Gói vay nhà ở xã hội: Thêm ngân hàng muốn tham gia, lãi suất không còn thả nổi
Chia sẻ với báo giới về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, để hỗ trợ người vay mua nhà ở xã hội, Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị quyết sửa đổi gói 120.000 tỷ đồng với nhiều ưu đãi hơn.
Theo đó, mức lãi suất cho vay thấp hơn 3% lãi suất cho vay thương mại dài hạn của nhóm ngân hàng Big 4 (hiện tại là thấp hơn 1,5% - 2%), thời gian điều chỉnh lãi suất định kỳ 3 tháng/lần (hiện tại là 6 tháng/lần).
Ngoài ra, thời gian vay ưu đãi chương trình cũng được đề xuất 5 năm, thay vì 3 năm. “Sau thời gian ưu đãi 5 năm, ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục ưu đãi lãi suất cho người vay với mức thấp hơn lãi vay thương mại tối thiểu 1%-2% thay vì quy định thả nổi như hiện tại. Quan điểm rất rõ ràng như vậy, chứ không phải sau 5 năm sẽ thả nổi lãi suất rồi lại đẩy lãi suất lên cao khiến người vay lo lắng” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, với chủ đầu tư, chính sách cho vay vẫn được giữ nguyên như hiện tại.
Sau thời gian ưu đãi 5 năm, các ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục ưu đãi lãi suất cho người vay nhà ở xã hội, thay vì thả nổi như hiện tại |
Thông tin về số ngân hàng thương mại tư nhân đăng ký tham gia vào gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú - cho biết, ngoài 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đã đăng ký, mỗi ngân hàng 30.000 tỷ đồng với tổng 120.000 tỷ đồng như đã công bố, đến nay có thêm 4 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân khác cũng đăng ký tham gia với 5.000 tỷ đồng/ngân hàng. “Như vậy, tổng số vốn của chương trình đạt 140.000 tỷ đồng, tăng 20.000 tỷ đồng so với quy mô của gói ban đầu” - Phó thống đốc nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh, ngoài gói 140.000 tỷ đồng, nhà điều hành hoàn toàn ủng hộ, tạo điều kiện và khuyến khích các ngân hàng thương mại bằng nguồn lực của mình để tham gia vào chương trình phát triển nhà ở xã hội. Trước hết là cho người mua nhà vay, sau đến là cho các chủ đầu tư xây dựng những dự án nhà ở xã hội với lãi suất tích cực nhất.
“Chúng tôi rất khuyến khích và tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại với những cơ chế, chính sách một cách phù hợp, hợp lý để vừa đảm bảo hài hòa được tất cả các yếu tố đặt ra trong vấn đề kiểm soát an toàn, lành mạnh của các ngân hàng cũng như là chính sách tăng trưởng tín dụng một cách hợp lý để đảm bảo kiểm soát lạm phát trong thời gian tới” - lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho hay.
Là ngân hàng giải ngân gói cho vay nhà ở xã hội nhiều nhất trong hệ thống, lãnh đạo Agribank cho biết, ngân hàng đã tích cực triển khai chương trình 120.000 tỷ. Đến nay ngân hàng đã cho vay 11 dự án với số tiền tham gia là hơn 3.000 tỷ đồng, hiện giải ngân được hơn 600 tỷ đồng. “Chúng tôi đang tiếp cận thêm 11 dự án với tổng nhu cầu vay khoảng 5.000 tỷ đồng” - bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng Giám đốc Agribank thông tin.
Tổng số vốn chương trình cho vay nhà ở xã hội đạt 140.000 tỷ đồng, tăng 20.000 tỷ đồng so với quy mô của gói ban đầu |
Phó Tổng Giám đốc Agribank cũng cho biết thêm, theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước đã họp các ngân hàng về tham gia chương trình 120.000 tỷ đồng để tiếp tục giảm lãi suất cho người mua nhà, trước đây là 2%, giờ thêm 1% nữa là giảm 3%. “Với lãi suất cho vay bình quân của nhóm Big 4 đã rất thấp, giảm thêm 3% nữa thì gần như chúng tôi không có lãi ở lĩnh vực cho vay đối với người mua nhà. Nhưng Agribank vẫn sẵn sàng phục vụ nhu cầu vốn của người dân” - bà Bình khẳng định.
Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, đến nay có 34/63 tỉnh, thành công bố 78 dự án nhà ở xã hội thuộc đối tượng được vay gói tín dụng này. Số vốn được các ngân hàng thương mại giải ngân là 1.344 tỷ đồng, trong đó cho chủ đầu tư 1.295 tỷ đồng và người vay mua nhà 4,9 tỷ đồng.
Mới đây, Vingroup và Techcombank đồng kiến nghị thí điểm gói vay mua nhà ở xã hội. Điểm đáng chú ý là hai “ông lớn" trong ngành tài chính và địa ốc kiến nghị về mong muốn đưa ra mức lãi vay cho người mua nhà ở xã hội ngang bằng với mức lãi được Ngân hàng Chính sách Xã hội áp dụng theo từng thời kỳ (hiện mức lãi suất khoảng 4,8%/năm và cố định trong 5 năm đầu tiên). Thời hạn vay cũng áp dụng lên đến 30 năm với tài sản đảm bảo là chính căn nhà đó. Hai doanh nghiệp này đề xuất đối tượng vay là những cá nhân đủ điều kiện mua nhà ở xã hội theo danh sách do chủ đầu tư dự án xác minh và cung cấp. Đặc biệt, mức cho vay mua nhà tối đa đến 100% giá trị hợp đồng mua bán nhà ở xã hội.
Tuy nhiên đi kèm với đề xuất, Techcombank kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng so với tăng trưởng tín dụng thông thường để các ngân hàng chủ động mở rộng kinh doanh, tạo ra thu nhập bù đắp phần chênh lệch lãi suất đã bỏ ra để hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội.
Hiện lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội với người mua nhà là 7,5%/năm, và được điều chỉnh 6 tháng 1 lần. Thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cũng là 1 trong những nhiệm vụ trọng tâm được giao cho Ngân hàng Nhà nước tại Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 21/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ nhằm giúp công nhân, người lao động có điều kiện vay vốn mua nhà ở. |