Đội xe lớn là một trong những thế mạnh của ALS |
Bước chuyển mình tích cực
Những chuyến xe container nặng trĩu tấp nập ra vào; từng kiện hàng được chuyển từ container xuống nhà kho và ngược lại, nhanh chóng và chính xác như được lập trình; khu vực soi chiếu hàng hóa chưa lúc nào ngừng sáng điện; bộ phận làm thủ tục hải quan hoạt động hết công suất… - đó là những hình ảnh chúng tôi được tận mắt chứng kiến trong chuyến đi thực tế tại Công ty TNHH ALS Thái Nguyên - thành viên của Công ty CP Logistics Hàng không (ALS). ALS được đánh giá là một trong những DN logistics hàng không Việt Nam có uy tín và được chọn là nhà cung cấp dịch vụ cho nhiều tập đoàn, DN lớn tại Việt Nam như Samsung, LG, Foxconn.
Chia sẻ về lý do được chọn trở thành đối tác cho hàng loạt DN lớn, đại diện ALS Thái Nguyên cho rằng, nguyên tắc hoạt động của ALS ngay từ những ngày đầu thành lập là cung cấp dịch vụ chất lượng với giá cả phải chăng, uy tín cao nhất. Đặc biệt, điểm mạnh nhất của ALS là đã hình thành được các ga hàng không nối dài ngay tại trụ sở các công ty của ALS tại các khu công nghiệp. Cách khu vực sân bay từ vài chục đến hàng trăm km, các ga hàng không kéo dài này giúp thực hiện đa phần các dịch vụ mà DN bắt buộc phải thực hiện tại sân bay như cung cấp kho hàng hóa, dịch vụ soi chiếu hàng hóa, làm thủ tục hải quan, vận chuyển hàng hóa đến sân bay... Nhờ đó, tiết kiệm thời gian, kho bãi, nhân công, đơn giản hóa các thủ tục hải quan, hàng không.
ALS là một trong những minh chứng tiêu biểu nhất cho sự chuyển mình không ngừng của các DN dịch vụ logistics Việt Nam trong việc nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu không ngừng gia tăng của nền kinh tế trong giai đoạn hội nhập sâu rộng. Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - đánh giá, cùng với tốc độ tăng trưởng của sản xuất và xuất nhập khẩu, trong những năm qua, ngành dịch vụ logistics Việt Nam cũng phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng cao, từ 10 - 15%/năm. Đi kèm với đó là số lượng DN kinh doanh trong lĩnh vực này cũng không ngừng lớn mạnh.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng 3.000 DN hoạt động trong ngành dịch vụ logistics (trong đó khoảng 1.300 DN, chủ yếu là vừa và nhỏ), tham gia tích cực vào thị trường trong nước và nước ngoài. Ngành dịch vụ logistics đang đóng góp khoảng 3% GDP cả nước.
Đánh giá về chất lượng của các DN logistics Việt Nam, ông Lê Trần Bình - Quản lý phòng Nhập khẩu (Công ty Samsung Thái Nguyên) - cho biết: Samsung đang sử dụng 100% dịch vụ của các DN logistics Việt Nam cho các hạng mục nội địa như vận chuyển, khai báo hải quan, các thủ tục chính sách chuyên ngành… Nhìn chung, chất lượng dịch vụ của các DN logistics Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của Samsung tại thị trường nội địa.
Đây là tín hiệu đáng mừng, bởi đòi hỏi của Samsung tương đối cao với các dịch vụ logistics về giá cả, sự cạnh tranh và thời gian giao hàng. Với mỗi dịch vụ, Samsung thường lựa chọn khoảng 3 - 4 nhà thầu và có sự so sánh, chấm điểm liên tục. Sức cạnh tranh của DN là cơ sở để Samsung chia tỷ lệ thị phần. Khoảng 1 - 2 năm, công tác đấu thầu được tổ chức một lần và nếu thực sự không nỗ lực, DN Việt Nam sẽ phải ngay lập tức nhường lại thị phần cho các đối thủ.
Nâng chất cho các DN Việt
Có được những thành tựu nhất định với một số tên tuổi uy tín nhưng nhìn chung, những thương hiệu nổi bật như: Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Mai Linh, ALS… chưa nhiều. Có nhiều nguyên nhân là rào cản cho sự phát triển của ngành nghề này.
Bà Nguyễn Thị Thùy Dương - Giám đốc Công ty TNHH Minh Nhật - chia sẻ, nhân lực yếu và thiếu là một trong những nguyên nhân lớn nhất cản trở sự phát triển của ngành logistics. Đa số DN phải mất 6 tháng - 1 năm “cầm tay chỉ việc” và đào tạo thêm cho sinh viên mới tốt nghiệp. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của nước ta chưa đáp ứng tốt nhất nhu cầu của các DN logistics. Thủ tục hành chính còn nhiều chồng chéo cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho DN.
Về phía DN sử dụng dịch vụ, ông Lê Trần Bình đánh giá: Dịch vụ của DN Việt Nam tại nội địa tương đối tốt. Nhưng với các dịch vụ quốc tế thì khó cạnh tranh với các DN ngoại.
Tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các DN logistics Việt Nam phát triển, ông Trần Thanh Hải cho hay, đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 200 phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao sức cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Đây là cơ sở pháp lý vững chắc để phát triển dịch vụ logistics trong thời gian tới.
Tuy nhiên có một kế hoạch là chưa đủ và để biến từ kế hoạch thành hành động cụ thể cần nhiều giải pháp. Hiện nay, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các địa phương triển khai nhiệm vụ rà soát các thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí cho DN; thành lập các tập đoàn, DN logistics lớn, trung tâm logistics để có thể trở thành đầu tàu, tạo sự ảnh hưởng cho DN Việt Nam cùng phát triển…
Đặc biệt, tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2017 diễn ra vào tháng 12 vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức ký kết giữa DN logistics với các DN chủ hàng và trường học để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; gắn kết nguồn cung để có sự phát triển mạnh mẽ hơn, cạnh tranh hiệu quả hơn; nỗ lực cắt giảm các chi phí không cần thiết, gây đội chi phí và giảm cạnh tranh cho DN. Về dài hạn, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành xây dựng chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển ngành logistics, gắn chặt với bối cảnh hội nhập sâu rộng trong thời kỳ mới. Mục tiêu lớn nhất là phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam ngang tầm khu vực, giúp Việt Nam trở thành trung tâm logistics của Đông Nam Á.
Theo Quyết định 200, mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8-10%... |