FTA Việt Nam - Israel: Hàng hóa nông sản Việt Nam có nhiều lợi thế
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel (FTA Việt Nam - Israel) vừa kết thúc đàm phán ngày 2/4 vừa qua. Sau khi hoàn tất các công việc kỹ thuật cần thiết, Việt Nam và Israel dự kiến sẽ ký Hiệp định và hoàn thiện thủ tục pháp lý của mỗi nước để triển khai Hiệp định trong thời gian sớm nhất có thể vì lợi ích chung của cộng đồng doanh nghiệp của cả hai bên.
Quế là mặt hàng gia vị xuất khẩu sang Trung Đông rất nhiều |
Đón nhận tin vui này, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng - Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VCAC) - Phó Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam - chia sẻ, đây là điều mong mỏi của nhiều doanh nghiệp Việt Nam, bởi sau khi kết thúc đàm phán và Hiệp định được ký kết thì sẽ mở ra cơ hội giao thương rất lớn cho doanh nghiệp hai nước.
Bởi theo bà Hằng, cơ hội mở ra cho nông sản Việt Nam không chỉ tại thị trường Israel, dự kiến FTA Việt Nam - Israel được ký kết trong năm nay còn mở ra cơ hội hợp tác với khu vực Trung Đông đầy tiềm năng thông qua cửa ngõ các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Cùng với đó, đẩy mạnh xuất khẩu sang một số thị trường ngách, thị trường tiềm năng như Bangladesh, Pakistan; đồng thời, coi các thị trường này là “bàn đạp” để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ với một sức mua lớn của hơn 1,4 tỷ dân...
Về các mặt hàng nông sản có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường Israel và Trung Đông, bà Nguyễn Thị Diễn Hằng nhận định, đầu tiên phải là mặt hàng gia vị, bởi lẽ, các thị trường này tiêu thụ lượng mặt hàng gia vị mỗi năm rất lớn. Quan trọng hơn nữa đó là trước đây chúng ta cũng đã xuất khẩu các mặt hàng gia vị như quế, hồi, hạt tiêu,… sang thị trường Trung Đông rất nhiều, nhưng do chưa đàm phán được FTA nên chịu thuế xuất cao. Việc FTA được ký kết sẽ mang lại lợi ích cả về thuế quan lẫn vấn đề thông thương dễ dàng trong dòng chảy hàng hóa.
Cùng với mặt hàng hạt tiêu và cây gia vị, lợi thế tiếp theo là nhóm hàng lương thực thực phẩm và hàng tiêu dùng (thủy hải sản, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, nước giải khát, bánh kẹo, quế, dệt may, giày dép các loại…). Nếu tại thị trường Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), doanh nghiệp có thể khai thác các sản phẩm thương phẩm của nông nghiệp Việt Nam ở phân khúc cao cấp thì các thị trường ngách như Isreal, Bangladesh, Pakistan Ấn Độ, các doanh nghiệp có thể đưa các mặt trung cấp và thấp cấp.
“Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel được ký kết, doanh nghiệp nhìn thấy tương lai rộng mở trong lưu thông huyết mạch hàng hóa nói chung, mặt hàng nông sản và mặt hàng gia vị nói riêng”, bà Nguyễn Thị Diễn Hằng chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Diễn Hằng phân tích, Israel là cửa ngõ vào UAE. UAE là cửa ngõ đi ra toàn cầu. Đến và chạm vào UAE đồng nghĩa với nông sản hàng hóa của Việt Nam có cơ hội đi ra thế giới. Các nhà buôn lớn đều đến UAE, Dubai, đến các chương trình lớn như Gulfood, Expo để giao thương, nhập lượng hàng hóa lớn về đất nước của họ.
Với tiêu chuẩn thị trường không quá khắt khe như Mỹ, EU,… việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel được ký kết sẽ là cơ hội đưa hàng hóa nông sản của Việt Nam nói chung, mặt hàng gia vị của Việt Nam nói riêng thâm nhập vào thị trường Israel nói riêng và Trung Đông nói chung.
Dù vậy, thị trường nào cũng có những quy định riêng. Các doanh nghiệp cũng cần xác định chúng ta nhà bán phải đáp ứng được tiêu chuẩn của nhà mua. Việt Nam xác định là công xưởng của thế giới, do đó, các doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, sản phẩm cần đáp ứng các tiêu chuẩn FDA, HACCP, ISO,… tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt Nàm và của các thị trường mà chúng ta hướng tới. Tránh tư tưởng nơi nào tiêu chuẩn thấp thì chúng ta bán hàng vào. Bởi lẽ, việc đáp ứng tiêu chuẩn sẽ đi liền với giá bán sản phẩm.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel sẽ mang lại cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp. Theo đó, cơ hội sẽ dành cho các doanh nghiệp đã xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn đáp ứng thị trường khó tính như UAE, đồng thời dành cho các doanh nghiệp chưa đạt được nhiều tiêu chuẩn, họ có thể đi vào các thị trường ngách dễ tính hơn như Bangladesh, Pakistan,… Đây là cách làm kinh tế khá tốt và là một hiệp định rất tuyệt vời nếu chúng ta có thể ký được trong năm nay.
Theo các chuyên gia, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel là một hiệp định chất lượng cao và toàn diện, góp phần tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại song phương thông qua xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa, cắt giảm các hàng rào phi thuế, thúc đẩy thương mại dịch vụ và đầu tư.
Tổng kim ngạch thương mại giữa Israel và Việt Nam đã đạt 1,4 tỷ USD trong năm ngoái và dự kiến sẽ tăng trưởng hơn nữa trong bối cảnh hai bên tiếp tục phát triển sâu rộng quan hệ đối tác kinh tế.
Trong khi Việt Nam được biết đến với tốc độ tăng trưởng nhanh và có lĩnh vực công nghiệp mạnh, thì Israel nổi tiếng với nền công nghiệp công nghệ cao, sáng tạo và các công ty khởi nghiệp. Những ngành công nghiệp này bổ sung cho nhau và đang hợp tác chặt chẽ. Mục tiêu của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel là nhằm khuyến khích hơn nữa sự hợp tác này.
Cơ hội là rất lớn, nhưng để nắm được cơ hội thì sự chủ động của chính các doanh nghiệp cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chuẩn tại thị trường nhập khẩu, doanh nghiệp cần chú ý đến việc đăng ký sở hữu trí tuệ tại thị trường nhập khẩu, xây dựng thương hiệu và đứng bằng thương hiệu của mình tại thị trường xuất khẩu thì mới đi bền và đi xa. Bởi nếu chúng ta “ăn xổi”, có đơn thì bán hoặc bán qua thương hiệu nước khác thì nông sản, hàng hóa của Việt Nam không có được chỗ đứng vững chắc tại thị trường nhập khẩu.