Bộ Công Thương - Nhật Bản: Tiếp tục hợp tác đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp Nâng cao hiệu quả mô hình Kosen tại Việt Nam |
Những kết quả tích cực
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương cho biết, đào tạo nguồn nhân lực theo mô hình Kosen của Nhật Bản có mục tiêu tăng cường kỹ năng thực hành trong các chương trình đào tạo hàn lâm (vốn thiên về lý thuyết) và cung cấp khả năng tư duy, sáng tạo các chương trình giáo dục nghề nghiệp (vốn thiên về đào tạo nghề).
Sau khi áp dụng thành công mô hình Kosen tại Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Dự án JICA-IUH, Bộ Công Thương đã chủ động làm việc với phía đối tác của Nhật Bản để lựa chọn và triển khai chương trình đào tạo theo mô hình Kosen Nhật Bản tại 3 trường cao đẳng trực thuộc Bộ gồm: Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, Trường cao đẳng Công nghiệp và Thương mại.
Chương trình đào tạo theo mô hình Kosen giai đoạn 2017-2021 tại 3 trường thuộc Bộ Công Thương bước đầu đã có những kết quả tích cực |
Tại buổi tổng kết kết quả triển khai thí điểm Chương trình đào tạo theo mô hình Kosen (chương trình) giai đoạn 2017-2021 và xây dựng kế hoạch triển khai chương trình giai đoạn 2022-31/3/2024 mới đây, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương - ông Nguyễn Thế Hiếu đánh giá, trong giai đoạn 2017-2021, 3 trường cao đẳng của Bộ Công Thương đã phối hợp với phía đối tác Kosen Nhật Bản triển khai việc tuyển sinh, đào tạo và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực.
Theo báo cáo của Vụ Tổ chức cán bộ, quy mô tuyển sinh và đào tạo theo chương trình Kosen của các trường trong 3 năm học là 519 sinh viên với các ngành đào tạo chủ yếu là công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; điện tử - công nghiệp; cơ điện tử; chương trình khung theo mô hình Kosen đã được xây dựng, đưa vào giảng dạy và đã đạt được nhiều kết quả tích cực; chương trình học có hệ thống rõ ràng theo chuẩn đầu ra, giúp học sinh dễ dàng định hướng và nắm bắt tiến trình học tập…
Đáng chú ý, kết quả học tập cũng như rèn luyện của các sinh viên tham gia chương trình đào tạo theo mô hình Kosen được Bộ Công Thương đánh giá là tốt hơn so với kết quả học tập của sinh viên theo học cùng chuyên ngành ở chương trình học bình thường. Đặc biệt, giai đoạn 2017-2021, các trường đã phối hợp với Kosen triển khai một số hoạt động hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam và bước đầu đã nhận được sự hưởng ứng cao từ phía các doanh nghiệp.
Ghi nhận từ các trường cũng cho thấy, nhiều điểm sáng trong chương trình đào tạo Kosen được trường áp dụng cho tất cả các ngành nghề đào tạo và đã đem lại hiệu quả cao. Đồng thời, đã giúp nâng cao kiến thức và kỹ năng cho sinh viên theo học. Nhiều doanh nghiệp cũng đã rất quan tâm đến sinh việc theo học chương trình đào tạo này.
Ngoài ra, trong quá trình đào tạo, các trường đã nhận được sự hỗ trợ, phối hợp tốt từ phía đối tác Kosen Nhật Bản. Nhất là trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp song các chuyên gia Kosen vẫn thường xuyên tổ chức trao đổi trực tuyến về chuyên môn và góp ý xây dựng, điều chỉnh chương trình và hỗ trợ kết nối doanh nghiệp...
Bên cạnh những chuyển biến tích cực, theo Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Thế Hiếu, quá trình triển khai chương trình đào tạo Kosen vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Như, số lượng thiết bị công nghệ cao chưa nhiều nên trong dài hạn nếu không được đầu tư, các trường khó có thể đáp ứng đủ yêu cầu học tập và các phương pháp dạy học ngày càng tiên tiến của chương trình.
Đặc biệt, việc kết nối nhà trường với doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam còn ít ỏi. Mặt khác, "mô hình đào tạo Kosen là mô hình mới, chưa phổ biến rộng rãi đến người dân nên việc tuyển sinh đã gặp nhiều khó khăn, bên cạnh đó với chương trình Kosen 9+5 kéo dài 5 năm cũng gây tâm lý e ngại cho phụ huynh học sinh”- ông Hiếu cho hay.
Buổi tổng kết kết quả triển khai thí điểm chương trình đào tạo theo mô hình Kosen giai đoạn 2017-2021 và xây dựng kế hoạch triển khai chương trình giai đoạn 2022-31/3/2024 |
Tăng cường kết nối với doanh nghiệp
Nhằm thúc đẩy hiệu quả của chương trình thực hiện trong giai đoạn 2022-2024, đại diện các trường cũng đã nêu nhiều đề xuất cụ thể về việc gỡ khó các vướng mắc, tồn tại trong quá trình triển khai, thực hiện chương trình đào tạo Kosen.
Cụ thể, đối với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan, các đơn vị đào tạo kiến nghị đầu tư bổ sung về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ đào tạo theo yêu cầu của chương trình; có cơ chế đặc thù về chế độ đối với giảng viên tham gia giảng dạy theo chương trình; triển khai việc đánh giá hiệu quả sau khi áp dụng thành công việc thí điểm mô hình Kosen tại 3 trường trực thuộc Bộ Công Thương để có chính sách đồng bộ nhằm triển khai rộng rãi việc đào tạo theo mô hình Kosen tại các trường của Việt Nam.
Còn đối với Kosen Nhật Bản, các trường kiến nghị phía đối tác hỗ trợ cán bộ, giảng viên Việt Nam tham quan, học tập tại Nhật Bản; hỗ trợ xây dựng mô hình học cụ phục vụ thực tập thí nghiệm các môn học; tạo điều kiện cho giảng viên và sinh viên Nhật Bản có thể sang Việt Nam tham gia các hoạt động chung.
Ngoài ra, mong muốn từ các trường tham gia chương trình đó là Kosen Nhật Bản tăng cường hỗ trợ kết nối trường với các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam và tại Nhật Bản để đạt hiệu quả hơn cho chương trình đào tạo này.
Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng - ông Lê Đình Kha đề xuất, hai bên cần thúc đẩy các hoạt động để giới thiệu mô hình đào tạo Kosen tới các doanh nghiệp một cách mạnh mẽ hơn, qua đó giúp doanh nghiệp và nhà trường có sự liên kết chặt chẽ trong đào tạo theo chương trình; cũng như tạo điều kiện để sinh viên có cơ hội cọ xát thực tế tại doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Huế - ông Phạm Văn Quân cũng cho rằng, để sinh viên tốt nghiệp theo chương trình Kosen có việc làm tại các doanh nghiệp Nhật Bản, việc kết nối sâu hơn giữa nhà trường và doanh nghiệp là hết sức quan trọng. “Các trường mong muốn phía đối tác Kosen Nhật Bản hỗ trợ, tạo điều kiện kết nối doanh nghiệp cho các đơn vị đào tạo, qua đó để sinh viên nắm bắt hiệu quả mô hình cũng như có cơ hội việc làm tại Nhật Bản sau khi ra trường”- ông Quân kiến nghị.
Trên cơ sở báo cáo phân tích, đánh giá sơ bộ các kết quả của việc thí điểm theo chương trình Kosen tại các trường trong giai đoạn 2017-2021 và trong kế hoạch chương trình thực hiện trong giai đoạn 2022-2024, ông Nguyễn Thế Hiếu cho biết, Bộ Công Thương xác định việc triển khai các hoạt động đào tạo cho giai đoạn tiếp theo cần hướng đến các mục tiêu, đó là hoàn thiện chương trình đào tạo theo mô hình Kosen, đạt được chuẩn đầu ra như mong muốn của cả hai bên.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Thế Hiếu, Bộ Công Thương cũng đã xác định mục tiêu hướng tới, cụ thể: Tăng cường hợp tác giữa các trường và các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam và các doanh nghiệp Nhật Bản tại Nhật Bản nhằm hỗ trợ sinh viên tham quan, thực tập và làm việc tại các doanh nghiệp; hỗ trợ tạo điều kiện để giảng viên của trường được tham quan học hỏi trực tiếp tại các trường ở Nhật; thúc đẩy sự công nhận lẫn nhau về kết quả học tập của sinh viên tốt nghiệp các trường được đào tạo theo chương trình Kosen.
Một số giải pháp cũng được Bộ Công Thương đề ra, đó là thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam để hỗ trợ sinh viên tham quan, định hướng việc làm của sinh viên, cũng như tiếp nhận sinh viên sau tốt nghiệp. Tiếp tục phối hợp với phia Kosen Nhật Bản để quản lý và đào tạo các lớp Kosen theo đúng mô hình, kế hoạch và mục tiêu đề ra. Hoàn thiện chương trình chi tiết các môn học, tài liệu học tập; quảng bá về chương trình đào tạo theo mô hình Kosen để thu hút sự tham gia của người học.