Thứ ba 26/11/2024 12:28

Du lịch Quảng Bình dưới góc nhìn của đơn vị lữ hành: Tăng dịch vụ trải nghiệm để kéo dài thời gian lưu trú

Các đơn vị lữ hành là “cầu nối” đưa du khách đến du lịch Quảng Bình. Sau 2 năm dịch Covid-19, du lịch Quảng Bình cần làm gì để có điều kiện phục hồi khách tốt nhất, “níu chân” du khách khi đến với tỉnh, Báo Công Thương đã có cuộc phỏng vấn với ông Trương Quốc Hùng - Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội về vấn đề này.

Ở góc nhìn của một đơn vị lữ hành, theo ông, du lịch Quảng Bình có những thế mạnh nào?

Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội với hơn 1.000 thành viên khai thác nhiều tour tuyến, gói dịch vụ du lịch trong cả nước. Trong đó, tại tỉnh Quảng Bình, chúng tôi khai thác mạnh nhất là tour du lịch biển, du lịch hang động vào mùa hè; du lịch tâm linh, khám phá hang động vào các mùa khác. Ngoài ra còn có một số mô hình trải nghiệm, du lịch khám phá khác.

Quảng Bình có lợi thế nổi bật về du lịch trải nghiệm, khám phá thiên nhiên với hệ thống hang động tuyệt đẹp

Sở hữu nhiều lợi thế thiên nhiên, du lịch Quảng Bình đang được biết đến là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn để trải nghiệm, khám phá thiên nhiên.

Các đoàn khách du lịch do chúng tôi khai thác dẫn tour đến Quảng Bình đều cho phản hồi rất tích cực về điểm đến này. Trong đó, bao gồm cơ sở vật chất (lưu trú) rất tốt, nhiều khách sạn có view biển nhưng giá rất hợp lý; ẩm thực phong phú với giá bình dân.

Đặc biệt hệ thống hang động tuyệt đẹp được du khách đánh giá rất cao. Các dịch vụ phục vụ cho hệ thống hang động được đầu tư, thực hiện bài bản từ thuyết minh đến đường đi lối lại.

Sự phát triển mạnh mẽ của du lịch Quảng Bình trong thời gian qua (trước dịch Covid – 19) đã khẳng định sức hút của điểm đến này trong lòng du khách trong nước và quốc tế. Hệ thống hang động tại Quảng Bình cũng đã được các tạp chí du lịch uy tín trên thế giới khẳng định như CNN Traveller (Anh) bình chọn hang Sơn Đoòng là một trong 7 kỳ quan thế giới năm 2022, tạp chí Afar (Mỹ) bình chọn Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là 1 trong 39 điểm đến của năm 2022…

Vậy du lịch Quảng Bình còn những “khoảng trống” nào cần bổ sung, hoàn thiện, thưa ông?

Bên cạnh sự phát triển đó, du lịch Quảng Bình vẫn còn một số “khoảng trống” nhỏ cần được khắc phục và “lấp đầy” đó là còn thiếu những mô hình trải nghiệm đi kèm (đã có nhưng chưa nhiều và còn rất thiếu). Trên thực tế, khách du lịch đến Quảng Bình chưa ở được lâu, chỉ trung bình 2 đêm. Vì vậy, để du lịch phát triển và kéo dài thời gian lưu trú của du khách thì các mô hình trải nghiệm đi kèm cần được đầu tư và phát triển thêm.

Quảng Bình cần tăng thêm các mô hình trải nghiệm, mô hình giải trí về đêm, tăng các chương trình lễ hội để kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Ảnh: Hoàng An

Biển và hang động là tự nhiên, nhưng mô hình trải nghiệm đi kèm thì có thể đầu tư ở bất kì vị trí nào đều được. Có thể chia nhỏ cho nhiều nhà đầu tư khai thác để tăng dòng vốn đầu tư vào tỉnh. Các dự án này lại có thể đưa vào sử dụng ngay, đáp ứng được nhu cầu của nhiều dòng khách khác nhau.

Việc đầu tư các mô hình trải nghiệm có thể chia phân khúc trải nghiệm dành cho người lớn và trải nghiệm cho trẻ em. Nhất là chỗ chơi cho trẻ em ở Quảng Bình còn rất thiếu.

Các mô hình trải nghiệm có thể tham khảo như khôi phục làng nghề truyền thống, du lịch nông thôn (mô hình thực tế ruộng vườn, trang trại thực nghiệm…).

Các trải nghiệm gia tăng khác như cần tăng thêm các chương trình festival (lễ hội), có thể là mở rộng hoặc kéo dài thời gian. Các lễ hội này vừa giúp quảng bá văn hóa đặc trưng của Quảng Bình, vừa là sự kiện truyền thông để thu hút du khách.

Một “khoảng trống” dễ nhận thấy nữa tại Quảng Bình đó là thiếu vắng các dịch vụ vui chơi giải trí về đêm - nơi mà khiến du khách có thể “dốc hết” túi tiền trước khi kết thúc tour du lịch.

Sau 2 năm dịch Covid-19, du lịch Quảng Bình trở lại với mục tiêu đón 2 triệu lượt khách năm 2022, ông đánh giá thế nào về mục tiêu này và hoạt động xúc tiến du lịch cần phải làm gì để đạt hiệu quả nhất?

Như tôi đã khẳng định, Quảng Bình là điểm đến đang được du khách có thiện cảm, đánh giá rất tốt về môi trường du lịch. Bên cạnh đó, với tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát hiệu quả và tỷ lệ tiêm phủ vaccine ngày càng cao thì mục tiêu đón 2 triệu lượt khách du lịch trong năm 2022 của Quảng Bình theo tôi là không khó. Tất nhiên, chúng ta phải nói rõ mục tiêu này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan (thiên tai, dịch bệnh) và chủ quan.

Dịp lễ 30/4, 1/5 tới đây, Quảng Bình dự kiến sẽ đón trở lại các đoàn khách du lịch charter do CLB Lữ hành UNESCO khai thác

Ở góc độ chủ quan, ngành du lịch Quảng Bình hiện đang làm rất tốt công tác truyền thông, thực hiện nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch kết nối với nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Để đẩy mạnh công tác xúc tiến, Quảng Bình cần tiếp tục tăng tần suất truyền thông và xúc tiến du lịch sâu hơn. Như, xác định các nhóm khách chính; chọn trọng điểm các địa phương nơi có đường bay trực tiếp để thực hiện các chương trình “Ngày Quảng Bình” tại các địa phương đó, tần suất thực hiện các chương trình này cũng cần tăng thêm vì truyền thông du lịch cần nhắc đi nhắc lại để “mưa dầm thấm lâu”.

Về sản phẩm du lịch, tôi nhấn mạnh lại là Quảng Bình cần tăng thêm mô hình trải nghiệm, tổ chức các lễ hội có quy mô, có kế hoạch phát triển các mô hình giải trí về đêm để phục vụ nhu cầu gần nhất của khách.

Về phía CLB lữ hành UNESCO, chúng tôi vẫn luôn tích cực hỗ trợ Quảng Bình trong công tác quảng bá, giới thiệu điểm đến, dịch vụ; và liên tục đưa du khách đến với Quảng Bình. Thế mạnh của CLB là chúng tôi đưa khách đến Quảng Bình bằng tàu hỏa (thuê nguyên chuyến - chuyến tàu charter). Mỗi chuyến tàu này sẽ mang từ 350 - 400 du khách đến với Quảng Bình.

Sau một thời gian gián đoạn do dịch bệnh, dự kiến, dịp lễ 30/4, 01/5 chúng tôi sẽ khôi phục lại mô hình du lịch charter đưa du khách đến du lịch tại Quảng Bình, góp phần cùng ngành du lịch Quảng Bình phục hồi, đạt mục tiêu của năm 2022 và tăng trưởng trở lại trong những năm tới.

Xin cảm ơn ông!

Vũ Lê thực hiện
Bài viết cùng chủ đề: Du lịch

Tin cùng chuyên mục

Xúc tiến, liên kết phát triển du lịch Đà Nẵng - Lai Châu

TP. Hồ Chí Minh: Đón hơn 39,3 triệu lượt khách du lịch, thu gần 174.000 tỷ đồng

10 năm Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới-Bài 2: Cộng đồng 'hạt nhân' bảo tồn di sản

Sôi động các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Đồng bằng sông Cửu Long tại Quảng Ninh

10 năm Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới - Bài 1: Lực đẩy kinh tế Ninh Bình

Tàu biển tuyến Bắc Hải (Trung Quốc) - Hạ Long tiếp tục đưa 400 du khách đến với Quảng Ninh

Vĩnh Phúc: Du lịch âm nhạc 'hút' khách

Làng rau Trà Quế - Làng Du lịch tốt nhất thế giới năm 2024

Tiếp cận thị trường, thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam

Thêm đường bay thẳng từ Singapore: Phú Quốc ngày càng hấp dẫn với khách quốc tế và chuyên gia nước ngoài

Lai Châu: Sắp diễn ra Lễ hội PuTaLeng huyện Tam Đường “Về miền đỗ quyên”

Quảng Ninh và hành trình khôi phục du lịch 'thần tốc' dịp cuối năm

Thành phố Đà Lạt ‘chạy nước rút’ chỉnh trang đô thị, chào mừng Festival Hoa lần thứ X – năm 2024

Nhiều vấn đề cần cải thiện để ngành Du lịch tỉnh Khánh Hoà phát triển

Lào Cai: Sắp diễn ra Festival Bắc Hà 'Nghiêng say mùa Đông'

Ninh Bình lên kế hoạch đón khách du lịch dịp Tết Nguyên đán 2025

Hoàng Kim Group ra mắt mảng dịch vụ du lịch gia đình

Bay dù lượn: Cần được kiểm soát chặt, phòng tránh các rủi ro

Du khách nô nức ‘check-in’ thiên đường hoa dã quỳ ở núi lửa Chư Đang Ya, Gia Lai

Khai mạc Tuần lễ hoa dã quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024 ở Gia Lai