Đồng bằng sông Cửu Long: Ngăn chặn vi phạm gian lận xuất xứ, bảo vệ thương hiệu gạo Việt
Hiện nay tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường do tác động bởi nhiều yếu tố như: Lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số nước (Ấn độ, UAE, Nga); hiện tượng El Nino ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lương thực, ngũ cốc ở nhiều khu vực; diễn biến địa chính trị còn phức tạp (Nga tuyên bố rút khổi thỏa thuận ngũ cốc Biển đen),… Những sự kiện này ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu của Việt Nam nói chung và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
Trên thực tế, giá gạo của Việt Nam trong gần 4 tuần qua đã liên tục biến động theo chiều hướng tăng. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện ở mức 628 USD/tấn và gạo 25% tấm là 608 USD/tấn. Mức giá này dù đã giảm nhẹ so với tuần trước song vẫn là mức cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây. Khi giá gạo xuất khẩu tăng đã kéo theo giá gạo tại nội địa biến động và ở nhiều địa phương có tình trạng giá gạo tăng do đầu cơ.
Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 07 về bình ổn thị trường gạo trong nước và xuất khẩu giai đoạn hiện nay. Theo Chỉ thị 07, Bộ Công Thương yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán; đồng thời ngăn chặn các hành vi găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo.
Trên tinh thần đó Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo các Cục Quản lý thị trường địa phương thực hiện tốt việc kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở kinh doanh, các cửa hàng và yêu cầu đơn vị này thực hiện nghiêm việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, tránh đầu cơ, tăng giá bán bất hợp lý đối với mặt hàng gạo.
Ghi nhận từ một số địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh đã chủ động thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm với mặt hàng gạo.
Lực lượng quản lý thị trường Bến Tre kiểm tra kinh doanh gạo |
Đơn cử tại Bến Tre, theo Cục Quản lý thị trường tỉnh này, trước tình hình thị trường gạo trong nước tiềm ẩn nhiều phức tạp, nhằm ổn định nguồn cung ứng gạo cho người tiêu dùng, Cục đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng kiểm tra, kiểm soát địa bàn và kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm về gian lận xuất xứ, bảo vệ thương hiệu gạo Việt Nam.
Điển hình Đội Quản lý thị trường số 1 đã khảo sát, tiến hành kiểm tra tại 06 hộ kinh doanh gạo trên địa bàn huyện Ba Tri và huyện Giồng Trôm, phát hiện vi phạm và tạm giữ trên 75 tấn gạo (gồm gạo phế và gạo trắng). Trong đó có 10 tấn gạo không có nhãn hàng hóa (không có nhãn gốc) và trên 65 tấn gạo có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Đội Quản lý thị trường số 1 đã xử lý các vụ việc trên với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính là 79.250.000 đồng, trị giá hàng hóa 850.000.000 đồng. Hiện các hộ kinh doanh đã chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Các tiểu thương tại Kiên Giang ký cam kết niêm yết giá và bán đúng giá theo quy định |
Trong khi đó, tại Kiên Giang, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang cũng có chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo. Theo đó, ngày 17/8/2023 Đội Quản lý thị trường số 3 đã tiến hành rà soát, giám sát 08 cơ sở kinh doanh mặt hàng gạo trên địa bàn thành phố Hà Tiên; đồng thời các hộ này đã ký cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng. Đặc biệt cam kết niêm yết giá và bán đúng giá theo quy định, không đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý…
Theo đánh giá chung, việc thực hiện tuyên truyền, giám sát của lực lượng quản lý thị trường các địa phương đã nâng cao nhận thức về chấp hành các quy định pháp luật về kinh doanh gạo cho các tiểu thương, góp phần tạo sự ổn định trên thị trường gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.