Thứ hai 23/12/2024 01:07

Giáo viên hợp đồng ở Nghệ An 'kêu cứu'

Hàng chục giáo viên hợp đồng, đang công tác ở Huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An 'kêu cứu' khi đi dạy nhiều năm nhưng chưa được vào biên chế.

Thầy giáo Nguyễn Duy Trình (44 tuổi) giáo viên hợp đồng trường tiểu học Hùng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An cho biết, kể từ khi nhận được tin bị trượt trong đợt tuyển dụng đặc cách giáo viên do huyện Yên Thành tổ chức tôi mất hết cả niềm tin.

Lần này khiếu nại xong nếu vẫn không được, có lẽ tôi sẽ nghỉ dạy luôn. Vừa qua huyện Yên Thành xét tuyển đặc cách giáo viên, riêng môn giáo dục thể chất được tuyển 5 chỉ tiêu nhưng có 8 người dự thi trong đó có 3 người là con thương binh. Không biết vì lý do gì mà cả 3 người con thương binh đều bị trượt cả. Mỏi mòn chờ đợi gần 20 năm nay chắc tôi cũng buông tay thôi…”, thầy Trình chia sẻ.

Cuộc sống mưu sinh vất vả khi đồng lương của thầy giáo Nguyễn Duy Trình thực nhận mỗi tháng chỉ trên dưới 2 triệu đồng, sau 20 năm.

Tốt nghiệp trường Cao đẳng Thể dục – thể thao Đà Nẵng, từ năm 2004, thầy Trình về dạy hợp đồng môn Thể dục tại Trường đến nay. Hồi đó, với mức lương khởi điểm là 200.000 đồng/tháng, đến nay sau gần 20 năm mức lương của thầy nhận ở mức 2,3 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ với phóng viên, thầy Trình cho biết, “Nhiều lúc cũng thấy xấu hổ với gia đình, vì mức lương quá thấp, chẳng giúp đỡ được gì nhiều. Mỗi tháng chỉ đủ tiền xăng xe, nếu phát sinh thêm vài đám cưới là hết...”. Để thêm thu nhập, bao năm nay ngoài giờ dạy trên lớp, ai thuê gì cũng làm, từ thợ hồ, thợ điện…vào dịp hè còn mở lớp dạy bơi cho học sinh trong xã.

Dù gặp muôn vàn khó khăn trong cuộc sống, nhưng thầy Trình luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm ở nhà trường, thầy Trình còn có 10 năm làm Bí thư Chi đoàn của nhà trường. Để sớm được vào biên chế, thầy còn dành thời gian vừa dạy, vừa đi học, đến nay đã có bằng đại học. Trong suốt 18 năm đi dạy, thầy Trình vinh dự nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo cho đến Chủ tịch uỷ ban nhân huyện, nhận được nhiều bằng khen trong một lần cứu nam sinh đuối nước vào 3 năm trước…

“Bây giờ chắc tôi không thể theo đuổi nghề giáo được nữa, dù rất yêu nghề. Sắp tới con tôi vào đại học rồi, đi học cũng cần nhiều tiền, mức lương của tôi chắc không lo được. Phải kiếm nghề khác mà làm để còn nuôi con ăn học...”, thầy Trình chua xót.

Thầy Phan Tất Tuấn (41 tuổi) – cũng là giáo viên Trường Tiểu học Quang Thành huyện Yên Thành cho biết, thầy về trường gần 20 năm đến nay mức lương cũng chỉ 1,9 triệu đồng/tháng. “Với hy vọng năm sau sẽ được vào biên chế, nên cứ theo đuổi mãi. Vậy mà đã 20 năm. Cũng may là ở chung với bố mẹ còn có đồng lương thương binh của bố mà nhờ cậy. Ngoài ra, gia đình còn phải làm thêm cả mẫu ruộng thì mới đủ sống được…”, thầy Tuấn nói.

Theo thống kê của Phòng Nội vụ huyện Yên Thành, thời điểm hiện tại, địa phương này có 415 giáo viên hợp đồng. Đây là một trong nhiều địa phương có số giáo viên hợp đồng đông nhất của tỉnh Nghệ An. Trong số này, có những giáo viên đã 51 tuổi.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng phòng Nội vụ huyện Yên Thành cho biết, "Lãnh đạo huyện cũng rất thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của các giáo viên hợp đồng". Tuy nhiên, địa phương cũng rất ít chỉ tiêu biên chế. “Trong đợt đặc cách tuyển dụng mới đây, nhiều giáo viên bị trượt cũng băn khoăn, có ý kiến. Tuy nhiên, quy trình tuyển dụng của huyện làm đúng. Đảm bảo không có tiêu cực...”, vị này khẳng định.

Các giáo viên hợp đồng ở huyện Yên Thành, Nghệ An 'kêu cứu'.

Trưởng Phòng giáo dục đào tạo huyện Yên Thành - ông Trần Xuân Tĩnh giải thích việc các giáo viên dạy nhiều năm nhưng không được vào biên chế là do "không đủ điều kiện". Tuy nhiên, trong số những giáo viên "không đủ điều kiện" này lại được ký hợp đồng đứng lớp hàng chục năm nay, khiến nảy sinh ý kiến thắc mắc.

Ông Trần Xuân Tĩnh chia sẻ "Nghĩ cũng tội, cũng thương thật, nhưng số lượng tuyển dụng ngày càng khó. Những trường hợp hơn 20 năm như thầy Trình, vẫn được tham gia được đóng bảo hiểm, nhưng đây là những hợp đồng không năm trong biên chế…”.

Về tương lai cho những trường hợp này, ông Tĩnh cũng cho biết thêm “Hàng năm, trước khi tuyển dụng. Phòng nội vụ đã đưa ra cơ chế, nguyên tắc tuyển dụng, nội quy tuyển dụng…cộng điểm ưu tiên như thế nào? Còn những trường hợp không nằm trong khung nào, thì phòng cũng không có cơ sở để đề xuất. Còn nhiệm vụ của phòng giáo dục thì chỉ sau khi tuyển dụng được, Phòng sẽ phân công công việc cho các đối tượng được tuyển dụng này. Sau sự việc của các giáo viên vừa qua, đơn vị cũng đã đến nhà động viên chia sẻ, nhưng thú thực cũng không có cách gì để giải quyết...”, ông Trần Xuân Tĩnh cho hay.

Liên quan đến vấn đề tuyển dụng, mới đây huyện Yên Thành đã có 12 giáo viên là con thương binh đã gửi đơn khiếu nại tập thể lên Thanh tra tỉnh Nghệ An. Các giáo viên này hầu hết đều có thâm niên từ 15 năm dạy hợp đồng trở lên. Nhưng hiện mức lương cũng chỉ trên dưới 2 triệu đồng/tháng.

Cụ thể, trong đơn khiếu nại các giáo viên cho rằng, họ thuộc đối tượng con thương, bệnh binh, gia đình chính sách, có nhiều thành tích trong quá trình công tác, có nhiều cống hiến và thành tích trong các phong trào trên địa bàn, và đều tham gia đóng bảo hiểm trước năm 2015. “Chúng tôi là những giáo viên hợp đồng lâu năm với đồng lương ít ỏi cùng bao khó khăn vất vả. Nhưng vì lòng yêu nghề và hy vọng vào tương lai nên chúng tôi vẫn hết sức cố gắng và bám trụ với nghề, Luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Sau khi tiếp nhận Công văn số 5378 về việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ 2015 trở về trước. Chúng tôi đã rất vui mừng và phấn khởi”, các giáo viên nêu trong đơn.

Tuy nhiên, các giáo viên này cho rằng, quá trình tuyển dụng làm không đúng. Đó là hội đồng xét tuyển không lấy xét tuyển làm chủ đạo mà tiến hành thi tuyển là chính nên dẫn đến tình trạng một số giáo viên trẻ tuổi được vào trước, trong khi đó những người có cống hiến, có thâm niên lại không được tuyển dụng.

Theo Công văn 5378 / BNV –CCVC ngày 5/11/2019, những người đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì mới đủ điều kiện dự tuyển. Trong khi đó, trong đợt xét tuyển vừa rồi chúng tôi thấy, có một số giáo viên đang là hợp đồng trường - là những người đóng bảo hiểm theo tinh thần tự nguyện nhưng vẫn được tham gia dự tuyển. Như vậy là "sai với tinh thần công văn này”, các giáo viên nói thêm.

Ngành Giáo dục sẽ có thêm 65.980 biên chế giáo viên. Đây là quyết định vừa được Bộ Chính trị ban hành và sẽ được bổ sung cho các địa phương từ nay đến năm 2026. Đáp ứng được 2/3 số giáo viên đang thiếu hiện nay.

Trong đó các môn học thiếu nhiều nhất là: Tin học, Ngoại ngữ ở cấp tiểu học; tích hợp ở cấp THCS; Mỹ thuật, Âm nhạc ở cấp THPT.

Hiện 10 địa phương thiếu giáo viên nhiều nhất là Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định, Hải Dương, Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh và Vĩnh Phúc.

Hoàng Trinh

Tin cùng chuyên mục

Người dùng liên tiếp phàn nàn về chất lượng, website bán xe điện Hokido bất ngờ 'bốc hơi'

Người dùng phản ánh xe điện Hokido kém chất lượng, nhiều nghi vấn về nguồn gốc, xuất xứ

Hộp thư bạn đọc ngày 31/10: Phản ánh về Công ty TNHH Tốp Tên, trang Facebook Phan Thủy Tiên

Hộp thư bạn đọc ngày 11/10: Phản ánh về bãi đỗ xe trái phép tại phường Yên Sở

Quảng Bình: Tuyến đường 1,8km xuống cấp, 4 doanh nghiệp hứa nhưng mãi không sửa

Bắc Ninh: Chủ tịch Mặt trận phường bị 'tố' ký loạt hợp đồng giao đất công trái thẩm quyền

Hộp thư bạn đọc ngày 12/9: Phản ánh liên quan Điện lực Hai Bà Trưng; Công viên Tuổi Trẻ

Nghi vấn tổ chức tour du lịch ''0 đồng'' rồi bán hàng giá cao: Chính quyền nói gì?

Quảng Bình: Nghi vấn tổ chức tour du lịch ''0 đồng'' rồi bán hàng giá cao cho người cao tuổi

Hộp thư bạn đọc ngày 20/8: Nguồn gốc sản phẩm tại cửa hàng của Viện Nghiên cứu da giầy

Trang facebook “Nghiện Nha Trang” bị phản ánh đăng quảng cáo hàng hoá không rõ nguồn gốc thu tiền quảng cáo

Chủ đầu tư chung cư Phú Thạnh Apartment nợ quá hạn bao nhiêu tại Ngân hàng Việt Á?

Chủ đầu tư mang hơn 200 căn hộ Phú Thạnh Apartment đi thế chấp, cư dân hoang mang

Hộp thư ngày 11/6: Phản ánh về ‘thần dược’ bỏ đói tế bào ung thư; nhà nghỉ Trường Hưng

Hộp thư ngày 24/5: Phản ánh về công tác lập quy hoạch dự án của BQLDA Quảng Nam

Đắk Lắk: Kịp thời xác minh nguồn tin bạn đọc Báo Công Thương phản ánh

Hộp thư ngày 8/5: Công ty Global Malls có lừa dối khách hàng? Tập đoàn Doji bị phạt do chậm nộp thuế

Hộp thư ngày 3/5: Phản ánh về Chi cục Thi hành án quận Long Biên

Hộp thư ngày 26/4: Phản ánh về chính sách của Shopee; Công ty Đầu tư Thiên Ân

Hộp thư ngày 23/4: Chậm chuyển sinh hoạt đảng cho đảng viên; phản ánh về Phòng khám CheongDam-Dong