Thứ hai 23/12/2024 20:56

Dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng kinh tế số mạnh trong khu vực Đông Nam Á

Ước tính kinh tế số của Việt Nam đạt 23 tỷ USD trong năm 2022 và cao thứ 3 trong khu vực, sau Indonesia đạt 77 tỷ USD và Thái Lan 33 tỷ USD.

Kinh tế số của Việt Nam có thể đạt 49 tỷ USD vào năm 2025

Hòa cùng xu thế phát triển của các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xem đây là bước “bứt phá” trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học - công nghệ, xem đây là tiền đề, động lực quan trọng để chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

Cụ thể, Nghị quyết số 52/NQ/TW, ngày 27/9/2019, của Bộ Chính trị“Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đã xác định: Phát triển kinh tế số là trụ cột, nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia những năm tiếp theo và đề ra mục tiêu vào năm 2025 kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm 20% tổng sản phẩm quốc nội và tăng lên 30% vào năm 2030.

Phát triển kinh tế số là trụ cột, nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia

Trong năm 2022, các tổ chức đánh giá công nghệ quốc tế quốc tế liên tục có những nhận định tích cực về kinh số Việt Nam. Có thể kể đến như, tháng 10/2022, trong báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 7 với chủ đề “Vượt qua sóng cả, vươn mình ra biển cơ hội", Google, Temasek và Bain & Company nhấn mạnh mức tăng trưởng vượt bậc của nền kinh tế số Việt Nam.

Nền kinh tế số của Việt Nam được dự báo có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa (GMV) tăng 28% nhờ động lực tăng trưởng 26% của thương mại điện tử so với cùng kỳ năm 2021.

Phó Chủ tịch Google châu Á-Thái Bình Dương, phụ trách khu vực Đông Nam Á, Stephanie Davis chỉ ra, Việt Nam đứng đầu trong nhóm 6 nền kinh tế số hàng đầu Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng trong năm 2022, trong đó thương mại điện tử có tốc độ tăng cao nhất khu vực.

Tương tự, với tốc độ tăng trưởng 2 con số mỗi năm, Việt Nam cũng được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Còn theo Báo cáo “Digital 2022 global overview report” của We are social & Hootsuite, tỷ lệ người dùng internet mua sắm hàng tuần Việt Nam đứng thứ 11 trong số các quốc gia (58,2%), ngang bằng với mức trung bình toàn cầu, cao hơn Mỹ, Australia, Pháp, Nhật Bản, Đức.

Mới đây, Google, Temasek và Bain&Co (e-Conomy SEA 2022) ước tính kinh tế số của Việt Nam đạt 23 tỷ USD trong năm 2022 và cao thứ 3 trong khu vực, sau Indonesia đạt 77 tỷ USD và Thái Lan 33 tỷ USD.

Theo tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến thì Việt Nam xếp thứ 2 với 49%, chỉ đứng sau Singapore (53%), cao hơn Indonesia và Malaysia.

Báo cáo của 3 đối tác nói trên dự báo Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng kinh tế số mạnh trong khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn 2022-2025. Kinh tế số của Việt Nam có thể đạt 49 tỷ USD vào năm 2025 với mức tăng trưởng được dự báo ở mức trung bình 31%/năm cho giai đoạn 2022-2025.

Trợ lực từ chính sách

Thực tế cho thấy, nhân tố giúp kinh tế số Việt Nam tăng trưởng liên tục trên 30% trong những năm tới là thói quen mua sắm và ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối qua thương mại điện tử khi dịch Covid-19 bùng phát.

Tuy nhiên, có thể kể đến vai trò hết sức quan trọng từ chính sách quản lý về thương mại điện tử. Cụ thể, ngày 25/9/2021, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử.

Nghị định 85 có nhiều điểm mới, phù hợp với xu thế, và phù hợp với Hiệp định khung Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại không giấy tờ xuyên biên giới ở châu Á và Thái Bình Dương (CPTA) của Liên hợp quốc bắt đầu có hiệu lực từ tháng 2/2021.

Điểm nhấn là Nghị định số 85/2021/NĐ-CP đã bổ sung một số quy định mới nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như các chủ thể của hoạt động thương mại điện tử; tạo sự tin tưởng trong các giao dịch thương mại điện tử.

Ngoài ra, điểm mới trong Nghị định 85 cũng được chỉ ra như thương nhân cung cấp dịch vụ logistics được công nhận là chủ thể của hoạt động thương mại điện tử.

Cùng với đó, trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ logistics trong quá trình giao dịch qua sàn thương mại điện tử cũng được đề cập đến tại khoản 14 Điều 1.

Nghị định cũng làm rõ trách nhiệm cung cấp thông tin về hàng hoá, dịch vụ của người bán đối với hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website, để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu nhầm khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng.

Bên cạnh đó, tất cả các website thương mại điện tử phải công bố về chính sách kiểm hàng; chính sách hoàn trả, bao gồm thời hạn hoàn trả, phương thức trả hoặc đổi hàng đã mua, cách thức lấy lại tiền, chi phí cho việc hoàn trả này.

Nghị định cũng quy định rõ về hoạt động thương mại điện tử của thương nhân, tổ chức nước ngoài. Theo đó, thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam là thương nhân, tổ chức có một trong các hình thức hoạt động sau: Website thương mại điện tử dưới tên miền Việt Nam; Website thương mại điện tử có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt; Website thương mại điện tử có trên 100.000 lượt giao dịch từ Việt Nam trong một năm.

Ngọc Linh

Tin cùng chuyên mục

Thương mại điện tử: Khẳng định vai trò tiên phong trong nền kinh tế số

EU cấm BPA trong vật liệu tiếp xúc thực phẩm, đồ uống: Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ứng phó ra sao?

Phòng vệ thương mại triển khai đồng bộ, toàn diện: Tiền đề giúp khơi thông nguồn lực phát triển

Khơi thông thị trường ngoài nước: Chống lãng phí nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu

Thêm cơ hội cho hàng Việt ra nước ngoài qua ‘cánh cửa’ xuất khẩu online

Xuất nhập khẩu hàng hóa 2024 chính thức xác lập kỷ lục mới

Đà Nẵng: Ứng dụng thương mại điện tử, hướng đi mới cho tiểu thương chợ truyền thống

Để hàng Việt ‘bám rễ’ thị trường Hoa Kỳ

Thương mại điện tử: Đường dài không mấy dễ đi

Tính đến hết ngày 15/12, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 385,35 tỷ USD

Triển vọng xuất khẩu thủy sản năm 2025 sẽ rất khả quan

Xúc tiến quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Hà Nội tại Tiền Giang

Hàng loạt đề xuất giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo thế và lực đưa đất nước vươn mình

Xúc tiến xuất khẩu bài bản, hiệu quả, xuất nhập khẩu năm 2024 dự báo đạt kỷ lục

Gia Lai: Ngành Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại gắn với chuyển đổi số

Năm 2024, các thị trường đã đưa ra 1.029 thông báo về an toàn thực phẩm

Đà Nẵng: Tập huấn về Hệ thống quản trị thông tin và điều hành xúc tiến thương mại (Vietrade CRM)

Trung Đông nằm Top 2 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam có tăng trưởng mạnh nhất

Dự kiến năm 2025, trái chanh leo Việt Nam sẽ được cấp phép xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Tiêu chuẩn xanh của thị trường EU: Động lực hay áp lực với hàng Việt?