Giải mã bí ẩn bất ngờ về UAV tự sát “nghi của Iran” trên chiến trường Nga-Ukraine
Bên cạnh các loại UAV tự sát Lancet-3 hay KUB, Quân đội Nga đã sử dụng 1 dòng UAV tự sát cỡ trung mới với tên gọi Geran-2 và đạt được hiệu quả tác chiến rất lớn.
Trước hiệu quả loại UAV tự sát mới của Nga Mỹ và các quốc gia phương Tây đã lên tiếng cáo buộc Nga đã mua dòng UAV Shaled-136 từ Iran và sử dụng trong chiến đấu. Tuy nhiên, sự thực liệu có như vậy? Hay Mỹ và phương Tây đang đánh giá quá thấp năng lực phát triển và chế tạo UAV quân sự của Nga.
Đạn tuần kích Shaled-136 của Iran có gì đặc biệt?
Đạn tuần kích Shahed-136 là sản phẩm do Công ty Shahed Aviation Industries của Iran phát triển và chế tạo và chuyên giao cho quân đội Iran từ năm 2021. Nó có nhiều phiên bản khác nhau, nhưng sử dụng chung thiết kế khí động dạng tam giác để tối ưu lực nâng khi bay, không có cánh lái đuôi đặc trưng.
Mảnh vỡ của đạn tuần kích Geran-2 do phía Ukraine thu giữ. Ảnh: Getty |
Dòng đạn tuần kích Iran nặng khoảng 200kg và có tầm hoạt động tới 2.500km. Nó thể bay với vận tốc 150km/giờ trong nhiều giờ để quần vòng trên không tìm kiếm hoặc tiêu để tiêu diệt. Khả năng công phá của UAV Iran là đầu đạn nổ phá mảnh nặng tới 36kg, đủ sức tấn công và tiêu diệt những mục tiêu kiên cố và được bọc giáp hiện đại nhất.
Cùng với khả năng bay thấp bám địa hình, vật liệu chế tạo của Shahed-136 chủ yếu là sợi thủy tinh và vật liệu tổng hợp composite khiến nó gần như “tàng hình” trước radar và thiết bị quan sát của đối phương. UAV tự sát này rời bệ phóng bằng động cơ rocket trước khi kích hoạt động cơ tự thân nên đơn vị triển khai có thể nhanh chóng phóng UAV và cơ động để tránh bị đánh trả.
Điểm đặc biệt tạo ra sức mạnh khác biệt của Shahed-136 chính là khả năng hoạt động bầy đàn để tăng hiệu quả tác chiến và quan trọng hơn cả là hiệu quả tác chiến đã được chứng minh qua thực tế.
Từng được thử lửa tại Syria, UAE và Saudi Arabia, đạn tuần kích của Iran không chỉ chứng minh sức mạnh, mà còn là khả năng vượt qua các hệ thống phòng không hiện đại trị giá hàng tỷ USD để tấn công các mục tiêu trọng yếu, có giá trị chiến lược cao.
Cùng với đó, đạn tuần kích của Iran còn có mức giá thành rất rẻ vào khoảng 20.000 USD/đơn vị. Nó là vũ khí rất phù hợp trong tác chiến bất đối xứng.
Nga liệu có cần nhập khẩu đạn tuần kích từ Iran?
Chính sự tương đồng về hình dáng giữa đạn tuần kích Shahed-136 (Iran) và mẫu Geran-2 của Nga đã khiến xuất hiện nhiều nghi ngờ về việc có chăng Nga đã nhập khẩu mẫu UAV tự sát này và sử dụng định danh quân sự của mình để sử dụng ở chiến trường Ukraine.
Đạn tuần kích Geran-2 trên chiến trường Ukraine. Ảnh: Lenta. |
Nên nhớ rằng, Nga là một siêu cường về công nghiệp quốc phòng khi sở hữu đầy đủ dây chuyền phát triển và sản xuất các chi tiết phục vụ sản xuất vũ khí, trang bị quân sự, trong đó có các lĩnh vực đặc biệt phức tạp và công nghệ cao như hàng không quân sự, vũ trụ. Vậy liệu một mẫu sản phẩm đơn giản như đạn tuần kích với kết cấu thân bằng sợi thủy tinh-compusite, hệ thống cảm biến quang điện và động cơ đốt trong đơn thuần có làm khó được ngành công nghiệp quốc phòng Nga trong thời gian không phải là ngắn.
Một điểm cầm chú ý khác đối với vũ khí trên chiến trường chính là quan hệ “mâu-thuẫn”. Là một quốc gia có truyền thống phát triển vũ khí, không có lý do gì mà các nhà khoa học quân sự Nga đã nhận ra ưu thế của đạn tuần kích trong các cuộc xung đột vừa và nhỏ hay trong các đòn tấn công đột kích. Bài học chính từ chiến trường Syria hay mới đây là xung đột Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan là minh chứng điển hình.
Mẫu đạn tuần kích cỡ nhỏ Kub của Tập đoàn Kalasnikov phát triển và giới thiệu năm 2021. Ảnh: TASS |
Ngay trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Quân đội Nga cũng từng sử dụng nhiều loại đạn tuần kích cỡ nhỏ như Lancet-3 và Kub. Chúng đã liên tục được nâng cấp để phù hợp với môi trường tác chiến. Như vậy, không có lý do gì không cho phép Nga phát triển và thử nghiệm phiên bản phóng to của chúng với tầm bắn và sức công phá mạnh mẽ hơn. Căn cứ vào hình dáng, đạn tuần kích Geran-2 có nhiều nét tương đồng, thậm chí là phiên bản phóng to của mẫu đạn tuần kích Kub do Tập đoạn Kalasnikov phát triển và giới thiệu.
Quân đội Nga cần các loại đạn tuần kích cỡ lớn như Geran-2 là phương án thay thế rẻ tiền cho các đòn tấn công bằng tên lửa hành trình phóng từ trên hạm hoặc trên không đắt tiền. Dù chỉ mang đầu đạn vài chục kg, nhưng với tầm bay lớn và quan trọng là giá thành rẻ, Geran-2 chính là mảnh ghép cho phương thức tác chiến lâu dài của Nga tại chiến trường Ukraine.
Theo thông tin từ giới chức quân sự Nga, mỗi đạn tuần kích Geran-2 chỉ có mức giá khoảng 50.000 rúp, tương đương 800 USD, mà hiệu quả mang lại không thua kém các đạn tên lửa hành trình trị giá tới hàng triệu USD.
Trong phát biểu mới đây tại phiên họp kín của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Dmitry Polyanskiy, Đại sứ của Nga tại Liên hợp quốc nhấn mạnh: “Các UAV mà quân đội Nga sử dụng ở Ukraine được sản xuất tại Nga. Tôi khuyên mọi người không nên đánh giá thấp năng lực công nghệ của ngành công nghiệp sản xuất UAV Nga".
Thực tế trên chiến trường cũng đã chứng minh, rất nhiều đạn tuần kích Geran-2 đã bị bắn hạ hoặc mạnh vỡ chúng tại hiện trường đã được phía Ukraine thu giữ. Nếu có dấu vết hoặc chỉ tiết được sản xuất hay nhập khẩu từ Iran, chúng đã xuất hiện trên truyền thông từ rất lâu rồi. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, tất cả mới chỉ dừng ở cáo buộc.