Những bước chuyển mạnh mẽ
Với diện tích 50 km2, bao gồm 50 đảo lớn, nhỏ, huyện đảo Cô Tô được biết đến là địa phương có hệ thống tài nguyên du lịch biển đảo đa dạng, phong phú và đặc sắc, giúp Cô Tô trở thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển đảo hấp dẫn, cao cấp của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung.
Từ những tiềm năng, thế mạnh trên, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ V, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định du lịch, dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng từ 40-45% cơ cấu kinh tế của huyện. Qua hơn một nửa nhiệm kỳ Đại hội, hiện nay ngành du lịch, dịch vụ đã đạt tỷ trọng 50,2% trong cơ cấu kinh tế của huyện, vượt chỉ tiêu Đại hội đề ra.
Với quyết tâm đẩy mạnh phát triển du lịch, huyện đã đầu tư toàn diện cho ngành du lịch, từ phát triển hạ tầng đến đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực phục vụ du lịch, ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trong du lịch. Nhờ đó, Cô Tô đã và đang trở thành một điểm đến thú vị đối với du khách.
Hiện, Cô Tô xác định mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, thu hút du khách trong nước và quốc tế, trong đó giải pháp trọng tâm là huy động sự tham gia của cộng đồng trong quảng bá, cung cấp các dịch vụ du lịch thân thiện, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Đến nay, trên địa bàn có 229 cơ sở lưu trú với 2.485 phòng nghỉ; 33 cơ sở ăn uống và 20 điểm giải trí. Trung bình mỗi ngày Cô Tô đón trên 800 lượt khách du lịch. Hiện có khoảng 26 tàu cao tốc tuyến Vân Đồn – Cô Tô, một ngày có thể chạy được 100 chuyến đưa-đón khách ra-vào đảo… Phát triển du lịch đã tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 1.500 lao động trực tiếp và khoảng 2.000 lao động gián tiếp, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương và tăng thu ngân sách.
Trong năm 2018, Cô Tô sẽ hoàn thiện quy hoạch phố đi bộ gắn với phố ẩm thực, đặt tên các con đường, tuyến phố trên địa bàn; quy hoạch lại chỗ kinh doanh du lịch, hình thành một làng du lịch, tạo điều kiện cho người dân làm du lịch homestay.
Được biết, Cô Tô vừa chính thức triển khai hỗ trợ thông tin miễn phí qua tin nhắn điện thoại về các nội dung: Thời tiết, đường dây nóng du lịch, tình hình phát triển kinh tế-xã hội, chủ trương, chính sách, pháp luật... gửi đến người dân, hộ kinh doanh du lịch trên địa bàn và du khách khi đến với Cô Tô, góp phần xây dựng hình ảnh một điểm đến thân thiện và mến khách.
Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường biển đảo
Theo lãnh đạo UBND huyện Cô Tô, để phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường (BVMT), trong Đề án Phát triển du lịch Cô Tô bền vững, giai đoạn 2016 - 2020 đã đưa ra các giải pháp phát triển mà mấu chốt là giải quyết hài hòa, đảm bảo các yếu tố người dân được hưởng lợi từ du lịch - nhà nước thu được thuế từ dịch vụ du lịch để tái tạo đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật, bảo vệ tài nguyên du lịch, vệ sinh môi trường.
Điểm sáng của du lịch Cô Tô chính là việc chú trọng tăng doanh thu từ du lịch chứ không tăng số lượng du khách. Từ quan điểm đó, huyện đã có nhiều cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân mở rộng kinh doanh du lịch, đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động người dân và du khách chung tay BVMT, đặc biệt chú trọng tới đảm bảo vệ sinh môi trường, nhất là tại các bãi biển.
Huyện cũng chủ trương huy động sự vào cuộc của nhiều đơn vị, tổ chức hội, đoàn thể trong BVMT, trong đó phải kể đến sự tham gia tích cực của đoàn thanh niên và hội liên hiệp phụ nữ huyện. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, nhất là những người kinh doanh dịch vụ du lịch về BVMT như một giải pháp sống còn để phát triển du lịch bền vững.
Đặc biệt, bên cạnh Đề án Phát triển du lịch Cô Tô bền vững, giai đoạn 2016 – 2020, huyện cũng thực hiện các đề án về môi trường, như: Đề án Hạn chế, thay thế sử dụng túi nilon truyền thống và Đề án Phân loại rác thải tại nguồn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân và khách du lịch đối với việc BVMT; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm làm ảnh hưởng đến tài nguyên du lịch và môi trường…
Huyện Cô Tô đã xây dựng Đề án Phát triển du lịch Cô Tô bền vững, giai đoạn 2016 - 2020 để đưa ra các giải pháp phát triển du lịch bền vững mà mấu chốt là giải quyết hài hòa, đảm bảo người dân được hưởng lợi từ du lịch, nhà nước thu được thuế từ dịch vụ du lịch để tái đầu tư phát triển du lịch và BVMT biển đảo. |