Thứ ba 06/05/2025 18:12

Giao thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo cho ngành Giáo dục, vì sao?

Nhiều ý kiến tán thành quy định giao thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo cho ngành Giáo dục; có ý kiến đề nghị phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền tuyển dụng.

Được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp công nghệ

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sáng 6/5, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định rõ: Quyền và nghĩa vụ áp dụng chung cho nhà giáo; quyền và nghĩa vụ của nhà giáo công tác trong cơ sở giáo dục công lập; quyền và nghĩa vụ của nhà giáo công tác trong cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh

Những nội dung về quyền, trách nhiệm của nhà giáo, người lao động đã được quy định tại pháp luật liên quan sẽ không quy định trong Luật Nhà giáo.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị bổ sung quyền của nhà giáo được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp công nghệ của cơ sở giáo dục đại học.

Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật bổ sung tại điểm b khoản 2 Điều 8 quyền của nhà giáo được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở giáo dục đại học thành lập, hoạt động trong lĩnh vực phát triển khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

Nội dung này phù hợp với Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19/2/2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Có ý kiến đồng tình quy định các tổ chức, cá nhân không được lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo nhưng đề nghị cân nhắc quy định không được công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo để tránh mâu thuẫn với quyền tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật liên quan.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định này là cần thiết nhằm bảo vệ uy tín, hình ảnh nhà giáo trước việc lạm dụng, suy diễn và phát tán các thông tin khi chưa được kiểm chứng, chưa có ý kiến, kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền. Đối với những sự việc chưa được thanh tra, kiểm tra, vẫn có thể phản ánh thông tin nếu phát hiện dấu hiệu sai phạm, biểu hiện tiêu cực.

Đối với vụ việc đang được tiến hành thanh tra, kiểm tra khi chưa có kết luận của cơ quan tiến hành thanh tra, kiểm tra, việc công bố thông tin là không được phép, vì có thể ảnh hưởng tới tính khách quan của quá trình thanh tra, kiểm tra.

Quy định này không mâu thuẫn với quyền tiếp cận thông tin, quyền, nghĩa vụ và những hành vi bị cấm trong Luật Báo chí, Luật An toàn thông tin mạng, Bộ luật Dân sự... Vì vậy, xin được giữ quy định như trong dự thảo Luật.

Giao thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo cho ngành Giáo dục

Về tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, nhiều ý kiến tán thành quy định giao thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo cho ngành giáo dục; có ý kiến đề nghị phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền tuyển dụng.

"Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc giao thẩm quyền tuyển dụng cho ngành Giáo dục là cần thiết, tạo điều kiện để ngành chủ động trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý, phát triển nhà giáo, đáp ứng yêu cầu về số lượng, cơ cấu và chất lượng; góp phần khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ và mất cân đối cơ cấu nhà giáo" - ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.

Sáng 6/5, Quốc hội thảo luận về Luật Nhà giáo

Tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được điều chỉnh theo hướng quy định việc tuyển dụng nhà giáo theo cấp học, trình độ đào tạo như trong dự thảo Luật. Đối với trường của lực lượng vũ trang nhân dân, việc tuyển dụng nhà giáo do Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.

Đối với các cơ sở giáo dục khác, việc tuyển dụng nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở giáo dục quyết định. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung liên quan đến tuyển dụng nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập, nhà giáo là người nước ngoài.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cần xem xét chính sách điều động đối với viên chức là nhà giáo, bảo đảm thống nhất với quy định pháp luật liên quan.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc điều động nhà giáo của các cơ sở giáo dục công lập là một chính sách mới và cần thiết, tạo điều kiện cho ngành giáo dục điều chuyển nhà giáo giữa các cơ sở giáo dục công lập nhằm khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ, bảo đảm chất lượng giáo dục cho các khu vực, địa bàn.

Theo đó, Điều 19 dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ đối tượng, nguyên tắc điều động, thẩm quyền điều động, các trường hợp không được điều động đối với nhà giáo; bổ sung trường hợp điều động nhà giáo công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhằm giải quyết chính sách cho đối tượng này; giao Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục điều động nhà giáo.

Xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương

Về chính sách tiền lương, chính sách thu hút, hỗ trợ đối với nhà giáo, có ý kiến đề nghị quy định về tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo phù hợp với chủ trương và lộ trình cải cách chính sách tiền lương.

Tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Đắc Vinh cho hay, dự thảo Luật quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; không quy định tăng 1 bậc lương khởi điểm đối với nhà giáo được tuyển dụng, xếp lương lần đầu; đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị rà soát nội dung, đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ, phụ cấp, trợ cấp để bảo đảm thống nhất, tránh trùng lặp; không quy định chính sách về nhà ở công vụ đối với nhà giáo mà tuân thủ theo quy định của Luật Nhà ở.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉ đạo rà soát, chỉnh lý nội dung chính sách, đối tượng thụ hưởng chế độ hỗ trợ, thu hút như thể hiện tại Điều 26, Điều 27 dự thảo Luật. Chính sách về nhà ở công vụ cho nhà giáo không mâu thuẫn với Luật Nhà ở, vì đây là đối tượng được thuê nhà ở công vụ theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 45 Luật Nhà ở.

Dự thảo Luật bổ sung chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà ở (bằng mức tiền thuê nhà ở công vụ) trong trường hợp nơi nhà giáo đến công tác không bố trí được nhà ở công vụ, nhà ở tập thể.

Về chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định giáo viên mầm non được nghỉ hưu trước tuổi vì điều này thuộc thẩm quyền của Chính phủ (theo quy định của Bộ luật Lao động); đề nghị bổ sung tiêu chí ràng buộc, bảo đảm nguyên tắc có đóng - có hưởng theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội nêu rõ, hiện nay, đối tượng giáo viên mầm non không được coi là đối tượng làm việc trong các ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Tuy nhiên, giáo viên mầm non phải thực hiện công việc đặc thù, có áp lực rất lớn về công việc, thời gian lao động; khi tuổi cao sẽ khó khăn trong việc hoàn thành nhiệm vụ.

Do đó, nhiều ý kiến Đại biểu Quốc hội và các cơ quan liên quan đều thống nhất giảm tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non với các chế độ như quy định trong dự thảo Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định đối tượng nhà giáo có trình độ, học hàm, học vị cao, nhà giáo làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù có thể được kéo dài thời gian làm việc và nghỉ hưu ở tuổi cao hơn là cần thiết và hợp lý nhằm tận dụng, khai thác nguồn nhân lực chất lượng cao; khắc phục tình trạng thiếu hụt nhà giáo trình độ cao ở một số ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù mà xu hướng phát triển đất nước đang cần.

Dự thảo Luật quy định rõ điều kiện thực hiện chính sách này khi cơ sở giáo dục có nhu cầu, nhà giáo có đủ sức khỏe và tự nguyện kéo dài thời gian làm việc; đồng thời bổ sung tiêu chí đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của cơ sở giáo dục. Trong thời gian được kéo dài tuổi nghỉ hưu, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và không được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Quốc hội

Tin cùng chuyên mục

Tổng Bí thư: Thành công của doanh nghiệp Kazakhstan là niềm tự hào chung

Việt Nam - Kazakhstan nâng tầm hợp tác kinh tế, thương mại song phương

Đại biểu Trần Khánh Thu: Không nên nhìn nhận học thêm chỉ từ góc độ tiêu cực

'Giữ chân' giáo viên vùng khó: Không thể 'cào bằng' thiệt thòi cho tất cả

Doanh nghiệp lớn từ Mỹ, EU tăng đầu tư tại Việt Nam

Đại diện 85 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự Đại lễ Vesak 2025

Thủ tướng 'giao KPI' mỗi Bộ, ngành, địa phương phấn đấu có 2 công trình chào mừng 2/9

Sửa Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa: Tăng hiệu lực, thống nhất trong quản lý

Doanh nghiệp là trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

Tổng Bí thư Tô Lâm: Quan hệ Việt Nam - Kazakhstan chắc chắn sẽ nâng lên tầm cao mới

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025

Tổng Bí thư Tô Lâm mong Hội đoàn người Việt tại Kazakhstan là cầu nối vững chắc kiều bào với quê hương

Sửa đổi Hiến pháp: Bước đi lịch sử, mang tính kiến tạo thể chế sâu rộng

Từ 6/5/2025, tổ chức lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp

Giám đốc Công an TP.HCM Lê Hồng Nam kiểm tra, chỉ đạo an ninh Đại lễ Vesak 2025

Tạo cơ chế linh hoạt triển khai nhà máy điện hạt nhân

Bộ Quốc phòng lấy ý kiến sửa đổi 11 luật về lĩnh vực quân sự, quốc phòng

Tổng Bí thư Tô Lâm: Đất nước phát triển thì người dân phải được hưởng thành quả

Quốc hội thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013

Việt Nam tuân thủ Luật Biển để phát triển kinh tế biển bền vững