EVNNPC đã có bước phát triển mạnh mẽ về ứng dụng công nghệ |
Khi ngành điện quy về một mối, mỗi tổng công ty điện lực miền thực hiện nhiệm vụ chính là phân phối điện cho các khách hàng trực thuộc khu vực quản lý. Theo đó, EVNNPC (lúc đó là được giao xây dựng, quản lý, phát triển hệ thống điện và bán điện cho các khách hàng tại 24 tỉnh thành phố tại miền Bắc từ Hà Tĩnh trở ra (trừ TP. Hà Nội, Công ty Điện lực Hải Phòng, Hải Dương và Ninh Bình). Như vậy so với 5 tổng công ty trực thuộc EVN, EVNNPC có địa bàn quản lý lớn nhất với 15 tỉnh trung du miền núi với diện tích rộng, địa hình khó khăn phức tạp, thiên tai khắc nhiệt, dân cư phân bố không đồng đều. Ở trung du miền núi rất thưa thớt, còn ở đồng bằng lại tập trung quá đông người.
Bên cạnh đó, dù đất nước thực hiện đường lối “Đổi mới”, ngành công nghiệp nặng, trong đó có điện lực vẫn được tiếp tục phát triển để phục vụ các chương trình kinh tế song nguồn lực đầu tư cho ngành điện vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Tất cả những điều trên là một thách thức không nhỏ đối với EVNNPC lúc bấy giờ. (Đến năm 1990, công suất lắp đặt điện cả nước mới đạt 3.000 MW; Sản lượng điện đạt trên 8 tỷ kWh).
Theo lời kể lại của nhiều người, trong giai đoạn từ năm 1990 cho đến tận khi thực hiện chương trình điện khí hoá nông thôn (1998), nhiều khu vực đồng bằng vẫn còn thiếu điện, cắt điện thường xuyên; điện chủ yếu dùng cho thắp sáng sinh hoạt vào buổi tối (Thời kỳ đó vẫn dùng bóng đèn sợi đốt và đèn Neong) là chủ yếu vì điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn. Hệ thống điện khá chắp vá, không đồng bộ. Cột điện xi măng nhiều loại cái tròn, cái vuông còn dây dẫn là dây trần to nhỏ khác nhau; bán kính cấp điện xa nên chất lượng điện rất yếu, nhất là nhà cuối nguồn. Chất lượng điện yếu đến nỗi nhiều nhà, kể cả ở thành thị phải dùng Sutvonter (thiết bị điều chỉnh điện áp). Mỗi khi điện áp tăng dù giữa đêm cũng phải dậy điều chỉnh Sút Von tơ. Hầu như nhà nào cũng có chiếc đèn dầu để phòng khi mất điện. Nhà khá giả hơn có ắc quy phải đi thuê sạc tích điện để dùng thắp sáng hoặc để xem tivi. Còn tại khu vực trung du miền núi hầu như dùng đèn dầu là chính. Ở khu vực nào gần suối, người dân làm tourbine điện tự chế.
Số liệu thống kê cho thấy, thời điểm trước năm 1998, tỷ lệ số huyện, xã có điện lưới chưa đạt 100%, nhất là ở khu vực miền núi, hải đảo. Đơn cử như Hà Tĩnh số xã có điện chỉ đạt 75%; tại Quảng Ninh số xã có điện là 82 xã. Nêu ra như vậy để thấy rằng để có được hệ thống điện như ngày hôm nay là cả một sự nỗ lực cực kỳ lớn của ngành điện.
Chiếc đèn dầu chắc chắn vẫn còn trong ký ức nhiều thế hệ người miền Bắc |
Ngày nay, các con em đồng bào dân tộc đã được học tập dưới ánh điện sáng |
Trong giai đoạn từ năm 2000-2009, EVNNPC luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao, không ngừng phát triển hệ thống lưới điện phân phối, đảm bảo cung ứng điện với mức tăng trưởng bình quân hàng năm từ 10,3%-13%.
Năm 2010, EVNNPC tiếp nhận lại các Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng, Hải Dương và Ninh Bình và được tổ chức theo hình thức Công ty TNHH một thành viên, hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con. Việc chuyển đổi mô hình đánh dấu một bước trưởng thành lớn trong sự phát triển của Tổng Công ty cả về lượng và chất, đáp ứng xu thế phát triển của nền kinh tế.
Cũng trong giai đoạn từ 2010-2015, EVNNPC thực hiện các chương trình, mục tiêu lớn mà Đảng và Chính phủ giao, đó là thực hiện tiếp nhận toàn bộ lưới điện hạ áp khu vực nông thôn, trực tiếp bán điện đến các hộ dân, đảm bảo người dân được hưởng giá bán điện theo đúng quy định của Chính phủ; thực hiện chương trình đưa điện đến các thôn bản, miền núi, biên giới và hải đảo phục vụ đời sống nhân dân góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm cấp điện cho các khu công nghiệp lớn ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Tĩnh…
Cụ thể, từ năm 2011 đến 2015, EVNNPC đã đầu tư 38.538 tỷ đồng, gấp 3,3 lần so với khối lượng thực hiện trong 5 năm 2006-2010. Để thực hiện kết quả này, Tổng công ty đã thực hiện quản lý, cân đối vốn đầu tư theo kế hoạch hàng năm và trung hạn, phân bổ hợp lý vốn đầu tư theo thứ tự ưu tiên, tập trung vốn cho các công trình, dự án quan trọng, cấp thiết. Ngoài vốn tự có, EVN NPC đã thu xếp ký được hợp đồng vay trên 62.097 tỷ đồng từ các ngân hàng trong nước và nước ngoài, các tổ chức tài chính quốc tế. Ngay trong các năm khó khăn nhất về vốn đầu tư 2011-2012, các dự án nguồn điện và lưới điện vẫn được đáp ứng đủ vốn thanh toán. Hoạt động hợp tác quốc tế đã đóng góp tích cực trong công tác thu xếp vốn cho các dự án điện.
Lắp đặt trạm biến áp tại Phú Thọ |
Tổng Công ty đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư cho 6 tỉnh được giao trong Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013-2020 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 08/11/2013). Trong giai đoạn 2011-2015, EVN NPC đã tiếp nhận lại 1.439 xã và cụm xã với trên 1,410 triệu hộ dân nông thôn. Riêng năm 2015, tiếp nhận được 120 xã và 211 cụm với khối lượng 3.226 km đường dây hạ áp; 204.385 công tơ 1 pha; 6.685 công tơ 3 pha; giá trị tài sản 297 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2015, trên địa bàn EVN NPC quản lý số xã có điện đạt 99,2% và số hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 97,89%. Hầu hết các xã biên giới đã được cấp điện, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện mục tiêu định canh định cư, phát triển kinh tế và giữ gìn an ninh khu vực biên giới. EVN NPC đã đảm nhận cấp điện cho 2/3 huyện đảo trên địa bàn gồm: Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải (Hải Phòng) và đang triển khai tiếp nhận lưới điện và đảm nhận cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng)...
Như vậy, đến 2015, EVN đã cơ bản hoàn thành xây dựng hệ thống hạ tầng lưới điện trên toàn 27 tỉnh/thành phố miền Bắc, tạo điều kiện cho nhiều địa phương thu hút đầu tư; thay đổi cơ cấu kinh tế; qua đó đã hình thành nhiều khu công nghiệp trọng điểm; khu sản xuất kinh tế nông nghiệp chuyên canh theo hướng hàng hoá; đời sống kinh tế xã hội thay đổi toàn diện; góp phần đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.
Bên cạnh việc được cấp điện ổn định, khách hàng còn được cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích |
Bên cạnh việc đảm bảo cấp điện với chất lượng ngày càng cao, EVNNPC cũng đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý vận hành, giảm tổn thất điện năng, giảm suất sự cố; Đồng thời cung cấp nhiều dịch vụ điện cho khách hàng như đưa trung tâm chăm sóc khách hàng vào hoạt động; giảm thời gian cấp điện; áp dụng hoá đơn điện tử; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt…
Với những cống hiến to lớn như vậy, Tổng công ty và nhiều tập thể, cá nhân thuộc ngành điện miền Bắc đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba; danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và nhiều Cờ thi đua, Huy chương, Bằng khen của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Đây chính là niềm vinh dự, tự hào của các thế hệ cán bộ, công nhân viên thuộc EVNNPC trong 5 thập kỷ vừa qua và là động lực quan trọng chọ họ tiếp tục phấn đấu trong giai đoạn mới – giai đoạn đất nước hội nhập toàn cầu.