Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, diễn ra trong 4 ngày từ ngày 17 – 20/10, có 349 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 60.000 đảng viên của Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp.
Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, phát biểu chỉ đạo đại hội. Ảnh Nguyệt Ánh |
Tốp đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Phát biểu chỉ đạo đại hội, ông Phạm Minh Chính chúc mừng và biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Đồng Tháp đạt được trong nhiệm kỳ qua. 5 năm qua, kinh tế Đồng Tháp phát triển ổn định, tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 6,44%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Thu nhập bình quân đầu người tăng 1,55 lần so với đầu nhiệm kỳ. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư, hệ thống giao thông được chú trọng nâng cấp, Đồng Tháp dần chấm dứt cảnh "Khuất nẻo - Qua sông phải luỵ đò" hàng thập kỷ qua.
Đặc biệt, ngành nông nghiệp Đồng Tháp được tập trung cơ cấu lại, chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp đến tư duy kinh tế nông nghiệp; thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới với một số mô hình tốt và xây dựng được một số thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Sản xuất công nghiệp phát triển ổn định, theo hướng gia tăng hàm lượng công nghệ cao, đi vào chiều sâu. Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển khá. Từng bước xây dựng phong trào khởi nghiệp trên nhiều lĩnh vực.
Đồng Tháp dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long và trong tốp dẫn đầu cả nước về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh (PCI), Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp Tỉnh (PAPI) và Chỉ số "Cải cách hành chính" (PAR INDEX).
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, diễn ra trong 4 ngày từ ngày 17 – 20/10 |
Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, bên cạnh những thành tựu đạt được, Đồng Tháp vẫn còn những khó khăn, hạn chế như tăng trưởng kinh tế chưa như kỳ vọng, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông còn yếu, chưa đồng bộ. Đặc biệt, thu hút đầu tư còn hạn chế, chưa tương xứng với chỉ số PCI, chỉ số cải cách hành chính mà Đồng Tháp luôn đạt thứ hạng cao trong cả nước.
Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, được Báo cáo chính trị trình Đại hội nhìn nhận, phân tích, đánh giá khá đầy đủ. Ông Phạm Minh Chính đề nghị tại Đại hội lần này, các đại biểu cần thảo luận sâu, phân tích kỹ nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân chủ quan để tìm ra giải pháp khắc phục một cách khả thi, có hiệu quả, tạo sức bật cho sự phát triển của Đồng Tháp trong giai đoạn mới.
Từng bước đưa ngành công nghiệp chế biến thành ngành công nghiệp mũi nhọn
Để thực hiện thành công mục tiêu, định hướng phát triển trong nhiệm kỳ 2020-2025, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đề nghị, Đồng Tháp tiếp tục phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực để phát triển Đồng Tháp, trên cơ sở dựa vào nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá.
Bên cạnh đó, Đồng Tháp cần xác định động lực và nguồn lực cho phát triển trong giai đoạn mới chính là con người, là khơi dậy mạnh mẽ tình yêu quê hương đất nước, ý chí tự lực tự cường; biến khó khăn, thách thức thành khát vọng vươn lên của cả hệ thống chính trị, của toàn dân với tinh thần đoàn kết… tạo thành sức mạnh tổng hợp, góp phần vào việc biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể, để Đồng Tháp thực sự trở thành “đóa sen hồng” tỏa hương, khoe sắc, vươn lên mãnh liệt trong khu vực và cả nước…
Đặc biệt, Đồng Tháp cần tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, trong đó, lấy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và dựa vào đó để thu hút hơn nữa các nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế.
“Từng bước đưa ngành công nghiệp chế biến thành ngành công nghiệp mũi nhọn của Đồng Tháp. Bên cạnh đó, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng xây dựng chuỗi giá trị, chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, phát triển các ngành dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch gắn với văn hóa đặc sắc của địa phương, đồng thời gắn với chuỗi giá trị sản phẩm du lịch các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long” - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đề nghị.
Mục tiêu phát triển giai đoạn 2020- 2025, phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 7,5%. Đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người tăng gấp 1,7 lần so với năm 2020 (tương đương 3.434 USD); thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 10%/năm. |