Thứ tư 11/12/2024 22:30

Đội du kích Pác Bó - khởi nguồn của quân đội ta

Để có cơ sở thực tiễn thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp xây dựng, huấn luyện đội du kích mang tên Pác Bó.

Rất nhiều người đã biết đến sự kiện thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) vào ngày 22/12/1944 tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Thế nhưng có lẽ ít người biết rằng, để có cơ sở thực tiễn hình thành tổ chức này, trước đó gần 3 năm, tại đây đã có một đội du kích được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) trực tiếp xây dựng, huấn luyện mang tên Pác Bó.

Cách đây một phần tư thế kỷ, nhân chuẩn bị kỷ niệm 55 Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/1999), tôi cùng Đại tá Lê Liên, Trưởng phòng biên tập Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng, Báo Quân đội nhân dân hành hương về quê hương cách mạng Cao Bằng. Tại đây, chúng tôi may mắn được gặp khá nhiều nhân chứng lịch sử chứng kiến sự kiện cách mạng của nước nhà hơn nửa thế kỷ trước. Đặc biệt, chúng tôi đã được gặp cụ Nông Thị Trưng, đội viên duy nhất của Đội du kích Pác Bó còn sống đến thời điểm đó. Cụ Trưng cũng là đội viên nữ duy nhất của đội du kích, người trực tiếp được Bác Hồ dìu dắt, giáo dục, kết nạp Đảng.

Lễ thành lập Đội du kích Pác Bó

Theo lời kể của cụ Nông Thị Trưng: Ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, ở Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) chỉ đạo xây dựng căn cứ địa cách mạng. Ngay khi về Pác Bó, trong khi trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, củng cố, phát triển lực lượng chính trị, Người đề ra nhiệm vụ gấp rút tổ chức lực lượng vũ trang, bắt đầu từ việc xây dựng các đội tự vệ, tìm kiếm vũ khí. Người chỉ thị cho Đảng bộ Cao Bằng phải nhanh chóng “Chọn những người tốt nhất để tổ chức thành đội tự vệ và tự vệ chiến đấu, phải xây dựng được một lực lượng vũ trang sẵn sàng”. Bởi theo Người: Nếu cứ để từng người, từng khẩu như thế và ở rải rác mỗi người một nơi thì cũng chỉ bảo vệ được một mình mình thôi, mà cũng chưa chắc. Muốn phát huy được tác dụng của vũ khí, phải tập trung anh em lại, phải có tổ chức, có chỉ huy, có kế hoạch học tập và hoạt động.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao cho người đồng chí tin cậy, có kiến thức về quân sự là Lê Thiết Hùng và Lê Quảng Ba tổ chức đội vũ trang tập trung. Trước đó, đồng chí Lê Thiết Hùng được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp kết nạp vào Việt Nam cách mạng thanh niên (năm 1925), được cử đi học Trường Võ bị Hoàng Phố (Trung Quốc), rồi được giao nhiệm vụ tham gia quân đội Tưởng Giới Thạch, được phong quân hàm tới đại tá (đại hiệu). Đồng chí Lê Quảng Ba là người đã bảo vệ và dẫn đường đưa lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Trung Quốc về Pác Bó ngày 28/1/1941.

Sau một thời gian thâm nhập cơ sở, hai đồng chí Lê Thiết Hùng và Lê Quảng Ba chọn được 12 hội viên cứu quốc trung thành, dũng cảm, khoẻ mạnh (11 nam, 1 nữ) để thành lập Đội du kích Pác Bó.

Theo lời kể của cụ Nông Thị Trung, Lễ thành lập Đội du kích Pác Bó được tổ chức đơn giản nhưng trang nghiêm tại bãi ruộng to có tên Pài Co Nhản ở bản Pác Bó (nay thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) vào tháng 10/1941.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến dự Lễ thành lập Đội và căn dặn: “Toàn đội phải đoàn kết, chấp hành kỷ luật tốt, khiêm tốn học hỏi, giúp nhau thực sự về chính trị, quân sự cũng như trong sinh hoạt, đối với dân phải như cá với nước”.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử đồng chí Lê Quảng Ba làm Đội trưởng, đồng chí Lê Đinh (tức Lê Thiết Hùng) làm Chính trị viên, đồng chí Trần Sơn Hùng (tức Hoàng Sâm) làm Đội phó.

Đội du kích Pác Bó có Chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo, đồng chí Lê Thiết Hùng làm Bí thư Chi bộ. Các đội viên của Đội du kích đều là đảng viên chính thức gồm có các đồng chí: Cường Tiến (tức Nguyễn Văn Cơ, về sau đổi tên là Bằng Giang), Hải Tâm (tức Bế Sơn Cương), Đức Thanh, Thế An, Nông Văn Chủng (tức Phùng), Tống Dề (tức La), Nông Thị Trưng, Quang Hưng (tức Dương Mạc Hiếu), Sĩ Cương. Nhiệm vụ ban đầu của Đội du kích Pác Bó là bảo vệ cơ quan lãnh đạo của Đảng, bảo vệ cán bộ, làm giao thông liên lạc đặc biệt nối liền cơ quan đầu não tại Pác Bó với Đảng bộ Cao Bằng tại Lam Sơn, Hồng Việt (Hòa An), vũ trang tuyên truyền trong quần chúng và huấn luyện tự vệ chiến đấu ở địa phương.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặc biệt quan tâm đến đứa con đầu lòng này của lực lượng vũ trang Cao Bằng. Ngoài các nhiệm vụ của Đội là chiến đấu và tuyên truyền vận động nhân dân, Người giao thêm nhiệm vụ làm nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang và nửa vũ trang sau này. Người thường xuyên thăm hỏi, bảo ban cặn kẽ, giúp đỡ nhiều mặt để Đội du kích Pác Bó thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc còn trực tiếp soạn thảo 10 điều kỷ luật và Chiến thuật cơ bản của du kích để Đội du kích Pác Bó học tập và thực hiện. 10 điều kỷ luật sau này đã phát triển thành 10 lời thề của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và sau đó phát triển thành 10 lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này.

Từ cuối năm 1942, theo đà phát triển của phong trào Việt Minh, việc luyện tập quân sự trở nên sôi nổi trong phạm vi toàn tỉnh Cao Bằng. Ở đâu cũng có đội tự vệ thường và tự vệ chiến đấu. Để có cán bộ huấn luyện quân sự mà phong trào đang đòi hỏi, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ thị cho đội du kích tập trung đầu tiên phân tán về các địa phương làm nhiệm vụ.

Đội du kích Pác Bó chỉ tồn tại khoảng hai năm. Song đây là cơ sở thực tiễn quan trọng để Đảng, Bác Hồ tổ chức xây dựng Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay. Đồng chí Lê Quảng Ba, Đội trưởng đầu tiên của Đội du kích Pác Bó được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giao nhiệm vụ lựa chọn người, tập trung vũ khí và xây dựng kế hoạch cụ thể thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Đồng chí Hoàng Sâm, nguyên Đội phó Đội du kích Pác Bó được cử làm Đội trưởng Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.

“Pác Bó theo tiếng Tày – Nùng có nghĩa là đầu nguồn nước. Pác Bó cũng là đầu nguồn cách mạng. Đội du kích Pác Bó là khởi nguồn của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, khởi nguồn của quân đội ta” – cụ Nông Thị Trưng đã khẳng định với chúng tôi như vậy.

Đỗ Phú Thọ
Bài viết cùng chủ đề: Quân đội nhân dân

Tin cùng chuyên mục

Chùm ảnh: Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hương tưởng niệm Cụ Nguyễn Sinh Sắc

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kiến nghị nhiều giải pháp để Đồng Tháp tăng trưởng hai con số

Sáp nhập Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn

Bổ sung dự án Luật Báo chí (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025

Thủ tướng đôn đốc gỡ khó, thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội

Nhân sự 10/12: Chủ tịch Agribank giữ chức Chủ tịch UBND Quảng Ninh; nhiều tỉnh ủy thực hiện công tác cán bộ

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc với tỉnh Đồng Tháp

Tổng Bí thư Tô Lâm: Hoa Kỳ là đối tác kinh tế và đầu tư hàng đầu của Việt Nam

Thủ tướng: Xây dựng sân bay Gia Bình theo tiêu chí '3 nhất', góp phần chống tiêu cực, lãng phí

Phó Thủ tướng: Đề nghị ưu tiên đẩy nhanh triển khai 3 tuyến đường sắt kết nối Việt Nam với Trung Quốc

Phó Chủ tịch Quốc hội: Cần cơ chế vượt trội để khuyến khích người còn 2-3 năm công tác sẵn sàng nghỉ

Cần quan tâm đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức khi sắp xếp tổ chức bộ máy

Tháng 2/2025 sẽ họp Quốc hội để xem xét sửa đổi các luật liên quan đến tổ chức tinh gọn bộ máy

Toạ đàm: Để đầu tư công tiếp tục ‘sứ mệnh’ là động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội’

Nhân sự 9/12: Tỉnh Đắk Nông, Quảng Trị, Cần Thơ, Yên Bái, Lạng Sơn thực hiện quy trình công tác cán bộ

Thu hút đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, thúc đẩy tăng trưởng xanh

Thủ tướng đề nghị các tập đoàn top 500 thế giới tham gia xây dựng cầu Tứ Liên, sân bay Long Thành

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức 2 đại học quốc gia để tự chủ mạnh mẽ hơn nữa

Viện Hàng không Vũ trụ Viettel đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân

Thủ tướng: Thi đua đổi mới sáng tạo, lan tỏa khí thế đất nước trong kỷ nguyên mới