Theo báo cáo của Trung tâm Ðiều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), tính đến hết năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620 MW; trong đó, nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) tại Việt Nam là trên 20.000MW chiếm trên 28,3%. Nguồn điện này chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền Trung và phía Nam.
Năm 2021, EVN huy động hơn 29 tỷ kWh từ nguồn năng lượng tái tạo |
Việc đưa nguồn năng lượng tái tạo vào đã khiến công tác điều độ gặp nhiều khó khăn, phải thay đổi nhiều phương thức trong vận hành cho phù hợp bởi đây không phải là nguồn điện nền. Đơn cử có thời điểm nguồn điện mặt trời đạt từ 16.000-17.000MW, nhưng khi tắt nắng (sau 17h) thì phải cân đối nguồn điện truyền thống cho dự phòng.
Bên cạnh đó, do ưu tiên huy động năng lượng tái tạo, giảm huy động nguồn truyền thống dẫn đến suy giảm quán tính hệ thống. Mặc dù không xuất hiện các sự cố nghiêm trọng nhưng đã xảy ra các hiện tượng dao động điện áp, tần số trên hệ thống điện do việc cài đặt, hiệu chỉnh thông số hệ thống điều khiển nhà máy năng lượng tái tạo chưa tuân thủ quy định. Theo A0, trong năm 2021, trung tâm đã phải ngưng/khởi động các tổ máy turbine khí do ưu tiên khai thác năng lượng tái tạo với tổng số 1.014 lần. Ðối với Cụm Nhiệt điện Phú Mỹ thuộc EVN, từ năm 2010 - 2020, tổng số 303 lần khởi động, riêng năm 2021 thống kê được 397 lần phải khởi động...
Thực hiện chủ trương phát triển năng lượng xanh cũng như chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN đã nỗ lực ưu tiên huy động nguồn điện năng lượng tái tạo. Theo báo cáo của EVN, năm 2021, đơn vị đã huy động khoảng trên 29 tỷ kWh từ nguồn điện năng lượng tái tạo. Nhiều thời điểm công suất phát các nguồn điện năng lượng tái tạo lên tới 60% công suất phụ tải. Dự kiến năm 2022, EVN sẽ huy động 35 tỷ kWh từ nguồn năng lượng này.
Trong báo cáo, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 2/2022 đạt 18,6 tỷ kWh, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 2 tháng đạt 39,59 tỷ kWh, tăng 6,1% so với cùng kỳ. Đặc biệt, trong số các nguồn điện huy động thì nguồn điện năng lượng tái tạo đứng thứ 3 với 6,65 tỷ kWh, chiếm 16,8% trong tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Tháng 3/2022, EVN sẽ tiếp tục huy động các nguồn điện một cách hợp lý đảm bảo mục tiêu an toàn hệ thống phục vụ nhu cầu điện tăng cao của nền kinh tế.
Như vậy có thể thấy, EVN đã có những tính toán, dành sự ưu tiên cho nguồn năng lượng tái tạo. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn hệ thống điện Việt Nam với nguồn điện năng lượng tái tạo ngày càng tăng cao, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ các công trình lưới điện truyền tải, giải tỏa công suất các nhà máy điện gió, điện mặt trời, cuối năm 2020, EVN đã thành lập Phòng Quản lý nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo thuộc A0 nhằm thực hiện các nhiệm vụ dự báo, giám sát, quản lý vận hành các nguồn năng lượng tái tạo.
Vào cuối quý III/2021, EVN đã chỉ đạo A0 công khai thông tin về tình hình vận hành hệ thống điện quốc gia để các nhà máy điện, nhất là các nhà máy điện năng lượng tái tạo biết để điều chỉnh kế hoạch sản xuất. Theo đó, cuối giờ chiều hàng ngày số liệu về dự kiến công suất nguồn điện được huy động của ngày hôm sau theo từng loại hình nguồn điện vào các thời điểm: Thấp điểm trưa và cao điểm chiều-tối.
Mới đây, Công ty Truyền tải điện 3 cũng đã tổ chức hội nghị đối thoại với các chủ đầu tư năng lượng tái tạo trên địa bàn các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên nhằm cung cấp, cập nhật thông tin, đồng thời thảo luận các biện pháp phối hợp nhằm giúp vận hành hệ thống điện an toàn, hiệu quả.
Ông Vũ Xuân Khu - Phó giám đốc A0: Để việc vận hành các nhà máy được thông suốt, bài bản, đề nghị các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo nghiên cứu, phổ biến các thông tư, hướng dẫn về điều độ, sự cố, lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối. |