Giải pháp nào cho ngành cà phê trước yêu cầu EU không nhập khẩu sản phẩm từ nơi rừng bị tàn phá
Đạo luật mới này nhằm hạn chế các sản phẩm liên quan đến phá, suy thoái rừng được nhập khẩu vào châu Âu (EU), đồng thời khuyến khích mua bán các mặt hàng hợp pháp và không gây phá rừng. Đứng trước yêu cầu này, ngành cà phê Việt Nam đã và đang hướng việc sản xuất cà phê một cách bền vững, không gây mất rừng, bảo vệ môi trường.
Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp đã tìm ra cho mình lối đi riêng, giải pháp hiệu quả. Điển hình như nhờ việc trồng theo tiêu chuẩn tiêu chuẩn UTZ - tiêu chuẩn phát triển bền vững cho cà phê, ca cao và chè mà các sản phẩm cà phê của một số doanh nghiệp đã đáp ứng được yêu cầu của các đối tác từ châu Âu.
Trước hiệu quả mang lại, hiện nay nhiều doanh nghiệp từ khu vực phía Bắc đến Tây Nguyên đã quyết định hướng tới 100% diện tích vùng trồng cà phê theo hướng bền vững.
Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phúc Sinh cho biết, số lượng xuất khẩu vì thế cũng liên tục có những bước tăng trưởng. Cụ thể, sản lượng xuất khẩu từ 4.000 tấn năm 2022 lên 12.000 tấn cà phê vào năm 2023. “Chúng tôi phải chứng minh các sản phẩm cà phê của mình được trồng từ các nhà trồng trọt, người nông dân, vùng trồng trọt không xâm lấn đến rừng. Tôi nghĩ rằng là đấy là quy định an toàn nhất, cũng là thách thức lớn cho các doanh nghiệp”.
Cà phê Việt Nam được trồng theo tiêu chuẩn UTZ đã đáp ứng được yêu cầu của các đối tác từ châu Âu. Ảnh minh họa |
Các hiệp hội, doanh nghiệp đánh giá rằng quy định mới này sẽ tạo ra những thách thức nhất định nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam gia tăng thị phần.
Hiện tỷ lệ phá rừng do sản xuất cà phê tại Việt Nam chỉ chiếm 0,1% nên tạm thời các doanh nghiệp trong ngành cà phê Việt không phải lo ngại khi quy định chống phá rừng của châu Âu có hiệu lực.
Tuy nhiên, các đối tác châu Âu đang có xu hướng nhập khẩu sản phẩm vừa không phá rừng và vừa xanh. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu của ứng thị trường này, nông dân cần phải thay đổi canh tác sang hướng giảm thiểu lượng khí carbon thải ra môi trường và bảo tồn được tài nguyên thiên nhiên thì mới có cơ hội xuất khẩu hàng hóa vào châu Âu.
Bà Nguyễn Việt Hà – Cán bộ quản lý bền vững cấp cao tổ chức 4C chia sẻ: “Quy đình này có thể sẽ khắt khe và khó tính hơn so với các thị trường khác nhưng đây là xu thế. Các sản phẩm nông nghiệp phải sản xuất một cách có trách nhiệm, sản xuất bền vững. Và quan trọng phải cung cấp thông tin để đảm bảo được tính giải trình cho các đối tác khi xuất khẩu sang EU. Chính vì vậy, chúng ta phải có sự chuẩn bị để đáp ứng được những yêu cầu từ phía họ. Khi chúng ta chuẩn bị tốt, đáp ứng được những yêu cầu như thế thì chúng ta sẽ nâng tầm được vị thế sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam trên thị trường quốc tế”.
“Ngoài rào cản thì đây là trách nhiệm của châu Âu đối với việc bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên. Nếu chúng ta thực hiện tốt quy định này là chứng minh trách nhiệm của mình đối với việc bảo vệ môi trường. Đây cũng là cơ hội để chúng ta tái cơ cấu lại ngành cà phê Việt Nam, trên cơ sở đó chúng ta phát triển thị trường châu Âu, là cơ hội để chúng ta tiếp cận thị trường 27 nước này”, ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam khẳng định.
Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp cần cân nhắc áp dụng những biện pháp bền vững và thân thiện với môi trường hơn nữa. Chẳng hạn như việc giảm phát thải khí nhà kính, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và sử dụng vật liệu tái chế.
Đối với cơ chế điều chỉnh carbon, thay vì mua chứng chỉ carbon của EU, các doanh nghiệp nên bắt đầu thực hiện các bước để giảm khí thải carbon trong quá trình sản xuất.
Đồng thời, cần chuyển từ mô hình sản xuất và xuất khẩu chỉ tập trung vào sản lượng sang mô hình sản xuất hiện đại, chú trọng tới yếu tố môi trường và phát triển bền vững. Chuyển đổi số và áp dụng các công nghệ mới trong hoạt động sản xuất, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để tạo ra các công nghệ và sản phẩm mới, đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững do Thỏa thuận Xanh EU đặt ra.