Đối mặt với nhiều khó khăn, doanh nghiệp cần “trợ sức” để phát triển
Thiếu thị trường tiêu thụ, chi phí vận tải tăng cao
Chia sẻ với phóng viên mới đây, chị Trần Thị Hảo - đại diện doanh nghiệp chuyên sản xuất linh, phụ kiện có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động tại tỉnh Vĩnh Phúc - cho biết, mặc dù đã có những tín hiệu khả quan hơn so với cùng thời điểm năm ngoái, nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với khó khăn, do kinh tế thế giới chưa ổn định, giá nguyên liệu đầu vào, giá cước vận tải tăng, trong khi đơn hàng sản xuất chưa dồi dào.
Hoạt động của doanh nghiệp đã có tín hiệu tích cực, nhưng vẫn đối diện với thách thức. Ảnh: Văn Nhất |
Trước đó, theo kết quả khảo sát trên 30.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, có 73,5% doanh nghiệp nhận định hoạt động quý II/2024 tốt hơn và giữ ổn định so với quý I/2024, trong khi có 26,5% doanh nghiệp đánh giá hoạt động khó khăn hơn.
Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê về khó khăn của doanh nghiệp cũng cho thấy về đầu ra “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” là hai yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp với tỷ lệ lựa chọn lần lượt là 53,8% và 43,6%. Riêng đối với doanh nghiệp xây dựng có 46,9% doanh nghiệp gặp khó khăn do “không có hợp đồng xây dựng mới”.
Về các yếu tố đầu vào cho sản xuất, kinh doanh, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí vận tải kho bãi, chi phí các dịch vụ tăng cao vẫn là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp với 27,4% doanh nghiệp lựa chọn. Trong khi đó, có 21,2% doanh nghiệp lựa chọn khó khăn về vốn; 19,7% doanh nghiệp cho biết lãi suất vay vốn tuy đã giảm hơn trước nhưng vẫn còn cao. Về nguyên, nhiên, vật liệu, 18,1% doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn do thiếu nguyên, nhiên, vật liệu.
Đặc biệt, đầu tháng 7/2024, đoàn công tác của Tổng cục Thống kê có chuyến khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang một số doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Công nghiệp thực phẩm THABICO Tiền Giang (huyện Chợ Gạo), Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Trí Sơn (TP. Mỹ Tho), vùng trồng sầu riêng ở xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy), Khu công nghiệp Long Giang (huyện Tân Phước) và một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Qua báo cáo của các doanh nghiệp được khảo sát cho thấy, tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định và tăng so với năm ngoái. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp là chi phí vận tải hàng hóa xuất tăng cao, làm cho chi phí tăng, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Cải thiện môi trường kinh doanh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: MP |
Cần trợ sức để doanh nghiệp phát triển
Để tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp, TS. chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho rằng, trước hết, phải tháo được “nút thắt” ở thị trường tín dụng, cùng với các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Để khơi thông dòng tín dụng, theo TS. Nguyễn Đình Cung, không còn cách nào khác vẫn phải cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp mới có nhu cầu phát triển kinh doanh, nhu cầu vay vốn và trả nợ.
Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong các tháng còn lại của năm 2024, tại khảo sát của Tổng cục Thống kê, các doanh nghiệp đưa ra kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành và địa phương hỗ trợ cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, về lãi suất: Để giảm bớt áp lực về chi phí đầu vào cho sản xuất, kinh doanh, mong muốn lớn nhất của các doanh nghiệp là giảm lãi suất cho vay với tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị 47,0%.
Về nguồn nguyên, vật liệu đầu vào cho sản xuất, 30,5% doanh nghiệp kiến nghị cần ổn định nguồn cung nguyên, vật liệu; 35,4% doanh nghiệp kiến nghị nhà nước cần có các chính sách bình ổn giá nguyên, nhiên, vật liệu, giá dịch vụ đầu vào cho sản xuất, kinh doanh.
Về chính sách thuế, phí, lệ phí: 31,2% doanh nghiệp kiến nghị điều chỉnh chính sách thuế, phí và các khoản nộp ngân sách nhà nước phù hợp. Về điều kiện và thủ tục vay vốn: 29,0% doanh nghiệp kiến nghị cần tiếp tục cắt giảm điều kiện và thủ tục vay vốn.
Về thủ tục hành chính; 28,6% doanh nghiệp kiến nghị cần rút ngắn thời gian và cắt giảm quy trình xử lý thủ tục hành chính. Về thị trường đầu ra: 27,7% doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục có biện pháp kích cầu trong nước; 21,4% doanh nghiệp kiến nghị cần tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm.
Bên cạnh đó, TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương - cho rằng: Tình hình kinh tế trong nước và thế giới những tháng cuối năm vẫn rất phức tạp, diễn biến khó lường. Theo đó, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh Việt Nam, cần tiếp tục quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng chính sách phát triển nền kinh tế số, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước, nâng cao năng lực cạnh tranh trước những diễn biến khó lường.