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì” lần thứ VI; phối hợp với Tập đoàn FPT đưa sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh lên sàn thương mại điện tử Sendo, Lazada, Voso, Postmart… Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến công thương, Liên minh HTX tỉnh, tỉnh đoàn, Bưu điện tỉnh mở các lớp tập huấn cho người dân, doanh nghiệp, HTX những nội dung, kiến thức, kỹ năng cơ bản để đăng tải sản phẩm, bán hàng, cách livestream trực tuyến tại vườn hoặc cơ sở sản xuất; các nguyên tắc, tiêu chuẩn tham gia sàn thương mại điện tử. Nhiều cơ sở sản xuất đã thành công khi giới thiệu, bán hàng trực tuyến trên các website chuyên ngành và trên mạng xã hội; có hàng chục tấn cam và các sản phẩm OCOP của tỉnh Hà Giang đã được tiêu thụ trên các sàn thương mai điện tử…