Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng: Vì sao thưa vắng xe?
Ông Lê Xuân Tú, Phó Ban quản lý khai thác đường ôtô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cho biết, những thống kê phương tiện nói trên trong khi năng suất thiết kế của tuyến đường này là 40.000 lượt xe/ngày đêm thì lượng xe lưu thông hiện nay là ít. Một phần cũng bởi “đường ôtô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng mới thông xe chưa được một tháng nên để tăng lên 40.000 lượt xe/ngày đêm thì cần phải có thời gian. Các doanh nghiệp vận tải cũng cần phải có thời gian điều chỉnh hợp đồng”.
Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng |
Được biết, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng dài 105km với 6 làn xe chạy đi vào khai thác toàn tuyến từ ngày 5/12. Với số vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD, tuyến đường hiện đại nhất Việt Nam này được kỳ vọng sẽ giúp giảm thiểu tình trạng quá tải trên quốc lộ 5 cũ. Tuy nhiên, hiện lượng xe đi trên tuyến đường này khá thưa thớt. Nhiều tài xế cho biết vì mức phí quá cao nên không đi vào đường cao tốc này. Hiện nay mức phí áp dụng cho mỗi lượt đi về của xe chở container loại 40 feet, xe 18 tấn trở lên trên cao tốc mới là 1.680.000 đồng. Loại xe dưới 12 chỗ ngồi, xe dưới 2 tấn và xe buýt trả phí là 320.000 đồng mỗi lượt đi về trên toàn tuyến.
Ông Đoàn Thanh Hải – Giám đốc Công ty Xuân Trường Hải Hải Phòng cho rằng, mức giá này quá “cao”, trong khi đó không thể tăng giá cước vì chủ hàng không chấp thuận. Thế nên “đi đường cao tốc mới là ước mơ xa xỉ của doanh nghiệp vận tải chúng tôi”.
Được biết, từ sau ngày 5/12 đến ngày 25/2/2016 (thời điểm dự kiến nâng cấp xong quốc lộ 5 cũ), xe tải trên 15 tấn từ cảng Đình Vũ đi theo đường cao tốc mới, không đi vào đường cũ để thuận lợi cho việc sửa chữa quốc lộ 5 cũ. Sở GTVT Hải Phòng đã đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Bộ Tài chính miễn thu phí cao tốc mới đoạn từ cảng Đình Vũ đến quốc lộ 10 trong thời gian sửa chữa đường cũ.
Trong khi đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng chịu cảnh “đìu hiu chợ chiều” thì từ ngày 1/12, tuyến quốc lộ 5 cũ lại tăng phí mỗi lượt xe là từ 30.000 - 160.000 đồng. Tuy nhiên, mức phí này sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng lên từ 45.000 - 200.000 đồng/lượt xe vào tháng 4/2016. Ngoài khoản phí này, doanh nghiệp còn phải chi trả phí bảo trì đường bộ tính theo đầu xe. Tình trạng “phí chồng phí” đã tạo ra gánh nặng đè lên vai doanh nghiệp vận tải và lý giải vì sao cước vận tải không giảm dù giá xăng dầu đã giảm.
Về mức phí thu cao như nhiều doanh nghiệp vận tải phàn nàn, ông Tú cho rằng, việc đánh giá cao thấp không thể cảm tính và mức phí trên tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng không quá cao khi so sánh với nhiều tuyến cao tốc khác ở Việt Nam. “Đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương có mức phí thu là 2.000 đồng/km cho xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn nhưng tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng có 6 làn xe mà chỉ có 1.500 đồng/km là thấp hơn”.
Lưu lượng các phương tiện vận tải chạy từ địa bàn Hải Phòng đi các tỉnh là vô cùng lớn, trong khi đó trái ngược với điều này thì tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng lại rơi vào cảnh đìu hiu, thưa thớt. Nên chăng các nhà đầu tư vừa tính lợi ích kinh tế từ phía họ nhưng cũng phải được lợi cho DN. Hài hòa giữa các bên mới là điều cần phải bàn trong lúc này./.