Dự thảo Luật Hoá chất (sửa đổi): Nhiều nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện
Dự thảo Luật Hoá chất (sửa đổi) có tính kế thừa cao
Phát biểu tại cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Luật Hoá chất (sửa đổi) do Cục Hoá chất (Bộ Công Thương) tổ chức vào ngày 7/3/2024, bà Nguyễn Thanh Loan – Trưởng phòng Phát triển công nghiệp hoá chất – Cục Hoá chất cho biết: Dự thảo Luật Hoá chất (sửa đổi) bao gồm 11 chương và 96 điều, trong khi đó, Luật Hoá chất năm 2007 có 10 chương và 71 điều.
Về sự cần thiết sửa đổi Luật Hoá chất 2007, ông Phùng Mạnh Ngọc – Cục trưởng Cục Hoá chấtcho rằng: Luật Hóa chất được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007, sự ra đời của Luật Hóa chất là dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng, tạo lập một hành lang pháp lý chính thức và thống nhất cho các hoạt động hóa chất trên cả nước.
Tuy nhiên, so với thời điểm ban hành Luật Hóa chất, hệ thống pháp luật hiện nay đã có nhiều thay đổi, nhiều luật mới được ban hành hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, từ năm 2008 đến nay, Việt Nam đã ký kết gia nhập nhiều Hiệp định Thương mại tự do, tham gia thêm vào một số công ước, điều ước quốc tế mới về quản lý hóa chất. Cùng với quá trình thực thi dài, một số quy định trong Luật Hóa chất đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc, không còn phù hợp với tình hình thực tế, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.
Tại cuộc họp, các đại biểu đại diện cho các bộ, ngành cũng thống nhất sự cần thiết của việc xây dựng Dự thảo Luật Hoá chất (sửa đổi) cho phù hợp với thực tiễn và nhu cầu phát triển hiện nay, đồng thời mở ra những cơ hội mới cho ngành hoá chất phát triển. Bên cạnh đó đánh giá cao sự nỗ lực của Ban soạn thảo trong việc xây dựng dự án luật, các nội dung trong dự thảo không chỉ có những điểm mới, phù hợp với thực tiễn mà còn phát huy, kế thừa được những mặt tích cực của Luật Hoá chất năm 2007.
Cụ thể, ông Hồ Hồng Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn toàn nhất trí với nội dung về chính sách của Dự thảo Luật Hoá chất (sửa đổi), đồng thời đánh giá cao sự chuẩn bị của tổ biên tập thông qua các nội dung thể hiện trong dự thảo.
Cũng đánh giá cao về những nội dung dự thảo, nhưng đại diện Vụ Pháp chế - Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch đề xuất nên rà soát, sắp xếp lại lại một số nội dung, cùng với đó đẩy nhanh việc đưa dự thảo lên Cổng thông tin điện tử để kịp tiến độ trình Chính phủ vào tháng 6/2024.
Ông Nguyễn Minh Thuận – Vụ Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thống nhất với nội dung sự cần thiết của việc xây dựng Luật Hoá chất (sửa đổi). Đồng thời góp ý cần làm rõ một số điều khoản, nhằm tránh chồng chéo với Luật Tài nguyên và Môi trường. Cụ thể, tại khoản 2, Điều 62 có nội dung “Chính phủ ban hành danh mục sản phẩm chứa hoá chất nguy hiểm cần quản lý chưa có quy chuẩn kỹ thuật”. Liên quan đến vấn đề này ông Nguyễn Minh Thuận đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ đối tượng quản lý, đồng thời xem xét lại tính khả thi việc ban hành hoá chất nguy hiểm.
Đại biểu góp ý xây dựng Dự thảo Luật Hoá chất (sửa đổi) |
Góp ý cho Dự thảo Luật Hoá chất (sửa đổi) dưới góc độ doanh nghiệp, ông Cao Chí Kiên – Phó trưởng Ban Công nghệ - An toàn và Môi trường - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhận định, dự thảo có tính chất mới, thể hiện sự công phu và đã kế kế thừa được những điều khoản của Luật Hoá chất 2007. Tuy nhiên, dưới góc độ doanh nghiệp, ông Cao Chí Kiên đưa ra góp ý với quy định “Quản lý hoá chất trong vòng đời”.
Theo ông Cao Chí Kiên, với quy định “Quản lý hoá chất trong vòng đời”, dự thảo có hẳn một chương với nhiều điều khoản, nhưng mục giải thích từ ngữ không có khái niệm thế nào là quản lý vòng đời. Từ phân tích trên, ông Kiên góp ý nên có giải thích về “Quản lý hoá chất trong vòng đời”. Bên cạnh đó, nội dung này cũng xuất hiện nhiều thủ tục hành chính hơn, nên đề nghị Ban soạn thảo so sánh với Luật Hoá chất cũ, xem có phát sinh như thế nào và nếu phát sinh thì ảnh hưởng gì đến doanh nghiệp không?
Tiếp thu ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo
Sau khi nghe các ý kiến góp ý cho dự thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của bộ phận thường trực để xây dựng được dự thảo đầu tiên. Tuy nhiên, dự thảo luật và dự thảo Tờ trình còn nhiều nội dung cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. Trên cơ sở đó, Thứ trưởng đề nghị Cục Hóa chất phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến để chỉnh lý dự thảo.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Luật Hoá chất (sửa đổi) vào ngày 7/3 |
Trong đó, cần tập trung một số vấn như: Rà soát, bảo đảm các chính sách, giải pháp thực hiện chính sách, quy định của dự thảo Luật thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng; đồng bộ, thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan như: Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật An toàn, vệ sinh lao động và các luật khác có liên quan; đảm bảo phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trường hợp thực sự cần thiết ban hành các quy định khác với luật hiện hành, đề nghị thuyết minh chi tiết và có đề xuất cụ thể.
Đặc biệt, các quy định quản lý hóa chất cần đảm bảo tính hội nhập, phù hợp với xu thế quản lý hóa chất thế giới; tuân thủ các quy luật cạnh tranh, cung cầu của thị trường và phù hợp với thực tiễn hoạt động hóa chất cũng như năng lực quản lý của Việt Nam. Cùng với đó, Ban soạn thảo cần rà soát các nội dung phân công trách nhiệm đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành; tăng cường phân cấp, phân quyền quản lý cho chính quyền địa phương.
Liên quan đến thủ tục hành chính, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, dự thảo cần thiết kế hệ thống thủ tục hành chính theo hướng đồng bộ, đơn giản hóa nhưng vẫn đảm bảo hiệu lực quản lý; đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm và đơn giản hoá điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, trong trường hợp cần thiết quy định thủ tục hành chính mới, cần làm rõ sự cần thiết và đánh giá tác động đầy đủ đổi với thủ tục.