Gia Lai: Chuyện về buôn làng hiếu học bên dòng sông Ba
Nằm cuộn mình bên dòng sông Ba hiền hoà thơ mộng, xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) là một trong những vùng đất giàu truyền thống hiếu học của người Jrai. Với mong muốn tương lai con cái không phải chịu cảnh đói nghèo, lạc hậu, người dân nơi đây mỗi ngày cần mẫn làm lụng để nuôi con cái ăn học thành tài.
“Thân cò lặn lội” cho con nên người
Đến buôn Rưng Ma Nhiu, xã Ia Rbol hỏi nhà ông Ksor Chuel, bà Nay H’Piơi, từ trẻ em đến cụ già ai cũng biết bởi tấm gương hiếu học của các con ông bà. Một cụ già trong buôn khi tôi hỏi nhà, liền chỉ tay nói: “Chú đến cuối buôn người ta chỉ tiếp cho, ở đó ai cũng biết “Gia đình cử nhân” này mà!”. Thì ra, “Gia đình cử nhân” là danh xưng mà chính quyền địa phương và người dân nơi đây gọi “tổ ấm” của gia đình ông Ksor Chuel.
6 người con của vợ chồng ông Ksor Chuel gồm 3 trai, 3 gái đều lần lượt thi đỗ thành tài. Ảnh: Hiền Mai |
Ngôi nhà sàn khang trang, sạch đẹp nằm cuối buôn Rưng Ma Nhiu của gia đình ông Ksor Chuel treo đầy giấy khen, bằng khen của các cấp từ Trung ương tới địa phương. Ông nói rằng đây là niềm tự hào của cả gia đình, là minh chứng cho những nỗ lực, phấn đấu không biết mệt mỏi của vợ chồng ông để nuôi dạy con cái thành tài, đóng góp cho sự phát triển của quê hương.
Ông Chuel cho biết mình sinh ra trong một gia đình làm nông có 4 anh chị em. Từ khi được đi học, ông đã nuôi dưỡng ước mơ được đứng trên bục giảng như chính thầy cô mình. Thấy được ý chí ham học của cậu con trai cả, bố mẹ ông cố gắng làm lụng, chắt chiu tiền bạc cho con theo đuổi ước mơ. Năm 1979, ông theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, sau đó, tốt nghiệp ra trường, ông được phân công về dạy học tại xã.
Bấy giờ, mọi người đều nhìn ông với ánh mắt ngưỡng mộ. Nhưng đồng lương ít ỏi 45 đồng/tháng chẳng thể giúp ông nuôi nổi gia đình với 6 đứa con thơ. Chính vì vậy, tranh thủ thời gian ngoài giờ lên lớp, ông cùng vợ khai khẩn đất hoang, trồng trọt, chăn nuôi để nuôi các con trưởng thành.
“Từ kinh nghiệm của chính bản thân, vợ chồng tôi biết rằng chỉ có cái chữ mới giúp thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Vì vậy, bậc làm cha, làm mẹ như chúng tôi luôn động viên các con vượt khó, cố gắng học hành. Mỗi lần các con nhập học là gia đình lại phải bán bớt bò lấy tiền cho con mua quần áo, sách vở, đồ dùng học tập. Nghĩ lại cảnh các con trước đây đói khổ, tôi không khỏi mủi lòng. Nhưng bây giờ nhìn lại, tôi vô cùng mãn nguyện” - Ông Chuel trải lòng.
Hội Khuyến học thị xã Ayun Pa vinh danh gia đình ông Ksor Chuel là “Gia đình cử nhân”. Ảnh: Hiền Mai |
Không phụ lòng đấng sinh thành, 6 người con của vợ chồng ông Ksor Chuel gồm 3 trai, 3 gái đều lần lượt đỗ đạt thành tài. Hiện 6 người con của ông đều đã tốt nghiệp đại học, trong đó 1 người là Bí thư Đảng ủy xã, 1 người là Phó Chủ tịch UBND xã, 4 người nối nghiệp cha làm giáo viên đang công tác tại thị xã Ayun Pa.
Với việc có 6 người con đều tốt nghiệp đại học, gia đình ông Ksor Chuel đã được Hội Khuyến học thị xã Ayun Pa vinh danh là “Gia đình cử nhân”. Đây không những là niềm tự hào của riêng gia đình ông Ksor Chuel mà còn là niềm vinh dự của bà con buôn Rưng Ma Nhiu.
Truyền thống hiếu học của người Jrai
Tương tự, gia đình bà Rcom H’Kliơng (buôn Rưng Ma Nin, xã Ia Rbol) cũng nổi danh khắp vùng là gia đình hiếu học. Hiện 8/9 người con của bà là cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các cơ quan, đơn vị của tỉnh và địa phương.
Hiện 8/9 người con của bà H’Kliơng là cán bộ công tác tại các cơ quan, đơn vị của tỉnh và địa phương. Ảnh: Hiền Mai |
Nhớ lại những tháng ngày gian khó nuôi con ăn học, bà H’Kliơng nói rằng thời điểm đó nhà nghèo, bữa cơm thường chỉ có bắp rang, củ mì chống đói. Nhiều hôm, vợ chồng bà phải nhịn đói, nhường cơm cho con ăn để có sức đến trường.
Đói khổ là vậy, nhưng không bao giờ bà để các con phải nghỉ học đi làm phụ ba mẹ. Tối đến, dưới ngọn đèn dầu, bà luôn động viên các con phải cố gắng học hành bởi chỉ khi biết học lấy cái chữ thì mới có một tương lai tươi sáng.
"Thương cha mẹ sớm hôm vất vả, các con của tôi luôn động viên nhau học tập. Với những người làm cha mẹ như chúng tôi, không hạnh phúc, của cải nào lớn lao hơn việc các con ăn học để trở thành người có ích cho xã hội như hiện nay" - bà H’Kliơng tâm sự.
Hiện nay, mặc dù đã gần 80 tuổi, song bà H’Kliơng và ông Chuel vẫn miệt mài với công tác xã hội. Ông Chuel vừa là già làng, người uy tín của buôn, vừa là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi. Trong khi đó, bà H’Kliơng là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Ia Rbol.
Với kinh nghiệm và sự uy tín của bản thân, ông, bà tích cực tuyên truyền, vận động các gia đình cho con em đến trường đúng độ tuổi, quyết tâm theo đuổi con chữ để từng bước xóa đói, giảm nghèo; qua đó thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài tại địa phương.
Thị xã Ayun Pa có 3 gia đình có con là tiến sĩ, 2 gia đình có tất cả các con đều là thạc sĩ, 42 gia đình có con là thạc sĩ. Ảnh: Hiền Mai |
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Nhân - Chủ tịch Hội Khuyến học thị xã Ayun Pa cho biết: Toàn thị xã có 3 gia đình có con là tiến sĩ, 2 gia đình có tất cả các con đều là thạc sĩ, 42 gia đình có con là thạc sĩ và 18 gia đình dân tộc thiểu số có tất cả các con đều là cử nhân. Trong số đó, riêng xã Ia Rbol có 7 gia đình dân tộc thiểu số có tất cả các con đều tốt nghiệp đại học.
“Nhiều người con xuất thân từ xã hiện giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các sở, ban, ngành của tỉnh cũng như tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Điều đó đã tạo tiền đề, động lực để thế hệ trẻ phấn đấu học hành thành tài, trở về đóng góp xây dựng quê hương” - ông Lê Văn Nhân chia sẻ.