Thứ tư 16/04/2025 19:27

Hà Giang: Kết nối thúc đẩy phát triển du lịch bền vững

Ngày 15/1, tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác phát triển du lịch và gặp mặt các doanh nghiệp du lịch, cơ quan thông tấn, báo chí năm 2025.

Dự hội nghị có bà Vương Ngọc Hà, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn.

Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á

Hà Giang là vùng đất biên cương, địa đầu Tổ quốc, có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với nhiều giá trị về địa chất, địa hình; thời tiết, khí hậu quanh năm ôn hòa, mát mẻ; nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc vẫn đang được giữ gìn và phát huy… là tiềm năng, lợi thế để địa phương đẩy mạnh phát triển du lịch. Những năm qua, lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã quan tâm, chỉ đạo ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển du lịch và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Bà Vương Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Ảnh: Đức Lâm

Du lịch Hà Giang ngày càng thu hút được sự quan tâm của khách du lịch trong và ngoài nước, phát huy hiệu quả vị trí, tiềm năng của một tỉnh giàu tài nguyên và thế mạnh trong phát triển du lịch. Địa phương thường xuyên nằm trong danh sách các điểm đến lý tưởng do các tạp chí du lịch uy tín trên thế giới bình chọn. The New York Times (Mỹ) đã xếp Hà Giang vào danh sách các điểm đến hấp dẫn nhất trên thế giới. Hà Giang được Tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards - WTA) vinh danh là: Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023; Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á năm 2024.

Năm 2024, Hà Giang đã đón 3,2 triệu lượt du khách, doanh thu đạt 8.150 tỷ đồng. Trong đó, lượng khách du lịch quốc tế đến từ 186 quốc gia, vùng lãnh thổ, đông nhất là Anh, Pháp, Đức, Mỹ; thị trường khách du lịch trong nước bao gồm tất cả các tỉnh, thành phố lớn. Hiện nay, địa phương có 26 doanh nghiệp lữ hành, 1.005 cơ sở lưu trú, 9.263 buồng, 19.199 phòng và 229 mã số thẻ hướng dẫn viên đang hoạt động; vận tải du lịch được đảm bảo, thẩm định, công nhận 48 khách sạn hạng 1-3 sao.

Phát triển du lịch gắn kết với tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP

Năm 2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang (VHTTDL) đã tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá, phân loại, xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý, bảo vệ, bảo tồn, khai thác, sử dụng hợp lý và phát triển tài nguyên du lịch của địa phương; Thực hiện các biện pháp để quản lý môi trường du lịch, khu du lịch, điểm du lịch; tham gia ý kiến đối với các dự án phát triển du lịch trên địa bàn. Đồng thời, nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng; đề xuất chính sách hỗ trợ về trang thiết bị cần thiết ban đầu và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phục vụ khách du lịch cho cá nhân, hộ gia đình trong cộng đồng tham gia cung cấp dịch vụ du lịch; hỗ trợ xúc tiến sản phẩm du lịch cộng đồng.

Trước sự chứng kiến của lãnh đạo tỉnh Hà Giang, Quyền Giám Sở VHTT&DL, huyện Bắc Mê cùng Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ AAV ký kết thỏa thuận hợp tác xây dựng sản phẩm du lịch cao cấp tại Hà Giang. (Ảnh: Đức Lâm)

Bên cạnh đó, đã ban hành Bộ tiêu chí, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và tổ chức công bố “Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP” tỉnh Hà Giang.

Theo đó, có 40 làng được đưa vào danh sách định hướng xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng. Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều có văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai, đồng thời thẩm định trình tỉnh công nhận. Đến nay, 16 làng đã hoàn thiện các tiêu chí “Làng văn hóa du lịch tiêu biểu” được tỉnh công nhận, tăng 9 làng so với nhiệm kỳ trước. Trong đó, có 7 làng tham gia chương trình đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh đạt từ 3 đến 4 sao. Riêng làng văn hoá du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao giai đoạn 2022- 2024 và đạt danh hiệu “Làng văn hóa du lịch theo tiêu chuẩn ASEAN” giai đoạn 2023-2025.

Việc hỗ trợ cho các làng văn hóa du lịch hiện nay thông qua lồng ghép các chương trình dự án, kế hoạch của các ngành, địa phương; đối với Sở VHTTDL hiện có chính sách hỗ trợ các làng văn hóa du lịch được tỉnh công nhận lần 1, lần 2; hỗ trợ xúc tiến quảng bá theo Đề án xúc tiến quảng bá của tỉnh và các chương trình xúc tiến quảng bá của tỉnh; Hỗ trợ đào tạo theo đề án phát triển nguồn nhân lực của địa phương; Đề án 501 về bảo tồn làng văn hóa truyền thống; Dự án 06 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Sở cũng tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 16/2/2023 của UBND tỉnh về thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hà Giang giai đoạn 2023-2025. Theo đó đã triển khai đầu tư thí điểm xây dựng 03 mô hình phát triển du lịch nông thôn, cụ thể: điểm đến du lịch thăm quan trải nghiệm nông nghiệp Nặm Đăm huyện Quản Bạ); điểm đến du lịch sinh thái nông thôn Thôn Khun, huyện Quang Bình và điểm đến du lịch tìm hiểu bản sắc văn hóa Thôn Tha, TP. Hà Giang.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Ngọc Hà đánh giá cao những ý kiến chia sẻ, đóng góp tâm huyết của các đại biểu để tháo gỡ những khó khăn, hạn chế đối với sự phát triển du lịch Hà Giang. Mong muốn các doanh nghiệp làm du lịch, các cơ quan báo chí, truyền thông cũng như đội ngũ làm nội dung trên các nền tảng xã hội “vì yêu mảnh đất Hà Giang mà đến” hỗ trợ địa phương thúc đẩy kích cầu du lịch. Trên cơ sở đó, Hà Giang sẽ nghiên cứu, hoạch định và tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy du lịch tăng trưởng xanh, bền vững. Việc phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả. Xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang là điểm đến an toàn, hấp dẫn, đặc sắc. Đồng thời, tập trung cao nhất mục tiêu hoàn thành xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành Khu du lịch quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; phấn đấu năm 2025, Hà Giang sẽ đón khoảng 3,5 triệu lượt du khách.

Hà Giang sẽ chỉ đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, doanh nghiệp cùng các cơ quan báo chí truyền thông cụ thể hóa các nội dung đạt được tại hội nghị thành các chương trình hành động cụ thể nhằm khai thác tốt hơn nữa tiềm năng, lợi thế, nâng tầm phát triển du lịch của địa phương trong thời gian tới.
Đức Lâm
Bài viết cùng chủ đề: khách du lịch quốc tế