Thứ ba 05/11/2024 07:25

Đưa nông sản Bắc Kạn lên sàn thương mại điện tử

Với mục tiêu mở rộng thị trường ra ngoài tỉnh, đẩy mạnh quảng bá tiêu thụ sản phẩm, tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp triển khai xây dựng sàn thương mại điện tử (TMĐT) tạo điều kiện đưa sản phẩm OCOP của địa phương tiếp cận gần hơn với thị trường trong và ngoài nước.

Mở ra cơ hội mới

Những năm gần đây, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản trong tỉnh Bắc Kạn vẫn đang loay hoay tìm chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh việc củng cố chất lượng sản phẩm, phương thức quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, đưa nông sản đến tay người tiêu dùng cần được chú trọng, thay đổi theo sự phát triển của công nghệ. Trong đó, sàn TMĐT hiện đang là sự lựa chọn hợp lý cho việc phát triển và nâng tầm giá trị nông sản, từng bước cạnh tranh với nông sản ngoại nhập.

Công ty Cổ phần Nông sản Bắc Kạn có 15 sản phẩm chế biến từ củ nghệ nếp Bắc Kạn đã được cấp phép sản xuất, đang bán tại thị trường, ông Hà Văn Cường - Giám đốc công ty chia sẻ, nhờ có sàn TMĐT việc quảng bá sản phẩm đã thuận tiện hơn, việc đưa sản phẩm đến người tiêu dùng dễ dàng hơn, thay vì trước đây bán hàng trên Facebook. “Sàn TMĐT không chỉ là cơ hội phát triển cho công ty mà còn cho tất cả các sản phẩm nông sản khác của tỉnh Bắc Kạn" - ông Hà Văn Cường khẳng định.

Sản phẩm hàng hóa của Bắc Kạn được bày bán trên sàn TMĐT tỉnh

Ngay từ thời điểm này, doanh nghiệp, khách hàng đã có thể bước đầu sử dụng các dịch vụ tại sàn giao dịch TMĐT Bắc Kạn tại địa chỉ backanmarket.vn. Trong 1 năm đầu, các giao dịch trên sàn sẽ được miễn phí hoàn toàn với mục tiêu giúp người dân, doanh nghiệp từng bước làm quen với ứng dụng mới. Có thể thấy, việc đưa sản phẩm lên sàn TMĐT là một trong những hướng đi mới, đúng đắn cho nông sản của địa phương. Đây cũng là giải pháp tạo liên kết trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, giảm bớt các khâu phân phối trung gian, giúp hạ giá thành sản phẩm. Cùng với đó, việc đẩy mạnh ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là thị trường trong nước đang ngày càng đòi hỏi khắt khe.

Ông Trần Ngọc Quang - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn - cho biết, việc tỉnh có sàn giao dịch TMĐT đã mở ra cơ hội cho các sản phẩm nông nghiệp vươn xa ra các thị trường trong nước và quốc tế. Các HTX có chuỗi sản xuất và chế biến sẽ có thị trường lớn, thuận lợi trong việc tìm kiếm đối tác. Sàn sẽ không giới hạn về quảng bá và hình ảnh của các sản phẩm, người bán hàng tự chủ động đưa sản phẩm và thương hiệu của mình lên sàn. Người mua và người bán sẽ tự giao dịch qua các lệnh, qua các đơn hàng, tiền cũng được thanh toán qua tài khoản, hạn chế thấp nhất dùng tiền mặt.

Tạo niềm tin cho người tiêu dùng

Tỉnh Bắc Kạn hiện có 131 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Trong đó có 13 sản phẩm đã đạt chứng nhận 4 sao. Việc triển khai sàn TMĐT sẽ góp phần quan trọng trong việc quảng bá và phân phối các sản phẩm, quản lý tốt thông tin dịch vụ và giúp khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Sàn TMĐT cũng sẽ cung cấp thông tin kết nối các hệ thống hỗ trợ thủ tục hành chính nhằm giúp các HTX và hộ kinh doanh nông nghiệp tiếp cận, khai thác hiệu quả của TMĐT.

Hiện nay, từ website TMĐT của tỉnh Bắc Kạn, người tiêu dùng có thể dễ dàng mua các sản phẩm nông nghiệp của địa phương bằng phương thức trực tuyến. Qua đây, mọi người cũng yên tâm hơn khi mua sản phẩm qua mạng, bởi các loại sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đã được các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

Đặc sản nổi tiếng của Bắc Kạn được giới thiệu tại Thủ đô

Bên cạnh đó, nhằm thực hiện Chương trình phát triển TMĐT quốc gia, Bắc Kạn cũng đã hỗ trợ 7 đơn vị xây dựng website bán hàng, tiếp thị sản phẩm và giao dịch mua bán trên phạm vi rộng hơn, hiệu quả hơn với chi phí tiết kiệm hơn. Hỗ trợ 6 đơn vị tham gia đề án xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu khách hàng nhằm nâng cao khả năng ứng dụng TMĐT và quản lý online đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh; xây dựng 01 website thông tin giao dịch điện tử ngành Công Thương để giới thiệu, quảng bá và hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh quảng bá, chào bán sản phẩm của tỉnh.

Ngoài ra, dự án “Trao quyền kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế thông qua áp dụng công nghệ 4.0 do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ đã hỗ trợ 45 hợp tác xã/doanh nghiệp/tổ nhóm được tập huấn kỹ thuật về kỹ năng tham gia các sàn TMĐT. Kết quả có 56 sản phẩm được đăng bán trên sàn giao dịch điện tử Shopee, Lazada...; 9 sản phẩm được ký kết tiêu thụ sản phẩm với Trung tâm thương mại Big C - Hà Nội. Nhờ những chương trình này, năng lực hiểu biết của các tổ chức về TMĐT từng bước được nâng lên hơn so với trước đây.

Theo đó, một số sản phẩm nông sản như: Miến dong, gạo Khẩu Nua lếch, gạo Bao thai, tinh bột nghệ, nano curcumin nghệ, bí xanh thơm... đã trở thành hàng hóa, tham gia vào hệ thống bán lẻ hiện đại ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... Bước đầu, tỉnh có sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan xuất khẩu sang châu Âu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) của tỉnh hiện chưa được đa dạng hóa; cách thức tiếp cận thị trường qua môi trường TMĐT và các nền tảng công nghệ số còn hạn chế; chưa tổ chức hoạt động XTTM tại nước ngoài; công tác XTTM gắn với du lịch còn hạn chế. Mặt khác, vẫn còn tồn tại một số sản phẩm hàng hóa chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường; nhiều sản phẩm chưa đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu nên gặp nhiều khó khăn trong công tác tiếp thị, quảng bá. Sản phẩm nông, lâm sản chủ yếu của địa phương chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường phân phối hiện đại và xuất khẩu…

Đồng thời, những tác động của đại dịch Covid-19 đã cho thấy rõ sự thay đổi về hành vi tiêu dùng của người dân và hình thức mua sắm trực tuyến cùng dịch vụ giao hàng và bán lẻ đa kênh lên ngôi. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp của địa phương cần nắm bắt cơ hội, chuyển đổi kịp thời, để giữ vững mở rộng thị trường, tiếp cận được nhiều người tiêu dùng hơn. Từ đó, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm làng nghề truyền thống và các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Kạn.

Hiện, các sản phẩm hàng hóa của địa phương đã được bày bán trên sàn TMĐT tỉnh Bắc Kạn (backanmarket.vn). Đây là kênh quảng bá, mua bán hàng hóa sản phẩm dịch vụ trực tuyến do UBND tỉnh xây dựng, phát triển nhằm giúp khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, cung cấp thông tin kết nối các hệ thống hỗ trợ thủ tục hành chính về thuế quan, hải quan, vận tải…

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Trang Anh

Tin cùng chuyên mục

Hoàn thiện hệ thống pháp lý, thiết lập môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp khí

Xuất nhập khẩu tiếp tục khởi sắc, cán cân thương mại được cải thiện

Nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia

Thương mại biên giới: Bước chuyển tích cực

Đủ điện cho phục hồi kinh tế năm 2022

Lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế, doanh nghiệp Hoa Kỳ mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Doanh nghiệp đảm bảo vừa chống dịch vừa sản xuất an toàn

Xuất khẩu gạo: Kỳ vọng nào cho cuối năm?

Đảm bảo lợi ích ngành mía đường trong nước

Tưng bừng các hoạt động “Hà Nội đêm không ngủ - Hanoi Midnightsale”

Ứng phó hiệu quả, đảm bảo xuất khẩu bền vững

Gỡ “nút thắt” thúc đẩy năng lượng tái tạo

Hội nghị Kết nối cung cầu Đà Nẵng 2021: Kết nối khôi phục kinh tế hậu Covid-19

Khởi động ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday lớn nhất năm

Xây dựng luật phát triển công nghiệp: Không nhanh sẽ lỡ nhịp

Quyết định tổ chức “Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2021”

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Địa phương giữ vai trò quan trọng

Hơn 100 gian hàng tham gia tại Tuần hàng Việt huyện Ba Vì 2021

Tăng tốc các hoạt động xúc tiến thương mại dịp cuối năm

Từ câu chuyện vận chuyển vải thiều đến logistics cho nông sản