Gánh nặng của thủy điện
- Tham gia cắt lũ
Ngoài nhiệm vụ phát điện, các hồ thủy điện còn nhiệm vụ cắt và chống lũ trong mùa mưa bão, điều tiết dòng chảy, xả nước chống hạn cho vùng hạ du trong mùa khô. Tùy từng loại hồ chứa, việc vận hành các hồ thủy điện được phê duyệt phù hợp với quy hoạch lưu vực sông và quy hoạch bậc thang thủy điện. Tuy nhiên, hồ nào cũng chỉ có dung tích nhất định, nếu lượng nước về vượt quá sức chứa thiết kế, các hồ buộc phải xả xuống hạ du, nhưng bao giờ lượng nước xả cũng ít hơn lượng nước về vì một phần nước được tích lại trong hồ. Vì vậy, nếu không có hồ thủy điện, lũ lụt ở miền Trung thời gian qua có thể còn nặng nề hơn.
Ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương - khẳng định, trước khi thủy điện phát triển, trong lịch sử đã có rất nhiều trận lũ lớn như năm 1999 hoặc 2003. Vì vậy, không thể cứ lũ lớn là đổ lỗi cho hồ thủy điện được. Ông Nguyễn Trọng Oánh - giám đốc Công ty CP thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi - cho rằng, những cơn mưa bão liên tiếp thời gian qua đã khiến tổng lượng nước dồn vào các hồ quá lớn. Mặc dù trước mỗi trận bão, hầu hết các hồ thủy điện, thủy lợi đều được lệnh xả bớt đưa mực nước xuống thấp hơn bình thường để chuẩn bị tích nước cắt lũ nhưng nếu nước về vượt quá sức chứa của hồ thì buộc phải xả tràn giữ đập. Tuy nhiên, việc xả tràn của hồ bao giờ cũng thấp hơn lưu lượng nước về. Vì vậy, hồ thủy điện chỉ góp phần giảm lũ chứ không thể gây lũ được.
Hơn nữa, trong số hơn 7.000 hồ chứa trên cả nước chỉ có trên 1.000 hồ thủy điện, còn lại là hồ thủy lợi. Thực tế thời gian qua, đã có một số hồ chứa xả lũ không theo quy định, các bộ chủ quản chỉ chịu trách nhiệm quản lý những hồ chứa lớn, còn những hồ chứa vừa và nhỏ do các địa phương quản lý và chủ yếu đang phân cấp cho các đơn vị khai thác tự vận hành. Phần lớn nguy cơ mất an toàn chủ yếu ở các hồ thủy điện dưới 30 MW là những hồ do các địa phương phê duyệt quy hoạch và quản lý (số lượng thủy điện nhỏ chiếm đến 90% tổng số các hồ thủy điện nhưng đóng góp về công suất chỉ 26%).
Hầu hết các chủ hồ đều cho rằng thông tin dự báo lũ còn chậm, chưa cụ thể. Họ cần có thông tin chính xác như đỉnh lũ cao bao nhiêu, xuất hiện thời gian nào để lập kế hoạch điều tiết hiệu quả, tránh việc xả lũ bị động như hiện nay. |
Có thể giảm lũ hiệu quả hơn
Về lý do lũ lên nhanh thoát chậm, nhiều người cho rằng, cửa sông ven biển bị bồi lấp, hiện tượng vi phạm hành lang bảo vệ hồ chứa vẫn diễn ra ở nhiều nơi, nhất là khu vực bán ngập. Có những đợt lũ lớn không phải do thủy điện xả lũ mà chủ yếu do các công trình hạ tầng phía hạ lưu chắn dòng thoát lũ. Đó là chưa kể, nhiều hồ chứa chưa được phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa. Nhiều đập chưa cắm chỉ giới bảo vệ an toàn đập hoặc đã có chỉ giới nhưng dân vẫn vi phạm làm ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ của công trình.
Theo các chuyên gia, các hồ chứa có thể không cắt được lũ hoàn toàn nhưng nếu tận dụng quy trình vận hành liên hồ khoa học và nghiêm túc thì việc giảm lũ sẽ hiệu quả hơn. Cụ thể, cần có sơ đồ ngập lụt cho liên hồ vì hiện mới chỉ có sơ đồ cho từng hồ, nhưng nếu các hồ cùng xả thì sơ đồ ngập lụt sẽ rất khác.
Để khắc phục nguy cơ mất an toàn từ các hồ chứa, ngày 14/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy điện, thủy lợi, kiên quyết không để tích nước hồ chứa không an toàn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thành dự thảo nghị định mới về quản lý an toàn đập để trình Chính phủ trong tháng 12/2013. Bộ Công Thương phải chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch các hồ chứa thủy điện; tiếp tục rà soát các dự án chưa triển khai, kiên quyết dừng các dự án hiệu quả thấp, không bảo đảm phát triển bền vững. Nếu phát hiện vận hành hồ chứa sai quy định gây hậu quả nghiêm trọng phải làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.
Ông Cao Đức Phát - Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cũng yêu cầu: “Các hồ chứa phải xả dần nước, lũ về bao nhiêu xả bấy nhiêu, không được phép xả lượng nước nhiều hơn để tránh lũ dồn...”.