PVFCCo tổ chức bán hàng trực tiếp tới bà con nông dân đáp ứng kịp thời nhu cầu mùa vụ.
CôngThương - Theo ông Dương, thị trường phân bón trong nước thời gian qua diễn biến bất thường, chuyển từ thái cực này sang thái cực khác, từ “nóng” sang “lạnh” và từ “lạnh” sang “nóng” rất đột ngột. Cụ thể, trong quý 1 đầu năm, lượng tồn kho phân bón rất cao, cao hơn 55% so với cùng kỳ. Nhưng rất nhanh sau đó, trong gần 2 tháng vừa qua, đã xảy ra tình trạng phân bón lên giá và khan hiếm cục bộ ở một số nơi, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguyên nhân do đúng vào mùa mưa, việc điều chuyển hàng của PVFCCo gặp khó khăn, đồng thời, do lãi suất ngân hàng cao, các doanh nghiệp hạn chế nhập khẩu phân bón. Hơn nữa, một số dự án nhà máy đạm như Cà Mau và Ninh Bình cũng chưa hoạt động đúng tiến độ, vì vậy có thời điểm khan hiếm urê ở nhiều địa phương trên cả nước, khiến giá phân bón tăng cao.
Trước tình hình đó, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí đã vận hành Nhà máy đạm Phú Mỹ hết công suất, tăng sản lượng để đáp ứng phân bón cho nhu cầu mùa vụ của bà con nông dân. Trong tháng 6 này, PVFCCo đã cung ứng ra thị trường khoảng 70.000 tấn đạm Phú Mỹ và hơn 60.000 tấn đạm Cà Mau để đáp ứng nhu cầu mùa vụ ở khu vực miền Bắc và miền Trung. Từ 9/6/2012, PVFCCo còn tổ chức chương trình bán hàng trực tiếp tới bà con nông dân, tại một số “điểm nóng” tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Chương trình đã kịp thời đáp ứng nhu cầu mùa vụ, đảm bảo kiểm soát được lượng hàng bán với giá bán hợp lý, hạn chế tình trạng “găm” hàng, đẩy giá cao hơn mức giá của công ty quy định, góp phần hạ nhiệt thị trường.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tới đây, thị trường phân bón sẽ sớm ổn định, bởi Nhà máy đạm Cà Mau hiện đã hoạt động ổn định và sẽ chạy hết công suất (800.000 tấn/năm), đồng thời, tháng 7 tới Nhà máy đạm Ninh Bình công suất 560.000 tấn/năm cũng chính thức có sản phẩm thương mại. Hơn nữa, tháng 7 - tháng 8 tới là thời kỳ thấp điểm nên nguồn cung phân bón dự báo sẽ ổn định cả về lượng và giá.