Dự báo giá xăng dầu, gas có thể tăng trong những tháng cuối năm
Tuy nhiên, nếu căng thẳng gia tăng trên thị trường, giá dầu Brent có thể về lại trên vùng 95 USD/thùng. Điều này sẽ khiến giá xăng dầu trong nước cuối năm được điều chỉnh tăng thêm.
PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình thị trường giá xăng dầu, giá gas trong tháng 10/2023?
Ông Nguyễn Đức Dũng: Tôi cho rằng tháng 10 vừa qua, thị trường năng lượng thế giới đã “nóng” theo cuộc xung đột tại Israel - Hamas.
Đầu tiên là thị trường dầu thô, hai tuần liên tiếp sau khi cuộc xung đột mới chỉ mang tính cục bộ, giá dầu đã đảo chiều đi lên. Tuy nhiên, sau khi tình hình được xoa dịu, các mức tăng hồi đầu tháng đã dần bị xóa bỏ. Kết thúc phiên ngày 31/10, giá dầu WTI về mức 81 USD/thùng và dầu Brent đạt 85 USD/thùng.
Hiện giá dầu WTI và Brent đã cắt đứt chuỗi tăng 4 tháng liên tiếp, sau khi giảm gần 9% trong tháng 10. Theo tôi, khác với cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đẩy giá dầu leo thang vào năm ngoái, cuộc giao tranh tại Trung Đông không liên quan trực tiếp đến các nước sản xuất dầu. Do đó, giá dầu “nóng” lên hồi đầu tháng 10 hoàn toàn là do yếu tố tâm lý.
Thứ hai là thị trường khí tự nhiên, việc Israel đóng cửa giàn sản xuất khí ngoài khơi Tamar trong bối cảnh căng thẳng leo thang cũng kéo giá khí tăng cao. Lý do là Tamar cung cấp khoảng một nửa sản lượng khí đốt nội địa của Israel và cũng là nguồn cung cấp khí đốt cho Ai Cập và Jordan.
Ông Nguyễn Đức Dũng |
Cho nên, ngay đầu tháng 10/2023, giá hợp đồng khí tự nhiên Mỹ trên Sàn Giao dịch hàng hoá New York đã tăng hơn 22% so với hồi tháng 9. Thêm vào rủi ro tăng giá, đường ống Baltic cấp khí đốt cho Phần Lan từ Estonia rò rỉ cũng ảnh hưởng tới nguồn cung khí đốt sang châu Âu. Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng tới 20% kể từ sau khi xung đột nổ ra ngày 7/10.
PV: Trước những lo ngại về cuộc xung đột Israel - Hamas tiếp tục leo thang sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung. Theo ông, đây có thể là nguyên nhân khiến giá các mặt hàng này có thể tăng cao trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Đức Dũng: Theo tôi, xung đột Israel - Hamas chỉ ảnh hưởng đến dòng chảy dầu thô và diễn biến giá leo thang khi cuộc chiến lan rộng và kéo thêm nhiều nước tham chiến, đặc biệt là Mỹ và Iran. Bất kỳ những động thái gia tăng trừng phạt nào từ Mỹ cũng có thể dẫn đến việc trả đũa của Iran nhằm gây ảnh hưởng lên hoạt động vận chuyển 20 triệu thùng dầu thô mỗi ngày thông qua eo biển Hormuz.
Tuy nhiên, những diễn biến giá dầu trong thời gian qua chưa cho thấy nguy cơ cuộc chiến sẽ lan rộng sang các quốc gia khác.
Ngược lại, thị trường khí đốt có thể sẽ “nhạy cảm” hơn, đặc biệt là khi nhu cầu tăng cao khi châu Âu bước vào mùa đông. Trong khi, các quốc gia khu vực này đã phải hạn chế tối đa việc nhập khẩu khí bằng đường ống từ Nga.
Với việc giàn Tamar đóng cửa, Israel có thế sẽ lấy khí đốt từ nơi khác. Điều này có thể khiến các tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng phải chuyển hướng và giá cả sẽ tăng cao ở châu Âu như trong giai đoạn qua.
Tuy nhiên, tồn kho khí tự nhiên của châu Âu đang ổn định hơn nhiều so với đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng năng lượng năm ngoái. Các kho dự trữ trên lục địa đã đạt gần 100% và mức tiêu thụ vẫn dưới mức trung bình lịch sử. Do đó, giá khí đốt cũng sẽ khó rơi vào kịch bản khủng hoảng như năm 2022.
PV: Trong tháng 11/2023, dự báo giá những mặt hàng này trong nước có thể biến động ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Dũng: Việt Nam hiện là quốc gia phụ thuộc khá nhiều vào nguồn cung năng lượng trên thế giới. Trong đó, khoảng 70% lượng dầu thô của Việt Nam đến từ Kuwait. Trong 9 tháng năm 2023, nước ta cũng nhập khẩu gần 2 triệu tấn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Saudi Arabia và UAE, các quốc gia tại khu vực Trung Đông.
Chính vì vậy, giá xăng dầu trong nước sẽ biến động khá sát với giá thế giới. Tuy nhiên, nhờ chính sách điều hành linh hoạt, trong đợt điều chỉnh chiều ngày 1/11, cả hai loại xăng RON 95-III và E5 RON 92-II đều chưa vượt quá 26.000 đồng/lít trong suốt một năm qua.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, biến động địa chính trị còn khó đoán, giá xăng dầu, khí gas trong nước cũng sẽ đối diện với nhiều rủi ro hơn. Yếu tố then chốt vẫn sẽ là cung cầu. Trong báo cáo tháng 10, OPEC ước tính mức thâm hụt nguồn cung có thể lên tới 3 triệu thùng/ngày trong quý IV.
Do đó, giá dầu thế giới sẽ khó giảm quá sâu dưới 80 USD/thùng đối với dầu Brent, có thể sẽ dao động ổn định quanh vùng 90 USD/thùng trong tháng 11. Thêm vào đó, nếu căng thẳng gia tăng trên thị trường, giá dầu Brent có thể về lại trên vùng 95 USD/thùng. Điều này có thể khiến giá xăng dầu trong nước cuối năm được điều chỉnh tăng thêm.
Đối với khí gas, như tôi đã đánh giá là nhạy cảm hơn và có dư địa tăng nhiều hơn so với giá dầu, do nhu cầu sưởi thường tăng cao vào cuối năm tại Bắc bán cầu khi bước vào mùa đông, khiến cho nguồn cung cạnh tranh hơn. Giá gas bán lẻ trong nước ngày 1/11 cũng đã được điều chỉnh tăng thêm 4.000 - 5.000 đồng/bình 12kg, đây là tháng thứ 4 tăng giá liên tiếp mặt hàng này.
Hiện nguồn cung gas nội địa chỉ chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ. Do đó, dự báo giá khí đốt thế giới cuối năm còn dư địa tăng, có thể khiến giá trong nước neo ở mức cao hơn trung bình nửa đầu năm nay.
PV: Xin cảm ơn ông!