Đưa sản phẩm hữu cơ đến với người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh
Trong những năm gần đây, xu hướng sử dụng sản phẩm hữu cơ có nguồn gốc thuần tự nhiên, ngày càng được người người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn, tuy nhiên họ vẫn khó tiếp cận sản phẩm thực phẩm hữu cơ.
Doanh nghiệp chia sẻ quy trình sản xuất rau, củ quả Organic với người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh |
Sự kiện Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC) – dự án Chuẩn hội nhập – Công ty BSAS và Công ty cổ phần Vinamit vừa khai trương không gian “Organic Town – Gis Market”, đã mở ra cơ hội cho sản phẩm hữu cơ tiếp cận người tiêu dùng, đồng thời góp phần thúc đẩy sản xuất sản phẩm hữu cơ.
Organic Town - Gis Market là một không gian trưng bày, mua bán nông sản, thực phẩm hữu cơ, hàng Việt Nam chất lượng cao. Đây còn là ngôi nhà chung của những sản phẩm xanh, sạch, an toàn, điểm hẹn của DN - doanh nông, chủ trang trại và người tiêu dùng thành thị.
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN HVNCLC -cho biết, gần đây nhu cầu của người tiêu dùng, nhất là ở đô thị về các sản phẩm Organic, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế tăng lên đáng kể. Với việc đưa không gian Organic Town – Gis Market, “phố” của những sản phẩm Organic đi vào hoạt động tại số 84 Nguyễn Du, quận 1, tạo ra điểm mua sắm tin cậy, giúp người tiêu dùng yên tâm khi có thêm nhiều sản phẩm tốt, tiêu chuẩn chất lượng.
“Đây là lần đầu tiên chúng tôi chọn những sản phẩm hữu cơ đạt chuẩn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời cũng khuyến khích các DN đã có chuẩn hoặc đang xuất khẩu qua những thị trường khó tính, tham gia để mở rộng không gian phục vụ cho người dân” - Bà Vũ Kim Hạnh nhấn mạnh.
Người tiêu dùng tìm hiểu sản phẩm hữu cơ tại không gian “Organic Town – Gis Market” vừa được khai trương tại TP. Hồ Chí Minh |
Như vậy, sau 4 năm Hội DN HVNCLC tổ chức Phiên chợ Xanh – Tử tế, với hơn 200 phiên chợ, thì không gian “Organic Town – Gis Market” ra đời có thể xem là phiên chợ dành riêng cho sản phẩm Organic và GIS. Chợ phiên sẽ hoạt động vào các ngày thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần, với sự tham gia của DN, đơn vị sản xuất đến từ nhiều vùng, miền trên cả nước.
Trong dịp ra mắt không gian “Organic Town – GIS Market” có sự tham gia của nhiều DN có thương hiệu như: Công ty Cổ phần Phát triển Nông nghiệp Hải Âu, Vinamit Organic, Gạo Trung An, Happy Vegi, Nông Lâm Food, Global Connection, Ashin, Sokfarm... giới thiệu, trưng bày các sản phẩm hữu cơ như gạo, cà phê, nông sản chế biến, nông sản sấy, nước mắm, rau củ, quả….
Ông Bùi Việt - đại diện Công ty Danny Green – cho biết, tham gia phiên chợ Organic phiên chợ lần này, công ty mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm nông sản, thực phẩm hữu cơ như bí hạt đậu, chuối sấy dẻo…. Đồng thời, thông qua chợ phiên nhằm quảng bá, giới thiệu rộng rãi một số sản phẩm của công ty đến người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh. Việt Nam đang là một nước có tỷ lệ dân số trẻ cao, thu nhập của người dân đang tăng lên từng ngày, đây là một trong những điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường thực phẩm hữu cơ.
Chị Nguyễn Thu Hà (quận 1, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, thực phẩm hữu cơ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, luôn được ưu tiên cho các bữa ăn thường ngày của gia đình. Theo chị, thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên, không sử dụng thuốc trừ sâu, chất kích thích tăng trưởng vừa đảm bảo được sức khỏe, lại có hương vị tự nhiên, ngon hơn hẳn, tuy có giá cao hơn thực phẩm bình thường nhưng vẫn được ưa chuộng.
Ghi nhận thực tế, trong những năm gần đây, các nông trại của Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi và tung ra thị trường ngày càng nhiều sản phẩm hữu cơ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Việt Nam đang là một nước có tỷ lệ dân số trẻ cao, thu nhập của người dân đang tăng lên từng ngày, đặc biệt là khu vực thành thị.
Để đưa sản phẩm hữu cơ đến gần hơn với người tiêu dùng, nhiều chuyên gia cho rằng các DN, hợp tác xã, nông trại cần mở rộng vùng sản xuất thực phẩm hữu cơ, cải tiến hơn về mẫu mã sản phẩm. Đồng thời nên kết hợp với các công ty công nghệ, sàn thương mại điện tử nhằm giảm các chi phí không cần thiết, giảm giá thành của sản phẩm, giúp thực phẩm hữu cơ có thể phù hợp với túi tiền của đại đa số người dân.