Dự thảo Nghị định về quản lý dịch vụ Internet: Sẽ điều chỉnh điểm chưa phù hợp
Doanh nghiệp kêu “khó”
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung tới 86% nội dung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP. Do vậy, quy mô nội dung Dự thảo Nghị định là rất lớn, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 10/2023.
Tại Hội thảo Góp ý Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2913/NĐ- CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức gần đây, nhiều doanh nghiệp phản ánh một số quy định rất khó thực hiện.
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đang được lấy ý kiến đóng góp |
Với quy định khoá tài khoản mạng xã hội trong Dự thảo Nghị định, ông Nguyễn Quang Đồng- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông băn khoăn, quy trình thực hiện sẽ ra sao? Bởi tài khoản mạng xã hội là tài sản của người dân và doanh nghiệp. Khi bị báo cáo vi phạm và khoá tài khoản chỉ bằng thủ tục hành chính liệu có đảm bảo cơ sở pháp lý để dừng quyền sử dụng tài sản.
Do vậy, ông Nguyễn Quang Đồng cho rằng, chỉ nên tạm dừng quyền sử dụng, không thể khoá tài khoản. Trường hợp khoá tài khoản cần có cơ chế pháp lý mạnh mẽ hơn.
Ông Nguyễn Xuân Cường- Đại diện Hội thể thao điện tử giải trí Việt Nam, cho hay, Dự thảo Nghị định mong muốn đi sâu vào từng lĩnh vực, tuy nhiên có một số nội dung quy định quá chi tiết và vụn vặt, như quy định gỡ game bài giải trí.
Mặt khác, trò chơi điện tử là lĩnh vực thể thao mới tại Việt Nam, Dự thảo Nghị định có quy định về địa điểm chơi phải đóng cửa từ 10h đêm hôm trước tới 8h sáng hôm sau. Quy định này chưa sát thực tế, bởi các trung tâm du lịch kéo dài thời gian mở cửa các điểm vui chơi, trong đó có trò chơi điện tử, quy định này sẽ ảnh hưởng tới họ. Chưa kể, trong thể thao điện tử hình thành các câu lạc bộ chuyên nghiệp, giờ có điểm khác biệt nếu có quy định cứng về thời gian sẽ đẩy họ vào tình trạng vi phạm pháp luật.
Phản ứng với quy định yêu cầu thành viên tham gia mạng xã hội phải xác thực bằng số điện thoại Việt Nam, ông Phạm Thành Lê - Cộng đồng oto Fun Việt Nam, cho rằng bất cập. Nguyên do, có những thành viên của oto Fun là người Việt Nam nhưng chuyển ra nước ngoài sinh sống, hoặc người nước ngoài muốn làm thành viên thì không thể có số điện thoại của Việt Nam để xác thực, buộc không được hoạt động trong cộng đồng nữa.
Mặt khác, Dự thảo Nghị định yêu cầu mạng xã hội kiểm soát người dùng dưới 13 tuổi sử dụng mạng xã hội không quá 120 phút mỗi ngày, điều này rất khó và về mặt công nghệ không làm được. Tương tự, quy định mạng xã hội kiểm soát không cho phép người dùng đưa bài dưới dạng báo chí lên mạng xã hội cũng là vấn đề cực kỳ khó.
Tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội cũng nêu ra những điểm bất cập khác trong Dự thảo Nghị định như: Quy định thu thập thông tin cá nhân và định danh người dùng; quy định xác nhận game được cấp phép hay chưa khi tải lên kho ứng dụng; yêu cầu báo cáo định kỳ hàng năm; doanh nghiệp kiểm tra và loại bỏ thông tin vi phạm; cung cấp công cụ rà quyét nội dung riêng…
Sẽ tiếp thu, nghiên cứu sửa đổi quy định cho phù hợp
Trước phản ánh của doanh nghiệp, hiệp hội về những điểm bất cập trong Dự thảo Nghị định, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền- Bộ Thông tin và Truyền thông làm rõ: Dự thảo Nghị định không điều chỉnh cụ thể với các dịch vụ chuyên ngành, như phát thanh truyền hình, thương mại điện tử…, đồng thời có điều khoản chỉ rõ, với các dịch vụ khác tuân thủ theo pháp luật chuyên ngành. Dự thảo Nghị định chỉ điều chỉnh nội dung thông tin nói chung trên môi trường mạng.
Liên quan đến thu thập thông tin cá nhân, định danh người dùng (số điện thoại), bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cho rằng, các nhà cung cấp dịch vụ hiện nay đều yêu cầu cung cấp và lưu trữ thông tin cá nhân. Ngoài thông tin về tên, ngày tháng năm sinh, Dự thảo Nghị định chỉ yêu cầu cung cấp thêm số điện thoại, quy định này không mới mà đã được quy định trong Nghị định 72. Những thông tin cá nhân này phục vụ cho công tác kiểm tra khi có phát sinh liên quan đến lợi ích người dùng, xử lý các vụ việc lừa đảo…
Về phản ánh đưa nội dung lên kho ứng dụng phải xác định giấy phép. Trong trường hợp các nghị định khác, bộ ngành khác có quy định cụ thể và chỉ cho phép doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam cung cấp dịch vụ này thì bộ ngành đó có thể đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp thực hiện quản lý.
Quy định yêu cầu mạng xã hội kiểm soát nội dung đưa lên, thực tế, nhiều doanh nghiệp có bộ lọc tiền kiểm các nội dung vi phạm pháp luật và bộ phận quản lý bằng nhân sự để hậu kiểm. Là đơn vị trung gian nhưng mạng xã hội có trách nhiệm kiểm soát nội dung cung cấp.
Trước băn khoăn của doanh nghiệp về việc cung cấp công cụ rà soát nội dung vi phạm, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, không yêu cầu cung cấp công cụ rà quyét riêng. Khi cơ quan quản lý quyét nội dung có vấp phải trở ngại do các thuật toán của một số mạng xã hội, trong trường hợp cụ thể Bộ sẽ có văn bản yêu cầu phối hợp.
Về việc xác thực tham gia mạng xã hội bằng số điện thoại di động của Việt Nam với người nước ngoài, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, sẽ cân nhắc để xử lý cho phù hợp.