Hệ thống giáo dục khai phóng được thiết kế để thúc đẩy sinh viên gia tăng học hỏi, rèn luyện kỹ năng, giao tiếp thành thạo, trở thành công dân có trách nhiệm với xã hội, tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của thời đại mới. Nội dung này được thể hiện thông qua hội thảo “Giáo dục khai phóng: Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp cách mạng công ghiệp 4.0” do trường đại học Việt Nhật thuộc ĐHQG Hà Nội và trường đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp tổ chức. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện hướng tới kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản.
Hội thảo nhằm giới thiệu các quan điểm, nhận định xu hướng, kinh nghiệm thực tiễn và gợi ý triển khai giáo dục khai phóng của các chuyên gia và nhà lãnh đạo đến từ châu Âu, Nhật Bản và Việt Nam.
Giáo sư Furuta Motoo, Hiệu trưởng trường đại học Việt Nhật khẳng định: “Trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo sẽ tiêu diệt một nửa công việc hiện tại. Chúng ta phải có nền giáo dục đào tạo nguồn nhân lực có tầm nhìn rộng, khả năng sáng tạo phong phú, nền tảng kiến thức liên ngành vững chắc để chế ngự lại những trí tuệ nhân tạo ấy, đó chính là mục tiêu mô hình giáo dục khai phóng đặt ra”.
![]() |
Giáo sư Furuta Motoo, Hiệu trưởng trường đại học Việt Nhật nêu vấn đề: giáo dục khai phóng là hướng đi mới cho giáo dục đại học tại Việt Nam |
Trong nhiều thập niên qua, tại các quốc gia có nền giáo dục phát triển, nhiều phương pháp giáo dục đã được đưa ra nhằm hướng đến mô hình giáo dục khai phóng hoàn thiện nhất, bao gồm các kiến thức cốt lõi về xã hội, nhân văn, chính trị, lịch sử, đạo đức… Đó là những yếu tố ảnh hưởng đến tư duy, hiểu biết và hình thành phẩm chất đạo đức của mỗi sinh viên, hướng đến hội nhập toàn cầu. Hiện nay tại nhiều quốc gia châu Á, đa phần các trường đại học đều đào tạo theo chuyên ngành, tuy nhiên nhiều trường đang dần chuyển hướng sang mở rộng đào tạo, trang bị kiến thức tổng thể cho sinh viên, đây là xu hướng giáo dục tất yếu.
Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư Katsuuichi, nguyên PGĐ đại học Waseda (Nhật Bản) nhận định: giáo dục khai phóng đặt mục tiêu tạo ra nguồn nhân lực đủ đức đủ tài, am hiểu nhiều lĩnh vực, tinh thần làm việc nhóm cao, mỗi nhân tố đều có khả năng dẫn dắt đầu tàu, nắm vai trò lãnh đạo. Trong một nền giáo dục hiện đại, các môn học được quốc tế hóa, phạm vi kiến thức sẽ vượt qua mọi biên giới, vùng lãnh thổ. Giáo sư cho rằng “xã hội đòi hỏi chúng ta tiến đến một ngôn ngữ chung quốc tế và xóa mù công nghệ thông tin, vì vậy rất cần nền giáo dục khai phóng cho những công dân tương lai, nhất là đối với nền giáo dục đang vươn lên trong kỳ hội nhập”.
Các chuyên gia nhận định giáo dục khai phóng là một nền giáo dục mở tối đa, sinh viên được tự do lựa chọn chương trình học, giáo viên đóng vai trò tư vấn và gợi mở kiến thức, người học có trách nhiệm với lựa chọn nghề nghiệp của mình ngay từ trong trường đại học.
Nguồn nhân lực 4.0 của nền giáo dục khai phóng sẽ làm chủ cho tương lai nghề nghiệp của mình, đóng góp lớn cho xã hội. Bên cạnh đó, mô hình giáo dục này cũng tạo ra cơ hội cho sinh viên hội nhập, làm việc tại các công ty đa quốc gia trong và ngoài nước.