Gắn kết du lịch TP. Hồ Chí Minh - Bến Tre và vùng đồng bằng sông Cửu Long
Du lịch sông nước, xứ dừa Bến Tre - sản phẩm đặc thù thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước |
Ông Trần Duy Phương - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre - cho biết, đến nay tỉnh đã ký liên kết phát triển du lịch với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Bạc Liêu và Cụm liên kết phát triển du lịch phía đông ĐBSCL (gồm Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Long An, Đồng Tháp). Sự liên kết này đã tạo hiệu quả tốt trong quảng bá sản phẩm du lịch, các tuyến điểm của Bến Tre, làm cầu nối cho các đơn vị lữ hành lớn kết nối với DN du lịch địa phương.
Theo Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, thành phố là đầu mối đón lượng khách lớn từ các tỉnh, thành trong nước và quốc tế. Rất nhiều công ty lữ hành ở thành phố đã xây dựng các chương trình tour, tuyến du lịch từ thành phố đến Bến Tre nói riêng và các tỉnh thành trong vùng ĐBSCL nói chung.
Dưới góc độ DN, bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc Ban Tiếp thị - Công ty Du lịch Vietravel - cho hay, hiện tại Vietravel đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch kết nối liên tỉnh, liên vùng ở ĐBSCL. Riêng Bến Tre chưa đủ hấp dẫn khách du lịch lưu trú lại, vì thế Vietravel hướng đến thu hút đối tượng khách có thu nhập cao từ miền Trung, miền Bắc, hoặc kết hợp với ngành hàng không và hai sân bay quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc để tổ chức những chuyến bay bao chuyến (charter) với giá hấp dẫn đưa khách nước ngoài về và ngược lại cho khách từ ĐBSCL du lịch nước ngoài. Định hướng này đã thu hút nhiều khách vào mùa hè và mùa tết. Bà Việt Hương cũng cho biết thêm, người dân Bến Tre nói riêng và ĐBSCL nói chung có nhu cầu du lịch ngoài các tỉnh ĐBSCL rất nhiều vì thế công ty đang xây dựng các sản phẩm du lịch của TP. Hồ Chí Minh để thu hút khách ĐBSCL lên thành phố tham quan trong tour một ngày rồi về hoặc sau đó nối tour từ thành phố sẽ đi tiếp đến các địa phương khác và cả nước ngoài.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP. Hồ Chí Minh, - việc phát triển sản phẩm du lịch không thể phân bố đều cho các địa phương mà phải căn cứ vào lợi thế, đặc điểm nổi trội của từng điểm đến, tạo sự khác biệt thu hút khách, có tính đến các điểm đến ở địa phương lân cận, làm cho sản phẩm du lịch toàn vùng có sức hấp dẫn cao. Vì thế công tác xúc tiến quảng bá du lịch cần được thực hiện chung cho cả vùng, không quảng bá đơn lẻ từng địa phương vì du khách nước ngoài chỉ biết ĐBSCL qua tên gọi Mekong Delta. Các tỉnh, thành cũng cần nâng cao vai trò của các DN du lịch trong việc liên kết nhằm khai thác tối đa thế mạnh của từng địa phương, đưa ra chương trình cụ thể, để từ đó có các sản phẩm trọn gói có chất lượng tốt và giá cả phù hợp với từng đối tượng đến từ các thị trường khách du lịch trọng điểm.