Dừa khô tăng giá mạnh do khan hàng, sức tiêu thụ tăng
Trước sự biến động theo hướng tăng mạnh của giá dừa khô trong những ngày qua, nhà vườn trồng dừa phấn khởi nhưng thực tế thu nhập của nhà vườn không tăng nhiều bởi dừa khô thời điểm này rất ít.
Ông Nguyễn Văn Mười, nông dân trồng dừa ở xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết, hơn 1 tháng qua các thương lái lùng sục các vườn dừa trong vùng tranh nhau mua dừa khô của nông dân với mức giá tăng cao từng ngày. Hiện nay, dừa khô tại vườn được các thương lái thu mua với giá khoảng 80.000 - 105.000 đồng/chục (mỗi chục 12 trái), tăng từ 30.000-50.000 đồng/chục so với thời điểm cuối tháng 6/2016, và đây là mức giá dừa khô cao nhất từ đầu năm đến nay. Để bán dừa khô, nông dân không cần hái dừa mà chỉ cần thỏa thuận giá, giám sát việc hái dừa và tính tiền sau khi đã hái dừa xong.
Nhà vườn trồng dừa phấn khởi do giá dừa khô cao nhưng thực tế thu nhập của nhà vườn không tăng nhiều bởi dừa khô thời điểm này rất ít |
“Tháng rồi, vườn dừa 5.000m2 của tôi thu hoạch được 3 trăm dừa khô (360 trái) với giá bán 85.000 - 100.000 đồng/chục (tùy dừa nhỏ hay lớn) thu được hơn 3 triệu đồng. Hiện nay, đang bước vào cao điểm mùa mưa nên lượng dừa khô rất ít (ít nhất 6 tháng kể từ khi dừa ra hoa mới khô) do đó tháng tới vườn dừa của tôi dự kiến chỉ cho thu hoạch không tới 01 trăm dừa khô. Đối với nhiều nông dân trồng dừa lân cận thì sản lượng dừa khô còn ít hơn, thậm chí có vườn dừa tháng này đã không còn dừa khô để bán do đã thu hoạch triệt để dừa từ những tháng trước”, ông Mười cho biết.
Bà Lê Thị Thu, thương lái thu mua dừa ở thị trấn Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết, nguyên nhân giá dừa tăng là do dừa đang ở thời kỳ nghịch mùa, các vườn dừa đều bị “treo,” sản lượng trái rất ít, trong khi đó nhu cầu thu gom dừa khô nguyên liệu xuất khẩu sang Trung Quốc đang tăng cao. Hơn nữa, do giá dừa có lúc xuống quá thấp lại kéo dài, nhiều nhà vườn hạn chế đầu tư thâm canh cây dừa nên sản lượng dừa giảm mạnh. Ngoài ra, nhà vườn trồng dừa ở một số tỉnh lân cận phá bỏ diện tích dừa để trồng cây khác trong những thời điểm giá dừa nằm ở mức thấp, dẫn đến diện tích dừa bị thu hẹp, sản lượng giảm.
Theo bà Thu, tuy giá dừa hiện thời điểm này cao nhưng rất khó tìm mua dừa do nguồn cung ít. Dừa khô loại lớn được thu gom để cung cấp lại cho các thương lái gom dừa khô xuất sang Trung Quốc, còn dừa nhỏ được bán lại cho các doanh nghiệp sản xuất cơm dừa khô, kẹo dừa ở tỉnh Bến Tre hoặc cung cấp cho các tiểu thương bán ở chợ. Do dừa đang có giá cao nên người dân trồng dừa đang thu hoạch triệt để vườn dừa để bán kiếm thêm thu nhập. Việc khai thác quá mức làm cây dừa kiệt quệ, thêm vào đó phần diện tích dừa bị nhiễm mặn trong năm 2016 đến năm 2017 sẽ bị “treo đọt” khiến sản lượng dừa có thể giảm nghiêm trọng vào đầu năm 2017.
Theo Sở NN&PTNT Tiền Giang, diện tích trồng dừa chuyên canh của tỉnh hiện nay khoảng 15.000ha (tập trung ở các huyện nằm trong vùng nhiễm mặn ven biển: Gò Công Đông, Gò Công Tây, Chợ Gạo, Tân Phú Đông...), hàng năm cung cấp cho thị trường khoảng 100.000 tấn dừa. Nhằm tạo thêm nguồn hàng hóa cung ứng cho thị trường và giúp nông dân tăng thêm thu nhập, thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh đã tăng cường công tác chuyển giao kỹ thuật thâm canh cho bà nông dân trồng dừa trên địa bàn tỉnh.