Thứ tư 16/04/2025 19:23

Tên lửa ATACMS có làm xoay chuyển cục diện chiến trường Ukraine?

ATACMS là tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn, có nhiều phiên bản khác nhau, thường mang theo đầu đạn chứa bom chùm hoặc đầu đạn nổ mạnh.

Trang Geopolitica của Italia mới đây đăng bài phân tích của chuyên gia địa chính trị Francisca Cantarini nhận định, việc Mỹ quyết định cung cấp tên lửa đạn đạo ATACMS cho Ukraine đánh dấu bước ngoặt trong cuộc xung đột với Nga so với trước đây và mở ra khả năng định hình lại cục diện trên chiến trường.

Khả năng phòng thủ độc đáo

Theo đó, Ukraine đã bắt đầu sử dụng tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn (ATACMS) để tấn công các mục tiêu chiến lược bên trong lãnh thổ Nga. ATACMS cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu cách xa tới 300 km, với độ chính xác cao và tốc độ siêu thanh, mang lại lợi thế chiến lược quan trọng vào thời điểm cuộc chiến với Nga đang leo thang. Cho đến nay, những tên lửa này chỉ được sử dụng cho các hoạt động phòng thủ trên lãnh thổ Ukraine và chưa bao giờ được sử dụng để tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Nga.

Tên lửa ATACMS được phóng từ Hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS. Ảnh: Quân đội Mỹ

Các đặc điểm kỹ thuật của tên lửa ATACMS, do một trong những công ty hàng không vũ trụ lớn nhất thế giới là Lockheed Martin sản xuất, khiến chúng đặc biệt phù hợp để tấn công các mục tiêu quân sự chiến lược như căn cứ hậu cần, kho đạn dược và trung tâm chỉ huy. Với đầu đạn nặng 227 kg và khả năng mang theo bom chùm, những tên lửa sát thương này có thể rải tới 100 quả bom trên một khu vực mục tiêu, gây thiệt hại đáng kể cho cơ sở hạ tầng của đối phương.

ATACMS là vũ khí quân sự quan trọng nhờ khả năng tương thích với các hệ thống phóng tiên tiến như Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) và Hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS) M270. Sự kết hợp giữa tên lửa ATACMS và hệ thống HIMARS/MLRS mang lại khả năng độc đáo để tiến hành các hoạt động chính xác tầm xa mà không ảnh hưởng đến khả năng cơ động và an toàn, cho phép tấn công các mục tiêu chiến lược trong khi tránh bị đối phương vô hiệu hóa.

HIMARS là hệ thống phóng tên lửa có bánh xe, nhẹ và cơ động, được thiết kế cho các hoạt động nhanh chóng, có khả năng mang theo một khoang chứa rocket hoặc tên lửa như ATACMS. Trong hệ thống phóng, khoang chứa là một thùng chứa được thiết kế để mang và phóng tên lửa hoặc rocket. Mỗi khoang có thể chứa các loại đạn dược khác nhau, tùy thuộc vào loại vũ khí được nạp. Tính cơ động được đảm bảo nhờ một phương tiện thích ứng, có khả năng di chuyển nhanh ngay cả trên địa hình phức tạp.

Mặt khác, M270 MLRS là hệ thống bánh xích nặng hơn, được trang bị khả năng chịu tải lớn hơn, có khả năng mang theo 2 khoang cùng một lúc. Điều này cho phép tăng gấp đôi hỏa lực so với HIMARS. Mặc dù kém linh hoạt hơn, nhưng M270 MLRS đặc biệt hiệu quả trong các hoạt động phóng hỏa lực vào lãnh thổ.

Các hệ thống này được vận chuyển đến các khu vực tác chiến bằng máy bay chiến lược và có thể hoạt động chỉ 15 phút sau khi hạ cánh. Sau khi được triển khai, chúng có thể được di chuyển lên cách mặt trận chỉ 70 km, định vị ở những nơi an toàn, nhưng đủ gần để tiếp cận chính xác mục tiêu. Tọa độ của các mục tiêu, được trung tâm chỉ huy lựa chọn nhờ các hệ thống tình báo tiên tiến, được truyền theo thời gian thực đến các bệ phóng.

Sau khi phóng, HIMARS và MLRS thực hiện chiến lược “bắn và di chuyển”, di chuyển nhanh chóng để tránh bị lực lượng địch định vị và vô hiệu hóa. Cách tiếp cận này không chỉ đảm bảo khả năng sống sót của các bệ phóng và quân nhân, mà còn đảm bảo hiệu quả của các hoạt động trên thực địa.

Thay đổi chiến lược trước đàm phán

Theo phóng viên chuyên mục ngoại giao của BBC Paul Adams, việc Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS để giành quyền kiểm soát lãnh thổ Nga có thể là quân bài mặc cả quan trọng trước bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào. Diễn biến này đánh dấu bước tiến đáng kể trong động lực của cuộc xung đột Nga-Ukraine, nhấn mạnh vào sự hỗ trợ quân sự của phương Tây dành cho Kiev.

Ông Serhii Kuzan, đồng sáng lập và là Chủ tịch Trung tâm An ninh và Hợp tác Ukraine cho biết, việc sử dụng các tên lửa này sẽ tăng cường khả năng tấn công các mục tiêu quân sự chiến lược của Ukraine, giúp củng cố quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ đang tranh chấp.

Mặc dù có tác động chiến thuật đáng kể, nhưng ông Kuzan cảnh báo, việc chỉ sử dụng ATACMS không có khả năng thay đổi toàn bộ tiến trình của cuộc chiến. Mặc dù thừa nhận tầm quan trọng của quyết định này, ông cho hay, nó không có khả năng thay đổi cơ bản kết quả chung của cuộc xung đột. Tuy nhiên, khả năng mới này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xác định các điều khoản của cuộc đối thoại ngoại giao trong tương lai, củng cố vị thế đàm phán của Kiev.

Việc cho phép Ukraine sử dụng ATACMS có thể mở đường cho việc triển khai thêm các loại vũ khí tiên tiến, chẳng hạn như tên lửa Storm Shadow của Pháp - Anh và tên lửa SCALP, giúp tăng cường đáng kể khả năng tấn công của Ukraine.

Storm Shadow đã được các lực lượng Ukraine sử dụng thành công, có tầm bắn khoảng 250 km và là tên lửa hành trình tầm xa được thiết kế để tấn công các mục tiêu kiên cố và cơ sở hạ tầng chiến lược quan trọng.

Nhờ có khả năng xuyên phá cao, Storm Shadow đã chứng tỏ hiệu quả đặc biệt đối với các mục tiêu như boongke chỉ huy, căn cứ hải quân, kho đạn dược và cầu chiến lược. Sự kết hợp của Storm Shadow với ATACMS sẽ cho phép Ukraine tạo ra những thách thức mới đáng kể đối với hệ thống phòng thủ của Nga.

Theo nhà báo Alistair MacDonald của Wall Street Journal, Storm Shadows đã đóng vai trò quan trọng trong một loạt cuộc tấn công có mục tiêu gây thiệt hại đáng kể cho cơ sở hạ tầng quân sự của Nga, đặc biệt là ở Crimea.

Ông MacDonald nhấn mạnh, thành công nổi bật nhất của những tên lửa này là cuộc tấn công vào trụ sở của Hạm đội Biển Đen của Nga, một hoạt động làm nổi bật khả năng tấn công các mục tiêu chiến lược quan trọng của Ukraine, bất chấp hệ thống phòng thủ khổng lồ của Nga.

Ukraine đã nhận lô tên lửa ATACMS đầu tiên vào năm 2023 với khoảng 20 đạn tên lửa trong một gói viện trợ vũ khí bí mật của Mỹ. Các tên lửa MGM-140A đã được sử dụng trong các đợt tấn công nhằm vào sân bay Nga ở thành phố Berdyansk, vùng Zaporozhye vào tháng 10/2023. Giống như nhiều loại vũ khí tấn công được Mỹ và phương Tây viện trợ cho Ukraine, quân đội Nga đã nhanh chóng tìm cách đối phó với ATACMS.

Thanh Bình
Bài viết cùng chủ đề: Ukraine

Tin cùng chuyên mục

Tự động hóa ngành dệt may: Việt Nam đang ở đâu?

Tin thuế quan 16/4: Cổ phiếu ô tô tăng sau động thái của Tổng thống Donald Trump

Tổng thống Donald Trump yêu cầu tước giấy phép và phạt CBS 20 tỷ USD

Chiến sự Nga-Ukraine tối 15/4: Nga bắn hạ 109 UAV Ukraine

Động đất ở Myanmar: Du lịch Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng sao?

Amanda Nguyễn - người phụ nữ gốc Việt đầu tiên bay vào không gian

Chuyến du hành không gian đầu tiên toàn nữ: Khi hoa cúc nở giữa vũ trụ

Tin thuế quan 15/4: Thị trường chứng khoán châu Á khởi sắc sau quyết định của Tổng thống Trump

Khai thác FTA: Định hình nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững

Về quan niệm 'thân, thành, huệ, dung' trong bài viết của đồng chí Tập Cận Bình

Vệ tinh Starlink ' bị hủy diệt' bởi tác chiến điện tử của Nga

Tin thuế quan 14/4: Tổng thống Trump khuyến khích đàm phán, sẽ có các 'ngoại lệ' thuế đối ứng

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 14/4: Nga giành thắng lợi lớn ở Kursk

Chiến sự Nga-Ukraine tối 13/4: Quân đội Nga kiểm soát Kalinovo

Binh sĩ Ukraine lo ngại vũ khí viện trợ thiếu hiệu quả

Chuỗi địa chấn chưa dừng: Myanmar hứng thêm động đất mạnh

Ai Cập tăng giá nhiên liệu lần đầu năm 2025

Mỹ miễn áp thuế loạt thiết bị điện tử: Tin vui cho chuỗi cung ứng

Tin thuế quan 13/4: Hải quan Mỹ khắc phục lỗi, cứu loạt hàng đang vận chuyển

KOL vươn ra toàn cầu, còn luật thì ở đâu?