Nhà máy được xây dựng trên khu vực dòng chính suối Đa Siat, nằm ở thượng lưu công trình thủy điện Đồng Nai 5, do Công ty CP Thủy điện Miền Nam làm chủ đầu tư. Nhà máy thủy điện Đa Siat chính thức đi vào vận hành năm 2008, điều tiết ngày đêm, có đập bê tông tự tràn, dòng chảy qua tràn tự do vẫn theo dòng suối cũ, vùng đất phía hạ du là rừng tự nhiên, độ dốc sau tràn đến sông Đồng Nai khá lớn, chủ yếu là thác ghềnh.
Năm 2010, Công ty CP Thủy điện Miền Nam được Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương cấp giấy phép hoạt động điện lực cho Nhà máy thủy điện Đa Siat (phát điện và vận hành quản lý đường dây 22kV). Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Công ty CP Thủy điện Miền Nam luôn chú trọng việc tuân thủ các chính sách pháp luật trong lĩnh vực hoạt động thủy điện; Tập trung nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động; Không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ CBCNV công ty nói chúng và Nhà máy thủy điện Đa Siat nói riêng.
Theo báo cáo của lãnh đạo công ty, Nhà máy thủy điện Đa Siat đã có văn bản gửi Tổng công ty Điện lực miền Trung đề nghị triển khai thiết kế kỹ thuật, cung cấp, lắp đặt, thí nghiệm hiệu chỉnh hệ thống giám sát, điều khiển từ xa (SCADA). Tổng công ty cũng đã có văn bản nhất trí đồng thời cử cán bộ thực hiện khảo sát, triển khai thiết kế kỹ thuật và dự kiến hoàn thành kết nối hệ thống SCADA trong năm 2017.
Trao đổi của đoàn công tác Bộ Công Thương với các lãnh đạo Nhà máy |
Tại buổi làm việc, ông Trịnh Phi Anh - Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần thủy điện Miền Nam - cũng đã trình bày một số đặc thù riêng của nhà máy như hồ chứa Đa Siat không có khả năng gây ảnh hưởng đến vùng hạ du đập vì từ sau đập tràn đến hồ Đồng Nai 5 khoảng 8km và là thác, ghềnh hầu như không có ngập lụt. Ông Trịnh Phi Anh cũng nêu một số băn khoăn, kiến nghị: Nội dung Nghị định số 72/2007/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý an toàn đập còn những điểm chưa phù hợp đối với các hồ chứa có chiều cao đập và dung tích hồ nhỏ; Nội dung của Khoản 7 Điều 18 Thông tư số 10/2015/TT-BCT ngày 29/5/2015 của Bộ Công Thương có quy định về báo cáo đối với trường hợp thay đổi đội ngũ trưởng ca, tuy nhiên, do nhu cầu công tác cán bộ nên việc thay đổi, luân chuyển thường xuyên diễn ra, vì thế việc yêu cầu chế độ báo cáo gây mất khá nhiều thời gian thực hiện cho các doanh nghiệp.
Kiểm tra số liệu sổ sách tại phòng trực trung tâm |
Sau một ngày kiểm tra toàn bộ hệ thống vận hành của Nhà máy thủy điện Đa Siat và tất cả các quy trình hồ sơ pháp lý, Đoàn kiểm tra Bộ công Thương đã có kết luận cụ thể như sau: Công ty Cổ phần Thủy điền Miền Nam đã thực hiện tương đối đầy đủ việc tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường và các quy định về duy trì điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực Nhà máy thủy điện Đa Siat.
Những việc Công ty CP Thủy điện Miền Nam cần tập trung giải quyết bao gồm: Phối hợp với chính quyền địa phương xử lý dứt điểm việc lấn chiếm trái phép vùng lòng hồ nhằm đảm bảo an toàn đúng dung tích hồ theo thiết kế; Lắp đặt hệ thống quan trắc chuyển vị đập theo quy định; Khẩn trương phối hợp với Tổng công ty Điện lực miền Trung để triển khai đầu tư và hoàn thiện kết nối hệ thống SCADA theo đúng kế hoạch đã báo cáo; Thực hiện Báo cáo duy trì điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực và Báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh hàng năm theo đúng quy định tại Điều 18 Thông tư số 10/2015/TT-BCT,...
Một trong những ấn tượng đặc biệt được Đoàn công tác đánh giá cao tại Nhà máy thủy điện Đa Siat là đội ngũ cán bộ chủ chốt của Công ty CP Thủy điện Miền Nam không chỉ là những chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực điện lực, mà còn là những con người thật sự rất tâm huyết với sự nghiệp phát triển thủy điện Việt Nam.