Đại biểu Trần Hoàng Ngân |
Thưa ông, hiện nhiều DN phản ánh mong muốn tiếp cận mức lãi suất cho vay thấp hơn. Vậy theo ông, có dư địa nào để giảm lãi suất hay không?
Mong muốn của các DN như vậy là chuẩn. Vì trong điều kiện hội nhập và cạnh tranh hiện nay, nhất là cạnh tranh ở khu vực Đông Nam Á ngày càng khốc liệt, cạnh tranh chi phí trong mẫu mã sản phẩm, giá sản phẩm rất gay gắt. Trong khi đó, một trong những yếu tố tác động đến chi phí sản xuất sản phẩm là lãi suất. Nhìn chung, mặt bằng lãi suất của ta so với các thị trường như Malaysia, Thái Lan còn cao nên sản phẩm của họ có tính cạnh tranh cao hơn. Do đó, mong muốn của DN làm sao giảm lãi suất cho vay là hợp lý.
Cũng phải khẳng định là bản thân ngân hàng cũng rất muốn cho vay với lãi suất thấp vì rủi ro rất ít. Khi cho vay lãi suất thấp, DN làm ăn được hơn, khả năng trả nợ cao hơn. Còn cho vay lãi suất cao, chi phí DN lớn, có khả năng DN không làm ăn được, không trả nợ được và nợ xấu có nguy cơ tăng lên.
Như vậy, tất cả các ý kiến từ góc độ người cho vay lẫn người đi vay đều hướng tới sự đồng thuận là lãi suất nên ở mức thấp. Đây cũng là cơ sở để có thể giữ ổn định thị trường tiền tệ, ổn định hệ thống tài chính. Bởi lẽ, đất nước có mức lãi suất thấp nhất là đất nước có hệ số rủi ro thấp nhất.
Dư địa cho giảm lãi suất vẫn còn vì năm nay, CPI dự kiến tăng khoảng 5% so với năm ngoái nhưng thực tế, thời gian gần đây, do giá xăng đã giảm 2 lần liên tiếp nên đã góp phần kéo CPI chững lại. Nếu CPI cả năm tăng ở mức khoảng 3-4% thì lãi suất có thể giảm xuống và dao động ở mức 6-7%.
Tuy nhiên, bên cạnh việc hạ lãi suất, tôi cho rằng giữ lãi suất ở mức ổn định lâu dài mới chính là điều DN cần và quan tâm nhất.
Cả nhiệm kỳ trước, ông đã theo đuổi đề nghị giảm lãi suất cho các DN vừa và nhỏ. Vậy nhiệm kỳ này ông có tiếp tục theo đuổi đề xuất này không?
Từ trước đến nay, tôi vẫn đeo đuổi quan điểm là giữ lãi suất thấp vì đây là cơ sở giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Tôi đã phát biểu rất nhiều lần, từ năm 2011, khi Chính phủ có quyết tâm kiên quyết giữ ổn định kinh tế vĩ mô bằng cách kéo lạm phát từ mức trên 18% về mức 0,6% ở năm 2015 là khi kinh tế vĩ mô được giữ ổn định sẽ là cơ sở để các ngân hàng thương mại quyết định hạ lãi suất huy động, đồng thời kéo hạ luôn lãi suất cho vay.
Điều này là rất quan trọng. Bởi lẽ ví dụ, nếu lãi suất huy động của ngân hàng là 10% thì nếu DN trả cổ tức cho cổ đông ở mức dưới 10% sẽ khiến cổ đông bức xúc vì họ cho rằng, lãi suất huy động của ngân hàng cao hơn thì thà gửi tiền vào ngân hàng thay vì đầu tư vào DN. Tuy nhiên, khi lãi suất ngân hàng giảm xuống 3%, DN trả cổ tức cho cổ đông ở mức 4-5% thì vẫn tốt, vẫn huy động được đầu tư của các cổ đông vào DN. Như vậy, đây chính là điều kiện để phát triển sản xuất, giúp nền kinh tế tăng trưởng và giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, thực tế, năng suất lao động của Việt Nam hiện còn thấp so với nhiều quốc gia. Năng lực cạnh tranh sản phẩm của Việt Nam cũng vẫn còn thấp. Do đó, trong điều kiện hội nhập, cách để cải thiện sức cạnh tranh cho sản phẩm là phải làm sao khiến năng suất lao động tăng lên và đầu tư máy móc, công nghệ để nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.
Tuy nhiên đầu tư vào công nghệ và máy móc thiết bị đòi hỏi vốn lớn và dài hạn, nhưng việc này sẽ gặp rủi ro từ việc lãi suất cao và có thể biến động. Do vậy, DN tha thiết mong muốn có một nguồn vốn lớn, ổn định, lâu dài với lãi suất thấp.
Hiện nay ở TP. Hồ Chí Minh đang có nguồn vốn kích cầu, hỗ trợ đầu tư để đổi mới thiết bị và có sự hỗ trợ lãi suất của thành phố cho DN. Theo tôi, đây là một chính sách rất tốt, cũng là nguồn vốn mồi giúp DN cảm thấy mình không lẻ loi một mình. Sự đóng góp, cống hiến của mình vì đất nước đã nhận được sự đồng hành của Nhà nước, giúp tăng thêm niềm tin.
Theo tôi, yếu tố niềm tin rất quan trọng. Tại sao GDP của ta trong 6 tháng qua không đạt mục tiêu mà số lượng DN đăng ký thành lập vẫn nhiều, khoảng 20% và vốn cũng tăng trên 50%? Bởi vì yếu tố niềm tin. DN cũng nhìn thấy Chính phủ đang đổi mới, cải thiện môi trường kinh doanh và sẵn sàng chia sẻ với DN để cùng nhau đồng hành, vì sự phát triển chung của đất nước.
Những nguồn vốn như của TP. Hồ Chí Minh là quan trọng nhưng thực tế, trước đây, Chính phủ đã có Quỹ hỗ trợ DN vừa và nhỏ nhưng chưa có sự vận hành như mong đợi và giải ngân rất kém. Ông suy nghĩ sao về vấn đề này?
Tôi tin tưởng và mong rằng, với Chính phủ mới, với điều kiện và cách làm mới, Chính phủ sẽ quan tâm hơn và có giải pháp để giải quyết vấn đề này.
Theo ông, liệu có những yếu tố tiêu cực nào tác động đến chính sách tiền tệ từ nay đến cuối năm hay không?
Một trong những khó khăn lớn nhất là phải đồng thời giữ được tăng trưởng GDP đúng theo kế hoạch vừa kiềm chế lạm phát. Kể cả GDP không đạt được kế hoạch thì vẫn phải kiềm chế được lạm phát. Đây chính là yếu tố căng thẳng nhất đối với việc điều hành chính sách tiền tệ và chính sách lãi suất.
Một điểm nữa là hiện nhiều nước là bạn hàng nhập khẩu của ta đang phá giá đồng nội tệ rất mạnh để cạnh tranh hàng hóa trên thị trường quốc tế sau sự kiện Brexit vừa qua. Trong khi đó, Việt Nam chưa có điều chỉnh nhiều và như vậy sẽ gây áp lực lên chi phí để cạnh tranh hàng hóa trên thị trường quốc tế. Xuất khẩu năm nay nếu không đạt mục tiêu, dẫn đến nhập siêu thì sẽ tác động ngược đến tỷ giá và cả lên GDP.
Như vậy chính sách lãi suất đang bị hai gọng kìm này kiểm soát, tức là vừa thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát để kéo giảm lãi suất nhưng đồng thời chính sách tiền tệ phải hỗ trợ cho việc xuất khẩu để tạo sự cạnh tranh hàng hóa trên thị trường quốc tế, cải thiện cán cân thương mại, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP. Đây là bài toán khó.
Với những khó khăn như vậy, khuyến cáo của ông cho những nhà điều hành chính sách tiền tệ là gì, thưa ông?
Chính phủ phải đề ra những chính sách quyết liệt, giải quyết hài hòa giữa các mục tiêu để vừa đảm bảo kiềm chế lạm phát nhưng đồng thời thời phải hỗ trợ DN xuất khẩu để góp phần cải thiện cán cân thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, thúc đẩy GDP tăng trưởng.
Xin cảm ơn ông!