Đoàn lãnh đạo cấp cao KOSEN thăm Trường CĐCN Phúc Yên |
Mô hình hiệu quả
TS. Nguyễn Tiến Tùng - Hiệu trưởng Trường CĐCN Phúc Yên - cho biết, tại Nhật Bản, Hệ thống trường KOSEN được thành lập từ những năm 60 của thập kỷ trước, với mục tiêu: Đào tạo lực lượng lao động giỏi để trực tiếp vận hành máy móc theo sự chỉ đạo của cán bộ kỹ thuật, có ý thức tổ chức kỷ luật, có kỹ năng thực hành và có khả năng sáng tạo để tự giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất.
Một đặc điểm nổi bật của KOSEN là cơ sở vật chất, máy móc thiết bị phục vụ đào tạo rất hiện đại để các sinh viên có thể thích nghi nhanh chóng với công việc sau khi tốt nghiệp. Đồng thời, những năm cuối, sinh viên được dành phần lớn thời gian để tiến hành các thí nghiệm và thực tập dưới sự hướng dẫn của giảng viên và chuyên gia nhằm phát huy tính sáng tạo.
Tính hấp dẫn của các trường KOSEN không chỉ là chất lượng đào tạo cao mà còn có nhiều cơ hội cho sinh viên tự phát triển và thể hiện. Với mô hình KOSEN, học sinh có cơ hội làm quen với chuyên môn sớm hơn so với sinh viên các trường khác.
“Chúng tôi đã tìm hiểu các thông tin về mô hình tổ chức đào tạo của hệ thống trường KOSEN và thấy rằng đây là một mô hình đào tạo kỹ sư thực hành hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế. Kể cả trong thời kỳ khó khăn của nền kinh tế Nhật Bản, 98% sinh viên tốt nghiệp KOSEN vẫn có việc làm trước khi tốt nghiệp” - TS Tùng chia sẻ.
Lựa chọn “đột phá”
Theo TS. Nguyễn Tiến Tùng, hội nhập kinh tế quốc tế là cơ hội để đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền kinh tế phát triển, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đặc biệt, Việt Nam đang phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và dần trở thành công xưởng gia công hàng đầu trên thế giới. Điều đó, dẫn đến Việt Nam phải có một lực lượng lao động có trình độ cao như các kỹ sư thực hành của KOSEN để tham gia trực tiếp vào sản xuất.
Trong khi đó, hoạt động của hệ thống các trường đào tạo nghề từ trung cấp đến cao đẳng của Việt Nam hiện nay cho thấy còn nhiều bất cập. Do vậy, mô hình hệ thống trường KOSEN có thể là một mô hình nên cân nhắc, lựa chọn để có thể đưa vào áp dụng tại Việt Nam.
Bắt đầu từ năm 2016, được sự đồng ý của Bộ Công Thương và sự hỗ trợ kỹ thuật tổ chức JICA, Trường CĐCN Phúc Yên đã chuẩn bị và tuyển sinh khóa đào tạo đầu tiên theo mô hình KOSEN. Mục tiêu của dự án này là đào tạo ra các kỹ sư thực hành làm việc tại xưởng theo tiêu chuẩn KOSEN.
Nhà trường cũng đã ra Quyết định thành lập Ban chỉ đạo triển khai dự án KOSEN tại trường. Trong đó có các nhóm hoạt động như: Nhóm Nghiên cứu chương trình đào tạo, nhóm Hợp tác và nhóm 5S – An toàn lao động. Cụ thể, nhiệm vụ chính của nhóm là: Triển khai nghiên cứu, biên soạn chương trình đào tạo ngành Cắt gọt kim loại và Điện công nghiệp theo mô hình KOSEN cho đầu vào là học sinh tốt nghiệp THCS (9+3+2) và học sinh tốt nghiệp THPT (12+3). Đặc biệt, nhóm này đã triển khai viết Chuẩn đầu ra (learning outcome) theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội, có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn (CANON, HONDA, GHOSI Thăng Long...).
Với kinh nghiệm tổ chức đào tạo nghề 56 năm, đội ngũ giáo viên trẻ, giàu năng lực, có tư duy đổi mới, Trường CĐCN Phúc Yên nhất định sẽ triển khai thành công mô hình KOSEN và trở thành một trường KOSEN điển hình tại Việt Nam.
Trường CĐCN Phúc Yên đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 “Phát triển thành trường cao đẳng chất lượng cao”, là nơi lựa chọn tin cậy cho học nghề của người dân, để sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay và là địa chỉ tuyển dụng nhân lực uy tín của doanh nghiệp. |