Cơ quan chức năng thu giữ sản phẩm chức năng không đạt tiêu chuẩn chất lượng |
Sản xuất thực phẩm chức năng trong nước còn nhiều bất cập
Hiện cả nước có gần 20.000 sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) lưu thông trên thị trường, 60-65% trong số này là do trong nước sản xuất. Rất nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước, qua kiểm tra đã phát hiện những sai phạm trong quá trình sản xuất cũng như khâu quản lý lỏng lẻo.
PGS.TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam thừa nhận: Ngành TPCN Việt Nam đang tồn tại quá nhiều bất cập, sản xuất TPCN bị thả nổi, mất kiểm soát. Điều kiện lưu hành TPCN ở Việt Nam quá dễ do chưa quy định cụ thể những thành phần được phép có trong TPCN, vì vậy xuất hiện TPCN chứa cả chất cấm. Bên cạnh đó, tình trạng TPCN xách tay, lậu tràn lan lưu hành, không bảo đảm an toàn… gây thiệt hại cho người tiêu dùng. “Thậm chí, điều kiện đủ để đăng ký sản xuất TPCN của Việt Nam quá dễ, tương tự các cơ sở sản xuất thực phẩm bình thường. Chính vì vậy, sản phẩm tung ra thị trường chưa đạt chất lượng, bát nháo, khó kiểm soát”, ông Đáng nhấn mạnh!
TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cho biết: "Chúng tôi đã đóng cửa rất nhiều các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng vi phạm những quy định về ATTP". Những vi phạm chủ yếu là do hàm lượng không đúng như công bố, vi khuẩn, nấm, độ ẩm…. Có những cơ sở chỉ có mỗi văn phòng, không có nhà máy nhưng cũng công bố sản phẩm và đưa sản phẩm ra thị trường. Có trường hợp khi đoàn kiểm tra của Cục ATTP đến lại không thấy văn phòng đâu vì họ đã chuyển văn phòng sang địa chỉ khác mà không báo cáo. Vì vậy Cục đã phải rút giấy phép kinh doanh” - TS Nguyễn Thanh Phong khẳng định!
Thẳng tay loại bỏ cơ sở sản xuất không đạt chuẩn
Thực tế, TPCN là một lĩnh vực hiện rất nóng và phải quản lý chặt hơn, theo TS Nguyễn Thanh Phong, cần có các quy định quản lý chặt chẽ về tiêu chuẩn chất lượng, khuyến khích áp dụng được tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nếu không, nhiều sản phẩm được sản xuất trong nước nhưng chất lượng không tốt thì chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà.
Theo đó, các cơ sở sản xuất TPCN phải đạt tiêu chuẩn GMP mới được chứng nhận tiêu chuẩn. Tuy nhiên, TS Nguyễn Thanh Phong cũng thừa nhận, nếu áp dụng GMP, nhiều DN không đủ điều kiện sẽ phải bỏ cuộc chơi. Ước tính, 50% DN hiện nay sẽ không đủ điều kiện theo chuẩn GMP, nếu không thay đổi, đầu tư cả về nhân lực, nhà xưởng, điều kiện sản xuất sẽ buộc phải đóng cửa.
PGS.TS Trần Đáng cũng khẳng định, áp dụng GMP TPCN sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, trong đó lợi ích lớn nhất là khẳng định chất lượng và tạo dựng niềm tin, thương hiệu trong lòng người tiêu dùng.
TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP: Áp dụng GMP đối với TPCN sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho DN và bảo vệ người tiêu dùng |
GS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - chuyên gia cao cấp về dược học - cho rằng, kinh nghiệm từ triển khai và phát triển GMP từ ngành dược nước ta trước đây cho thấy, muốn đạt và phát triển nhà máy GMP thì quan trọng nhất là hệ thống quản lý, liên quan đến con người, chứ không phải chỉ là đầu tư xây dựng lại nhà xưởng to đẹp sẽ được công nhận GMP. “Quá trình phát triển GMP là quá trình không bao giờ kết thúc mà sẽ phát triển không ngừng để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng uy tín của doanh nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng. Đây không phải là cơ quan quản lý làm khó doanh nghiệp mà là đặt ra để bảo vệ người tiêu dùng”, GS.TS Lê Văn Truyền nói.
Còn theo TS Nguyễn Thanh Phong, quan điểm của Cục ATTP là việc áp dụng GMP không được quá đột ngột. Hiện có nhiều doanh nghiệp TPCN chưa đáp ứng nhanh được GMP nên Cục sẽ nghiên cứu lộ trình để không bóp nghẹt doanh nghiệp mà phải hướng đến việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển đổi sang việc áp dụng GMP. Trên cơ sở đó, thời hạn bắt buộc áp dụng GMP TPCN có thể muộn hơn 1 chút bởi theo khuyến nghị của ASEAN thì chỉ bắt buộc từ năm 2021. Với điều kiện của Việt Nam, chúng ta có thể áp dụng sớm hơn nhưng còn phải tính toán đến điều kiện cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo lộ trình, sau khi xin ý kiến các bộ, ban, ngành, DN và địa phương, việc áp dụng tiêu chuẩn GMP sẽ bắt đầu thực hiện từ tháng 6/2017. |