Chuyên gia kinh tế , TS Lê Đăng Doanh: Phi lý khi nhiều loại hàng hoá không giảm theo giá xăng dầu! Giá xăng dầu hôm nay 11/8: Giảm cả thế giới và trong nước? |
Liên Bộ Tài chính - Công Thương vừa điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều chỉnh hôm nay (11/8). Thời gian áp dụng là từ 15h.
Cụ thể, cơ quan điều hành quyết định giảm xăng E5 RON 92 là 900 đồng/lít, còn xăng RON 95 giảm 940 đồng/lít.
Các loại dầu cũng giảm giá. Trong đó, dầu diesel giảm 1.000 đồng/lít, dầu hỏa giảm 1.210 đồng/lít, dầu mazut giữ nguyên giá.
Tại kỳ điều hành lần này, không chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Liên Bộ quyết định thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 700 đồng/lít (kỳ trước là 800 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 750 đồng/lít (kỳ trước là 850 đồng/lít), dầu diesel ở mức 350 đồng/lít (kỳ trước là 450 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 650 đồng/lít (như kỳ trước) và dầu mazut ở mức 716 đồng/kg (kỳ trước là 787 đồng/kg).
Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 23.720 đồng/lít, xăng RON 95 là 24.660 đồng/lít, dầu diesel là 22.900 đồng/lít, dầu hỏa 23.320 đồng/lít, dầu mazut 16.540 đồng/kg.
Như vậy, xăng đã giảm phiên thứ 5 liên tiếp, đưa mặt hàng này về mức giá trước khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine.
Theo dữ liệu Bộ Công Thương, giá xăng RON95-III giao dịch tại Singapore ngày 8-8 ở mức 106 USD/thùng và giá dầu DO ở mức 118 USD/thùng, kéo theo giá giao dịch theo ngày đang thấp hơn giá bán lẻ trong nước 1.400 đồng/lít đối với xăng E5 RON92, 1.600 đồng/lít đối với xăng RON95-III và 2.000 đồng/lít đối với dầu DO.
Tính bình quân từ ngày 1/8 đến nay, giá xăng tại thị trường Singapore thấp hơn giá bán lẻ trong nước khoảng 800 đồng/lít cho cả xăng RON95-III, E5 RON92 và dầu DO.
Phiên giao dịch sáng nay, 11/8 (giờ Việt Nam) giá dầu WTI giảm 0,20 USD/thùng tương ứng 0,22 xuống mức 91,73 USD/thùng; Dầu Brent giảm 0,27 USD/thùng tương ứng 0,28% xuống mức 97,23 USD/thùng.
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, dầu WTI tăng 1,58% lên 91,93 USD/thùng, giá dầu Brent tăng 1,13% lên 97,4 USD/thùng.
Giá dầu được hỗ trợ bởi tin tức về các chỉ số lạm phát tháng 7 của Mỹ và Trung Quốc đều thấp hơn so với kỳ trước và cả những dự báo, cho thấy dấu hiệu tạo đỉnh của lạm phát.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ, vốn được nhà đầu tư quan tâm nhất, tăng 8,5% so với năm trước, thấp hơn so với mức tăng 8,7% theo dự báo trước đó. Lạm phát Mỹ giảm có thể giúp cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không còn quá mạnh tay trong các đợt tăng lãi suất sắp tới.
Kỳ vọng này cũng khiến cho đồng USD hạ nhiệt và hỗ trợ cho giá hàng hoá nói chung và giá dầu thô nói riêng. Chỉ số Dollar Index giảm về 105,2 điểm, mức thấp nhất trong vòng hơn một tháng.
Ngoài ra, giá dầu cũng được hỗ trợ bởi những số liệu về việc nhu cầu tiêu thụ có dấu hiệu cải thiện trong báo cáo hàng tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Tiêu thụ xăng đã tăng lên 9,12 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 5/8, và cũng cao hơn so với mức trung bình của 4 tuần là 8,86 triệu thùng/ngày.
Vừa qua, Chính phủ đồng ý giảm một nửa thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) với xăng, về còn 10% từ ngày 8/8, một trong các giải pháp để hạ nhiệt giá cả mặt hàng đầu vào này.
Theo đó, mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) với xăng động cơ, không pha chì sẽ giảm một nửa, từ 20% xuống còn 10%. Việc giảm này được cấp có thẩm quyền đưa ra trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính vào tháng trước.
Thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) là thuế được áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước và vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ với Việt Nam.
Sau 2 lần giảm thuế bảo vệ môi trường vào tháng 4 và 7, hiện thuế trong giá xăng chiếm khoảng 19,4-22% (với xăng E5 RON 92 hoặc RON 95-III) và 11,05% (với dầu diesel).