Đà Nẵng: 44 hộ gia đình đặc biệt khó khăn được bố trí nhà ở xã hội Đà Nẵng: Chủ đầu tư chậm tiến độ, người dân mòn mỏi chờ nhà ở xã hội |
Sáng 12/12, tại Kỳ họp thứ 21, HĐND TP. Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026, các đại biểu HĐND TP. Đà Nẵng đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề kinh tế - xã hội được người dân quan tâm. Trong đó, nổi lên là tình hình triển khai nhà ở xã hội TP. Đà Nẵng giai đoạn 2021 – 2030.
Kỳ họp thứ 21 HĐND TP. Đà Nẵng khóa X nhiệm kỳ 2021 - 2026 |
Theo ông Nguyễn Thành Tiến – đại biểu HĐND quận Thanh Khê, người dân quận Thanh Khê đang có nhu cầu bức thiết về nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, thành phố đang bố trí cho nhiều cán bộ công chức thuê chung cư nhà ở xã hội tại 301 Trần Cao Vân và 296 Trần Cao Vân. Đại biểu Nguyễn Thành Tiến đề xuất UBND thành phố chuyển các cán bộ công chức này sang thuê tại khu vực Sơn Trà; hoặc cho cơ chế mua nhà ở xã hội để nhường các suất thuê nhà ở xã hội tại quận Thanh Khê cho người dân.
Còn theo ông Lê Văn Dũng – đại biểu HĐND quận Hải Châu, mục tiêu đến 2025, về nhà ở xã hội, TP. Đà Nẵng sẽ đầu tư khoảng 721.000 m2 sàn, dự kiến hoàn thành 504.000 m2 sàn; về nhà ở thương mại sẽ đầu tư 9.792.000 m2 sàn, hoàn thành 7.186.000 m2 sàn. Tuy nhiên, đến nay, kết quả thực hiện đầu tư các dự án nhà ở xã hội còn thấp. Tính đến 11/2024, có 4 dự án nhà ở xã hội được chấp thuận chủ trương với tổng diện tích sàn là 430.000m2 sàn, hoàn thành gần 97.000 m2 sàn (đạt 19,3% so với kế hoạch). Về nhà ở thương mại đã hoàn thành 514.000 m2 sàn, đạt 7,1% so với kế hoạch. Đây là tỷ lệ rất thấp so với kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025.
Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Phùng Phú Phong cho biết, thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội có khi mất đến 3 năm |
Cũng theo đại biểu Lê Văn Dũng, cần rà soát lại các khu đô thị mới, các dự án nhà ở thương mại chưa dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội 20% theo quy định, từ đó, xác định vị trí, quỹ đất xây dựng nhà ở. Khuyến khích các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ với các thiết chế công đoàn theo quy hoạch để phục vụ người lao động, công nhân trong quá trình hình thành các khu, cụm công nghiệp.
Bên cạnh đó, cần rà soát xử lý triệt để các trường hợp thuê, mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng; tiếp tục triển khai thí điểm bán nhà ở xã hội sở hữu nhà nước đang bố trí cho thuê nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng có nhu cầu mua và tạo nguồn vốn cho thành phố tái thiết. Đối với các dự án nhà ở thương mại, phát triển nhà ở thương mại theo dự án gắn với chương trình phát triển đô thị và kế hoạch phát triển nhà ở, khuyến khích đầu tư phát triển nhà ở chung cư cao tầng hiện đại, thân thiện môi trường.
“Đề nghị thành phố nghiên cứu tinh giản thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, chủ động làm việc để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư; nghiên cứu đề xuất cơ chế nguồn lực để nhà đầu tư đẩy nhanh xây dựng nhà ở xã hội”, đại biểu Lê Văn Dũng đề xuất.
Nhiều người dân TP. Đà Nẵng đang có nhu cầu bức thiết về nhà ở xã hội |
Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Phùng Phú Phong cho biết: Kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2021 – 2025 chưa như kỳ vọng do nhiều lý do khách quan, chủ quan. “Ví dụ như có những dự án nhà ở xã hội kêu gọi đầu tư; thực hiện thủ tục kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư phải mất tới 3 năm”, ông Phùng Phú Phong cho hay. Hiện Sở Xây dựng đang tiếp tục rà soát các dự án so với Luật Đất đai, Luật Nhà ở mới ban hành để các dự án đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Về tình hình triển khai các dự án nhà ở thương mại, đại diện Sở Xây dựng Đà Nẵng cho hay, đến thời điểm hiện tại đã cấp chủ trương đầu tư cho 70 dự án với 75.441 căn/ tổng diện tích hơn 14.667.000 m2 sàn. “Các dự án này đều đang triển khai và nếu triển khai hoàn thành đúng tiến độ thì Đà Nẵng vẫn đảm bảo chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại đến năm 2030”, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Phùng Phú Phong thông tin.